DDM: "Hoạt động vẫn duy trì nhưng số lỗ vẫn xuất hiện"
CTCP Hàng hải Đông Đô (UPCoM: DDM) cho biết: "Sau gần 10 năm đối phó với sự suy thoái của ngành vận tải biển, mặc dù hoạt động của công ty vẫn được duy trì nhưng số lỗ vẫn xuất hiện".
Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2016, đơn vị kiểm toán đã có ý kiến ngoại trừ đối với DDM. Cụ thể, từ ngày 13/09/2014, theo biên bản bàn giao tài sản số 09 về việc xử lý công nợ theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng, DDM đã bàn giao tàu Đông Mai cho Ngân hàng Hàng Hải (MaritimeBank - MSB) và tạm dừng trích lãi vay phải trả ngân hàng đối với khoản nợ vay thế chấp là tàu Đông Mai cũng như khấu hao tài sản cố định đối với con tàu này với sỗ lãi vay và khấu hao tương ứng 713 triệu đồng và 718 triệu đồng. Giá trị khoản gốc vay, lãi vay phải trả là 291 tỷ đồng đang được theo dõi trên khoản Phải trả khác và giá trị còn lại của tàu Đông Mai hơn 158 tỷ đồng hiện đã được theo dõi trên tài khoản Phải thu khác.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm toán, đơn vị kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ các hồ sơ liên quan đến việc xử lý khoản vay này (ngoài biên bản bàn giao tài sản nêu trên) từ phía ngân hàng cho vay, nên đơn vị kiểm toán chưa thể đưa ra ý kiến về việc tạm dừng trích khấu hao, chi phí lãi vay phải trả và nguyên giá tài sản cố định như DDM đang thực hiện.
Về vấn đề này, theo DDM, công ty đã bàn giao tàu Đông Mai cho Ngân hàng PVComBank là thực hiện theo quy định tại hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay đầu tư con tàu này. Đến nay, mặc dù DDM đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu PVcomBank thu xếp thời gian giải quyết dứt điểm tồn tại trên, nhưng ngân hàng vẫn chưa có ý kiến trả lời. Trong đó chủ yếu là xác định giá trị tàu Đông Mai để xử lý tài sản đảm bảo. Do đó DDM vẫn chưa có các hồ sơ liên quan làm căn cứ kèm theo báo cáo tài chính 2016.
Kết quả kinh doanh của DDM từ 2009 đến 2016
Đvt: Triệu đồng
|
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng lưu ý, số lỗ lũy kế của DDM tại thời điểm 31/12/2016 là 680 tỷ đồng, nợ phải trả 1,440 tỷ đồng vượt quá tổng tài sản 896 tỷ đồng với số tiền 543 tỷ đồng. Trong năm 2016 công ty bị lỗ 117 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 543 tỷ đồng. Khả năng tiếp tục hoạt động của DDM phụ thuộc vào khả năng sinh lời trong tương lai và sự tiếp tục hỗ trợ tài chính từ các chủ sở hữu vốn.
DDM cho biết, trong gần 10 năm qua, hai nguyên nhân chủ yếu gây nên thua lỗ của công ty nói riêng và ngành vận tải biển nói chung là do thị trường vận tải biển sụt giảm rất mạnh (từ năm 2008 đến nay chỉ số BDI của ngành giảm đến 95%) làm doanh thu ngành sụt giảm, trong khi đó các chi phi của doanh nghiệp không những không giảm mà còn có một số khoản mục bị tăng thêm, làm cho công ty ngày càng thua lỗ.
Thêm vào đó, phần lớn các con tàu của công ty được đầu tư bằng vốn vay USD. Trong nhiều năm qua, tỷ giá VNĐ/USD hàng năm đều được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng, gây nên một số lỗ chênh lệch tỷ giá lớn (năm 2016 lỗ 18 tỷ đồng).
DDM cũng cho biết thêm, trong năm qua công ty có khoản thu nhập bất thường hơn 5 tỷ đồng từ việc được xóa lãi tại Techcombank và một số khoản từ thanh lý tài sản khác.
Trong thời gian tới, DDM cho biết sẽ cố gắng tìm kiếm khách hàng và nguồn hàng tốt trên thị trường để kinh doanh các tàu với giá cho thuê/vận chuyển tốt nhất để cải thiện doanh thu. Mặc khác, công ty cũng đã và đang mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực đại lý môi giới hàng hải, xuất khẩu lao động, cho thuê thuyền viên.../.
|