Chính sách hỗ trợ SME: Góc nhìn từ Nhật Bản
Nhật Bản có hơn 99.7% doanh nghiệp là vừa và nhỏ (SME), vì vậy đây là đối tượng mà Chính phủ Nhật Bản tập
trung xây dựng chính sách hỗ trợ về cả tài chính lẫn hoạt động kinh
doanh.
SME là trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản
Tại hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - kinh nghiệm từ Nhật Bản”, ông Hiraku Fukanuma, Chuyên gia kinh tế, Viện kinh tế Tổng hợp Công ty tài chính Nhật Bản cho biết, các SME đang sử dụng khoảng 70% tổng số lao động, hoạt động trong rất nhiều ngành nghề bao gồm vận tải, bán nhỏ lẻ, các cửa hàng, các nhà hàng gia đình kinh doanh, các lập trình viên làm việc tự do tại nhà, taxi cá nhân…
Với số lượng doanh nghiệp SME lớn, Nhật Bản có rất nhiều chính sách để hỗ trợ các SME. Ngoài luật cơ bản, Nhật Bản có khoảng 70-80 chính sách, luật khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn không có bất kỳ chính sách hỗ trợ nào.
Ông Hiroshi Arai, Trưởng phòng hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, Cục Doanh nghiệp vừa và nhỏ , Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản cho biết, Nhật Bản dành 310 triệu USD nhằm hỗ trợ tài chính cho các SME bao gồm hỗ trợ dòng vốn tín dụng chính sách và bảo lãnh tín dụng. Trong đó, Công ty Tài chính chính sách Nhật Bản với 12,000 tỷ Yên dư nợ cho vay, Quỹ tín dụng trung ương hợp tác xã Công thương 9,000 tỷ Yên dư nợ cho vay và các hiệp hội bảo lãnh tín dụng (51 hiệp hội) với 26,000 tỷ Yên dư nợ bảo lãnh. Đồng thời, Nhật Bản còn có các chính sách đào tạo hỗ trợ kinh doanh, tư vấn hướng dẫn gồm các Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp đặt tại 9 khu vực, 47 điểm tư vấn và khoảng 2,500 các địa chỉ của hiệp hội công thương, phòng thương mại và công nghiệp.
Ngoài ra, tại Nhật Bản, đối với các SME gặp rủi ro, Chính phủ sẽ hỗ trợ kinh phí để làm lại từ đầu thông qua hình thức như cho vay với lãi suất cơ bản hoặc giảm lãi suất, đồng thời có những chính sách cam kết để SME không gặp bất lợi khi làm việc với doanh nghiệp lớn. Với các doanh nghiệp quá hạn trả nợ, hoặc khó khăn, nhưng có thể tiếp tục kinh doanh, có “ý chí phấn đấu” sau khi địa phương xem xét thông qua, sẽ được hỗ trợ về vấn đề nợ.
Hội thảo Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - kinh nghiệm từ Nhật Bản
|
SME Việt Nam vẫn loay hoay với đồng vốn
Tại hội thảo, theo khảo sát của nhóm công tác về hỗ trợ SME, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu về năng lực quản lý, công nghệ và nhất là tình trạng thiếu vốn. Bài báo cáo chỉ ra vấn đề thiếu nguồn vốn khiến các doanh nghiệp này không thể đầu tư cho nghiên cứu, phát triển. Mặt khác, việc thiếu vốn, thiếu tài sản đảm bảo khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng do không có tài sản đảm bảo, trong khi việc minh bạch thông tin kém.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Công ty Tài chính Chính sách Nhật Bản liên kết với Phòng thương mại và Công nghiệp có chính sách cho vay cải thiện hoạt động kinh doanh (mảng dân sinh), vay không cần tài sản đảm bảo, không cần bảo lãnh, đồng thời kết hợp giữa hướng dẫn kinh doanh và tín dụng để hỗ trợ một cách hiệu quả các doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, thì việc thẩm định các doanh nghiệp để tiến hành sẽ do Phòng thương mại và Công nghiệp kiểm duyệt và kiểm định các tiêu chuẩn để cho vay, Công ty Tài chính Nhật Bản sẽ nhận hồ sơ và cho vay. Khi có rủi ro xảy ra với các khoản vay, Công ty tài chính Nhật Bản sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm; đồng thời sẽ gặp mặt các chuyên gia tư vấn bên phòng Thương mại và Công nghiệp để trao đổi, rút kinh nghiệm.
Ngoài vấn đề vốn, một số yếu tố khách quan khác khiến SME Việt Nam gặp khó khăn như vấn đề hành chính, hệ thống pháp luật, đây cũng là lý do cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để chào đón và tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị trình Chính phủ Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo tiền đề hỗ trợ theo hướng tập trung, đồng bộ và phù hợp. Dự thảo gồm 4 chương, 40 điều với các quy định cụ thể về phân loại, chủ thể thực hiện hỗ trợ, trách nhiệm của các bên, đối tượng, nguồn lực, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa./.
|