ĐHĐCĐ Hòa Phát: Huy động vốn thực hiện ngay giai đoạn 2 dự án Dung Quất
Sáng ngày 10/03, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 trình lên phương án phát hành 250 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và đầu tư vào dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Nóng xoay quanh dự án Gang thép Hòa Phát Dung Quất
Tại Đại hội, HĐQT đã trình lên việc triển khai dự án khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất. Đây là dự án sản xuất gang, phôi thép, thép các loại từ quặng sắt quy mô 4 triệu tấn các loại/năm tại KCN phía Đông, khu kinh tế Dung Quất, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Dự án có tổng mức đầu tư 52,000 tỷ đồng trong đó vốn cố định 40,000 tỷ đồng và vốn lưu động 12,000 tỷ đồng chia đều làm 2 giai đoạn. Cơ cấu nguồn vốn cố định của dự án gồm 20,000 tỷ đồng vốn tự có và 20,000 tỷ đồng vốn vay từ tổ chức tín dụng và khác. Vốn tự có được góp theo tiến độ triển khai dự án và được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn khác. Mỗi giai đoạn đều có tổng vốn đầu tư 26,000 tỷ đồng trong đó vốn cố định là 20,000 tỷ đồng và vốn lưu động 6,000 tỷ đồng; tỷ lệ vốn tự có trên vốn cố định là 50% (vốn tự có 10,000 tỷ đồng và vốn vay 10,000 tỷ đồng).
Dự kiến, dự án sẽ bắt đầu từ tháng 2/2017, hoàn thành năm 2019. Năm 2016, HPG đã thành lập CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất, đơn vị sẽ trực tiếp triển khai dự án.
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của HPG
|
Theo ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT của HPG, dự án Dung Quất đã có từ 11 năm trước của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào việt Nam, tuy nhiên, do nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều vấn đề về tài chính nguồn vốn nên đã xin trả lại dự án và Hòa Phát nhận tiếp quản.
Về hiệu quả của dự án Dung Quất, dự kiến lợi nhuận đạt được sẽ tương đương dự án khu liên hiệp tại Hải Dương. Việc đầu tư vào dự án Dung Quất nằm trong chiến lược dài hạn tương lai của Tập đoàn. Nhà máy tại Dung Quất khi đưa vào hoạt động sẽ có nhiều lợi thế bởi nằm trong quy hoạch của khu kinh tế Dung Quất, thuận tiện về việc vận chuyển; tuy nhiên cũng có một số điểm bất lợi như việc phải sử dụng 100% quặng nhập khẩu do cách xa nguồn quặng.
Đối với vấn đề môi trường, lo ngại có những tác động như Formosa, ông Long chia sẻ, công nghệ Hòa Phát khác biệt cơ bản về sản xuất than cốc so với Formosa nên thân thiện với môi trường hơn. Bên cạnh đó, Formosa tuy lớn nhưng không phải tập đoàn thép, còn HPG là tập đoàn thép với kinh nghiệm sản xuất nhiều năm nên sẽ cẩn trọng hơn trong việc thực hiện. Công ty xác định vấn đề môi trường tại dự án Dung Quất là vấn đề số 1, và dự tính sẽ đầu tư khoảng 25-30% kinh phí về vấn đề môi trường, tự bảo vệ bản thân.
Phát hành cổ phiếu huy động vốn cho dự án Dung Quất giai đoạn 2
Nhằm giải quyết vấn đề vốn cho dự án Dung Quất, HĐQT đã trình lên phương án phát hành 250 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1 với giá chào bán không thấp hơn 10,000 đồng/cp. Dự kiến thực hiện trong quý 2/2017, sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2016 và được UBCK chấp thuận. Bên cạnh đó, năm 2016, Hòa Phát cũng trình lên việc chi trả cổ tức với tỷ lệ 50% toàn bộ bằng cổ phiếu.
Chủ tịch HĐQT – ông Long cho biết, nguồn vốn hiện tại của Hòa Phát đã đáp ứng xong để triển khai dự án Dung Quất giai đoạn 1 (sản xuất 2 triệu tấn thép). Trong đó, vốn tự có đã trích 10,000 tỷ và vay ngân hàng Vietinbank 10,000 tỷ đồng.
Theo đó, ông Long cho biết việc huy động vốn từ cổ đông là nhằm thực hiện dự án Dung Quất giai đoạn 2. Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 2 của dự án Dung Quất sẽ được thực hiện sau 18 tháng, tuy nhiên Ban lãnh đạo nhận thấy, việc tiêu thụ 2 triệu tấn thép giai đoạn đầu là chắc chắn có 50% đầu ra và tiêu thụ không có gì khó khăn, nên HĐQT quyết định thay vì sau 18 tháng thì nên triển khai giai đoạn 2 sau 6 tháng để chớp thời cơ kinh doanh, từ đó mới có thể ghi nhận được kết quả doanh thu vượt trội trong những năm tới. Theo thông tin của ông Long, tốc độ tiêu thụ thép cán nóng tăng trưởng nhanh 20-30% năm, chính vì thế, đây cũng là lý do HPG cần làm ngay giai đoạn 2 mà không đợi 18 tháng. Trong giai đoạn 2, Ban lãnh đạo cũng đề nghị tỷ lệ vốn vay/vốn tự có là 50:50. Theo đó, 10,000 tỷ đồng sẽ cần huy động từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông và nguồn vốn của Công ty.
