Thứ Tư, 01/03/2017 13:10

Doanh nghiệp dược khép năm 2016 lãi tăng mạnh và 2017 sẽ lạc quan hơn

Có thể nói ngành dược đã khép lại năm 2016 với kết quả kinh doanh khá khả quan khi không có đơn vị nào báo lỗ hay giảm lãi trong 12 doanh nghiệp đã công bố BCTC. Tốc độ tăng trưởng lãi ròng bình quân 20% đến từ đâu khi doanh thu hầu như không tăng bao nhiêu?

Tiết giảm chi phí, lãi tăng mạnh

Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng lợi nhuận tốt là nhờ tiết giảm chi phí trong khi doanh thu không tăng trưởng bao nhiêu. Theo dữ liệu báo cáo tài chính (BCTC) quý 4/2016 tổng hợp của Vietstock, tổng doanh thu thuần của 12 doanh nghiệp ngành dược có đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch đã công bố BCTC tạo ra trong năm 2016 đạt 12,834 tỷ đồng, tăng trưởng 8%; song tổng lãi ròng cổ đông công ty mẹ nhận được lại tăng đến 20% đạt 1,564 tỷ đồng.

Mới chỉ có 12/30 doanh nghiệp dược đưa cổ phiêu lên giao dịch ở thị trường tập trung ra BCTC quý 4/2016

Vẫn xứng danh “ông hoàng” ngành dược Việt, Dược Hậu Giang (DHG) vững vàng tại mốc doanh thu thuần 3,782 tỷ đồng và lãi ròng 710 tỷ đồng; lần lượt tăng trưởng 5% và 21% so với cùng kỳ năm trước.

Yếu tố khiến doanh thu của DHG tăng trưởng không cao có lẽ là do ngay từ đầu năm đã áp dụng chính sách bán hàng thay đổi theo hướng chi chiết khấu bằng tiền mặt thay vì hàng hóa như trước đây và kênh phân phối sỉ tạm ngưng hoạt động. Mặt khác, Công ty cũng tập trung ngân sách đầu tư đẩy mạnh các nhãn hàng chủ lực và triển khai các giải pháp quản trị nguồn nhân lực giúp lợi nhuận tăng đáng kể. Cuối cùng,  nhờ nhận được chính sách ưu đãi thuế TNDN tại nhà máy dược phẩm mới (Công ty TNHH MTV Dược phẩm DHG) và nhà máy bao bì mới (Công ty TNHH MTV In Bao bì DHG 1) mà Công ty tiết kiệm được hơn cả trăm tỷ đồng tiền thuế.

Bám sát nút DHG vẫn là Traphaco (TRA) và XNK Y tế Domesco (DMC), song cả hai có vẻ thiếu khởi sắc hơn hẳn với lần lượt doanh thu thuần tăng trưởng 1% và 4% cùng lợi nhuận tăng 16% và 18%.

Bên cạnh ba “ông lớn” có doanh thu các năm trên ngàn tỷ DHG, DMC và TRA thì năm 2016 còn hai đơn vị ghi tên mình vào hội là Dược phẩm Hà Tây (DHT) và Dược phẩm Imexpharm (IMP).

Đặc biệt hơn, DHT cũng chính là đơn vị có doanh thu tăng trưởng nổi bật nhất ngành với 28% ghi nhận 1,205 tỷ đồng, theo đó lãi ròng đạt 53.7 tỷ đồng, tăng 46%. Đà bứt phá mạnh của DHT đến từ quý cuối năm khi lãi ròng ghi nhận 24.7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46% cả năm và gấp gần 3 lần thực hiện cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân theo đơn vị cho biết là do doanh số bán hàng đạt kết quả khả quan, chi phí bán hàng được tiết giảm đáng kể và thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 2% xuống 20%.

Còn IMP dẫu cũng cán mốc doanh thu 1,000 tỷ đồng nhưng mức tăng trưởng không cao, chỉ 5%, và lãi ròng tăng 9% đạt 101 tỷ đồng.

