Con đường lớn nhanh như Thánh Gióng của IBC
Chỉ mới “ấm chỗ” được 4 tháng trên sàn UPCoM nhưng CTCP
Đầu tư Apax Holdings (UPCoM: IBC) đã có thành tích đáng nể khi tăng vốn
lên gấp 5 lần và sắp tới còn tiếp tục triển khai nâng vốn lên gấp đôi.
Vừa lên UPCoM “kiến hóa thành voi”
IBC được thành lập vào giữa tháng 3/2012 với vốn điều lệ chỉ 3 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý, đầu tư và kinh doanh thương mại. Sau 3 năm với 3 lần tăng vốn, IBC đã nâng quy mô lên 63 tỷ đồng cho tới thời điểm trước khi lên UPCoM vào tháng 10/2016. Thời điểm này, cơ cấu cổ đông của Công ty có cá nhân Trần Thanh Hải là cổ đông lớn duy nhất với tỷ lệ sở hữu 52% vốn.
Hoạt động kinh doanh của IBC trong 2 năm trước khi lên sàn không mấy nổi bật. Theo bản công bố thông tin đưa cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM, cả năm 2014, 2015, IBC đạt doanh thu thuần lần lượt 45.5 tỷ và 55.7 tỷ đồng; tương ứng với mức lợi nhuận ròng chỉ gần 479 triệu và 1 tỷ đồng (trong đó có 550 triệu đồng của cổ đông công ty mẹ). Cho đến 6 tháng đầu năm 2016, kết quả kinh doanh của IBC vẫn không có nhiều sự thay đổi với mức doanh thu nửa đầu năm đạt hơn 26.5 tỷ đồng với khoản lợi nhuận sau thuế gần 530 triệu đồng.
Với tình hình hoạt động kinh doanh như trên thì không khó hiểu khi cổ phiếu IBC lên UPCoM với mức giá tham chiếu tối thiểu 10,000 đồng/cp.
Nhưng tất cả đã thay đổi chỉ 1 tháng sau đó!
Lên UPCoM từ cuối tháng 10/2016, hơn 1 tháng sau IBC đã nhanh chóng phát hành thành công 25 triệu cp cho duy nhất một tổ chức - Tập đoàn Giáo dục Egroup, tăng vốn gấp 5 lần từ 63 tỷ lên 313 tỷ đồng. Thị giá cổ phiếu IBC cũng tăng phi mã từ mốc 10,000 đồng/cp lên 40,000 đồng/cp nhưng với khối lượng giao dịch thấp chỉ vài ngàn đơn vị mỗi phiên.
Điều đáng nói là hoạt động kinh doanh của Công ty cũng xoay vần chóng mặt, tại báo cáo kiểm toán năm 2016 cho thấy kết năm, mặc dù chỉ đạt doanh thu thuần hơn 14 tỷ đồng, nhưng doanh thu hoạt động tài chính nhảy vọt đạt gần 16 tỷ đồng nhờ bán khoản đầu tư giúp Công ty có khoản lãi ròng tới gần 12 tỷ đồng, bỏ xa năm 2015. Được biết trong tháng 12/2016, IBC đã bán 1.26 triệu cp của VPBank với giá 16,000 đồng/cp cho 2 cá nhân, mang về hơn 10 tỷ đồng.
Mới đây, IBC tiếp tục thông qua kế hoạch tăng trưởng vượt trội với mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt 103 tỷ và 144.7 tỷ đồng trong năm 2017 và 2018. Đây đều là những con số rất rất đột biến trong lịch sử hoạt động của Công ty.
Ngoài ra, khi những thông tin về việc IBC chuyển niêm yết sang HOSE và triển khai tăng vốn gấp đôi lên 688 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chỉ 10,000 đồng/cp và phát hành qua đấu giá (với giá khởi điểm 20,000 đồng/cp) được công bố tại tài liêu ĐHĐCĐ thường niên 2017, thì cổ phiếu IBC lại có dấu hiệu nóng lên. Thị giá IBC liên tục tăng trong nhiều phiên và đã đạt mốc 51,100 đồng/cp (ngày 08/03/2017), theo đó, vốn hóa thị trường của IBC đã chạm mức 1,565 tỷ đồng.