Việc không chia cổ tức bằng tiền mặt, cũng là nhằm giữ lại nguồn vốn cho HPG để đầu tư cho dự án.
Lợi nhuận quý 1/2017 không thấp hơn 1,800 tỷ đồng
Về kế hoạch kinh doanh năm 2017, HPG đặt mục tiêu doanh thu 40,000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 6,000 tỷ đồng, trong đó lãi ròng của cổ đông công ty mẹ là 5,996 tỷ đồng. Trong đó, theo chia sẻ của lãnh đạo, lợi nhuận của Tập đoàn quý 1/2018 sẽ không thấp hơn 1,800 tỷ đồng.
Giải đáp thắc mắc cổ đông về việc bất ngờ thay đổi kế hoạch vừa qua, ông Long cho biết, kế hoạch ban đầu được xây dựng cẩn thận, cẩn trọng, hầu hết các kế hoạch 2017 của các công ty thép Việt Nam đều giảm so với năm trước, do năm 2016 là năm vàng của ngành thép, được các yếu tố khách quan và thị trường bất động sản hỗ trợ. Tuy nhiên, khi HĐQT xem xét lại thì nhận thấy thị trường bất động sản và thị trường thép Việt Nam năm 2017 vẫn tương đối tốt, cộng với những kết quả của tháng 1 và 2/2017 khả quan.
“Thị trường bất động sản sẽ đạt đỉnh vào năm 2018” – ông Long nêu ý kiến.
Bởi các lý do trên mà ban lãnh đạo đã quyết định nâng kế hoạch lợi nhuận lên 6,000 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2017 dự kiến là 30%.
Điểm lại kết quả năm 2016, Hòa Phát ghi nhận tổng doanh thu gần 33,885 tỷ đồng, tăng 22% so với 2015 và vượt hơn 21% so với kế hoạch. Lãi ròng cũng tăng hơn 89% đạt 6,606 tỷ đồng và gấp đôi chỉ tiêu đề ra.
Cũng trong năm 2016, giai đoạn 3 khu liên hợp Gang thép Hòa Phát đi vào hoạt động, nhà máy cán thép số 4 tại khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Hải Dương chính thức chạy mẻ thép đầu tiên. Cung ứng thêm cho thị trường 60,000 tấn thép/tháng. Đồng thời, Hòa Phát bắt đầu triển khai dự án nhà máy sản xuất Tôn mạ màu công suất 400,000 tấn/năm tại tỉnh Hưng Yên với tổng vốn đầu tư (chưa bao gồm vốn lưu động) 2,000 tỷ đồng. Đây là nhà máy Tôn mạ màu hiện đại nhất Việt Nam và khu vực, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017.
Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng đã thành lập CTCP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát với vốn điều lệ 3,100 tỷ đồng, là công ty quản lý vốn, chi phối và quản lý các dự án đầu tư, kinh doanh của các công ty thành viên trong nhóm nông nghiệp. Hiện tại, các mảng kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp của Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi lợn, bò và gia cầm.
Liên quan đến mảng nông nghiệp, Ban lãnh đạo cho biết là mới bắt đầu thâm nhập nên khó tránh khỏi khó khăn. Hiện tại, mọi hoạt động vẫn đang triển khai theo kế hoạch.
Tại Đại hội, một số cổ đông đóng góp ý kiến về việc nên có Thành viên HĐQT độc lập. Theo đó, Đại hội đã tiến hành lấy ý kiến về việc bầu Thành viên HĐQT độc lập và đã có 1 thành viên HĐQT độc lập đến từ 1 quỹ đầu tư.
Đại hội thông qua bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021:
Thành viên HĐQT gồm:
1. Trần Đình Long
2. Trần Tuấn Dương
3. Nguyễn Mạnh Tuấn
4. Doãn Gia Cường
5. Tạ Tuấn Quang
6. Hoàng Quang Việt
7. Nguyễn Ngọc Quang
8. Nguyễn Việt Thắng
9. Hans Christian Jacobsen
Thành viên BKS gồm:
1. Bà Bùi Thị Hải Vân
2. Bà Vũ Thanh Thủy
3. Bà Phan Thị Thùy Trang
Đại hội kết thúc với việc tất cả các nội dung đều được thông qua./.
|