Xét đến mức tăng trưởng lợi nhuận, dẫn đầu là tân binh mới đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM vào cuối năm 2016, Dược phẩm TW 25 (UPH). với mức tăng 66%. Doanh thu tăng trưởng 10% cùng chi phí bán hàng giảm mạnh đã giúp UPH nâng lãi ròng lên 2.7 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 1.9 tỷ năm 2015.

Được biết, UPH chính là công ty con mà Dược phẩm OPC mới “tuyển” trong tháng 9/2016 sau khi tăng sở hữu từ 28.6% lên 58.14%. Vào quý 4/2016, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của OPC cùng tăng trưởng xấp xỉ 50% là nhờ phân phối thêm hàng của công ty con này và lượng hàng bán vào khối điều trị tăng mạnh, cũng như việc hợp nhất số liệu doanh thu từ UPH.

Tính chung cả năm 2016, OPC ghi nhận doanh thu tăng trưởng 19% đạt 790 tỷ đồng và lãi ròng tăng nhẹ 11% lên 78 tỷ đồng, trở thành đơn vị duy nhất đi ngược xu hướng chung của ngành (doanh thu tăng thấp hơn mức tăng lợi nhuận).

KQKD của các doanh nghiệp ngành dược 2016

Doanh nghiệp dược Việt đang cố khẳng định mình

PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ tại một buổi hội thảo ngành diễn ra tháng 11/2016 rằng, công nghiệp dược Việt Nam đang có cơ hội rất lớn bởi thị trường dược phẩm trong nước là thị trường tăng trưởng mạnh nhất khu vực châu Á. Tuy nhiên, ngành gặp phải những khó khăn như thiếu chiến lược tập trung và dài hạn trong khi kỹ thuật tiếp thị kém, hệ thống quân phối lại không hiện đại, trình độ sáng tạo thấp, các sản phẩm được sản xuất chủ yếu ở dạng bào chế quy ước mà ít dạng bào chế công nghệ cao.

Theo ước tính của Tổ chức Giám sát Kinh doanh quốc tế (BMI), giá trị sản xuất thuốc trong nước chỉ mới chiếm chưa đến 45% tổng giá trị sử dụng thuốc, chủ yếu bào chế các loại thuốc đơn giản, phổ biến và giá rẻ. Trong khi các loại thuốc biệt dược có giá trị cao đa phần là thuốc nhập khẩu hay do các công ty dược liên doanh và nước ngoài phân phối. Mục tiêu đến 2020 của ngành dược là thuốc sản xuất trong nước phải chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, điều này tức là đến 2016 mới đáp ứng được hơn phân nửa.

Thực tế thì các doanh nghiệp dược lớn hiện nay như DHG, TRA, IMP… đều đã nhìn rõ những yếu kém và có chiến lược cải thiện. Như DHG thì nâng cao chất lượng dây chuyền sản xuất, đặt mục tiêu nghiên cứu và đăng ký các sản phẩm hết bảo hộ ít nhất 5 sản phẩm/năm, phát triển các sản phẩm từ việc ứng dụng công nghệ sinh học, hợp tác chiến lược với đơn vị nghiên cứu chuyên sâu; TRA đầu tư dự án nhà máy sản xuất dược và tập trung phát triển thị trường miền Nam và miền Trung; hay IMP thì nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy, xây dựng thêm nhà máy mới, theo đuổi chiến lược sản phẩm khác biệt, tìm thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á, Châu Phi và Nam Mỹ…

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, tâm lý người Việt vẫn còn chuộng thuốc ngoại hơn và các doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư, tái cấu trúc thì việc duy trì đà tăng trưởng doanh thu 8% cùng lãi ròng tăng mạnh 20% là một tín hiệu lạc quan.

Năm 2017 nhiều thuận lợi

Theo báo cáo ngành 2017 của CTCK BIDV (BSI), ngành dược đang có khá nhiều thuận lợi và được dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong những năm tới nhờ sự gia tăng tầng lớp thu nhập cao và mở rộng bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.