Egroup "thổi vốn" cho IBC làm gì?
Nhìn lại lần tăng vốn khủng của IBC từ 63 tỷ lên 313 tỷ đồng, có thể thấy nhân tố quyết định thành bại chính là Egroup - đơn vị đã chi tới 250 tỷ đồng để mua toàn bộ lượng cổ phiếu phát hành thêm của IBC. Và trong đợt tăng vốn lên 688 tỷ đồng sắp tới,Egroup cũng sẽ là mấu chốt thành công bởi hiện Egroup đang sở hữu 79.9% vốn của IBC, một quyết định “nói không” sẽ khiến phần lớn cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu của IBC trở thành “hàng ế”. Tuy nhiên, lo lắng này đã được xua tan tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, khi Ban lãnh đạo cho biết, đợt tăng vốn này nhiều khả năng sẽ thành công bởi hầu hết các cổ đông lớn, các nhà đầu tư đều mong muốn đăng ký mua cổ phiếu IBC.
Egroup là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2008 có vốn điều lệ 962.5 tỷ đồng.
|
Cần đề cập rằng, trước khi Egroup rót vốn vào IBC, hoạt động kinh doanh của 2 doanh nghiệp này dường như không hề có điểm chung. Trong khi, Egroup là doanh nghiệp hoạt động trong ngành giáo dục thì IBC là công ty tư vấn, đầu tư tài chính với 1 công ty con duy nhất CTCP Sản xuất – Kinh doanh Tấm bông Hà Nội (EVC).
Tuy nhiên, khi nhìn về kế hoạch sử dụng vốn của IBC thì mọi sự sáng tỏ. Với khoản tiền 250 tỷ đồng thu về từ đợt phát hành và số tiền thu về từ thoái toàn bộ vốn EVC, IBC đã dùng để mua 34% cổ phần của CTCP Anh ngữ Apax. Đồng thời, mục đích trong lần tăng vốn kế tiếp tới đây của IBC cũng là rót vốn nhằm nâng sở hữu tại Anh ngữ Apax lên 98%.
Anh ngữ Apax là doanh nghiệp thành lập năm 2012, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có vốn điều lệ 118 tỷ đồng.
|
Sau khi Egroup rót vốn, hoạt động kinh doanh của IBC cũng thay đổi, chuyển sang hình thức công ty mẹ có nhiệm vụ quản lý và hỗ trợ các công ty con như Apax English, Apax Igarten…, ngành nghề trước đây chỉ giữ lại một số mảng tư vấn tài chính, hỗ trợ đầu tư.
Dấu hỏi đặt ra là Anh ngữ Apax trước đó do ai sở hữu và ai sẽ bán cổ phần cho IBC?
Trả lời tại ĐHĐCĐ thường niên gần đây, Ban lãnh đạo của IBC cho biết, IBC đã mua lại phần vốn góp tại Apax English từ một cổ đông sáng lập (CĐSL) của đơn vị này.
Theo tìm hiểu, Anh ngữ Apax được sáng lập bởi 5 cổ đông gồm CTCP Đầu tư và Phân phối Egame và 4 cá nhân khác, trong đó chỉ còn duy nhất cá nhân Nguyễn Ngọc Thủy hiện nắm giữ 6.3% vốn tính đến ngày 06/03/2017.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy cũng chính là Chủ tịch HĐQT của IBC hiện nay. Tại ĐHĐCĐ, ông Thủy cho biết cơ cấu cổ đông của Apax English sẽ dần cô đặc, chỉ còn lại 2 cổ đông lớn là IBC và một doanh nghiệp Hàn Quốc - Tập đoàn Chungdahm Learning (sau này sẽ nắm 30% vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu). Lượng cổ phiếu của ông Ngọc Thủy còn lại tại Apax English cũng sẽ được chuyển nhượng trong thời gian tới.
Được biết, ông Nguyễn Ngọc Thủy cũng chính là cổ đông sáng lập và đang nắm giữ vốn tại CTCP Đầu tư và Phân phối Egame và Egroup với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 93.9% và 35% tính tại ngày 06/03.
Mối liên hệ giữa các cá nhân và tổ chức liên quan
|
|