BSI dẫn lời Boston Consulting Group rằng, tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi lên 33 triệu người vào năm 2020 dẫn tới nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế cao sẽ tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, BHYT toàn dân là một chủ trương quan trọng về mặt xã hội được Chính phủ tập trung đẩy mạnh từ tỷ lệ bao phủ 77.1% như hiện nay (tương đương 71.1 triệu người) lên mức 80% (tương đương 78.5 triệu người) vào năm 2020. Việc gia tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ BHYT được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu các loại dược phẩm nằm trong danh mục thanh toán thuốc bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, Luật Dược sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/ 2017 được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cho ngành. Trong đó, đáng chú ý là việc ưu tiên trong hoạt động đấu thầu đối với nguồn nguyên dược liệu và sản phẩm trong nước nếu đáp ứng được các yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Luật mới cho phép nộp hồ sơ đăng ký thuốc generic sớm, trước khi biệt dược gốc hết hạn quyền sở hữu công nghiệp, và hỗ trợ phát triển nuôi trồng dược liệu, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội địa, giảm dần sự phụ thuộc từ dược phẩm đến dược liệu nhập khẩu.

Cuối cùng, BSI cho biết theo dự báo của Bộ Y tế, tỷ trọng doanh thu thị trường thuốc đông dược sẽ tăng mạnh từ 1-1.5% hiện tại lên mức 30% trong năm tới nhờ sự bùng nổ về tiêu thụ thực phẩm chức năng có nguồn gốc đông dược do nhu cầu giảm thiểu tác hại từ nhịp sống gấp gáp và môi trường đang ngày càng ô nhiễm. Lợi thế của các doanh nghiệp trong nước sản xuất thực phẩm chức năng có nguồn góc đông được đến từ (1) nguồn nguyên dược phong phú với khoảng 4,000 loại thảo dược cùng kinh nghiệm truyền thống về đông y, (2) thuế nhập khẩu đối với thực phẩm chức năng hiện nay ở mức tương đối cao (15%) nên các sản phẩm thực phẩm chức năng đông dược nội địa như Boganic, Hoạt huyết dưỡng não hầu như chiếm lĩnh phân khúc bình dân.

Hai “ông lớn” trong ngành, DHG và TRA, cũng đưa ra các con số mục tiêu  kinh doanh khả quan trong năm nay. Cụ thể, DHG cho biết mục tiêu năm 2017 là doanh thu 4,369 tỷ đồng, tăng trưởng 15.52% và tăng tỷ trọng sử dụng nguồn nguyên liệu gốc từ thiên nhiên tại Việt Nam đạt ít nhất 10% để chủ động nguồn nguyên liệu và giảm chi phí đầu vào. Còn TRA thì trong giai đoạn 2016 – 2020 đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng ít nhất 12%/năm và lợi nhuận là 15%/năm./.

Các tin tức khác

>   FID: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 (28/02/2017)

>   GTS: Báo cáo tài chính quý 4/2016 (28/02/2017)

>   BDW: Báo cáo tài chính năm 2016 (28/02/2017)

>   HDC: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua kết quả hoạt động SXKD năm 2016 và kế hoạch SXKD năm 2017 (28/02/2017)

>   HBC: Thông báo trúng gói thầu Tổng thầu thi công XD các công trình thuộc dự án Khách sạn Sheraton Hạ Long Bay và dịch vụ cao cấp (28/02/2017)

>   POM: Thông báo công văn của UBCKNN về chấp thuận gia hạn thời gian công bố BCTC năm 2017 cho POM (28/02/2017)

>   BT1: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (28/02/2017)

>   CAN: Chốt ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ Thường niên năm 2017 (28/02/2017)

>   TPC: Chủ tịch Phạm Đỗ Diễm Hương ủy quyền hoàn toàn cho Phó Chủ tịch từ 25/02 (01/03/2017)

>   TPC: Thông báo công văn của UBCKNN về chấp thuận gia hạn thời gian công bố BCTC năm 2017 cho TPC (28/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật