Thứ Ba, 21/03/2017 13:02

Bí quyết sử dụng các chỉ báo thể hiện sức mạnh tương quan (Relative Strength)

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao khi thị trường tăng ào ào thì cổ phiếu mình chọn lại đứng im còn khi thị trường giảm thì mã đó lại giảm đầu tiên? Một trong những phương pháp giúp tránh được hiện tượng trên và tạo nên một danh mục đầu tư hiệu quả đó là sử dụng nhóm chỉ báo Sức mạnh tương quan (Relative Strength).

Chỉ báo Sức mạnh Tương quan là gì?

Chỉ báo Sức mạnh Tương quan (Comparative Relative Strength) so sánh mức sinh lời của hai chứng khoán với nhau. Thông thường, chỉ báo Sức mạnh tương quan được sử dụng để so sánh mức sinh lời của một cổ phiếu với chỉ số thị trường như VN-Index.

Ngoài ra, chỉ báo cũng có thể được sử dụng để so sánh với ngành. Điều này có thể xác định xem một cổ phiếu đang mạnh hay yếu hơn các cổ phiếu trong ngành. Chỉ báo Sức mạnh tương quan cũng có thể được sử dụng để tìm các cổ phiếu tăng tốt hơn trong thị trường "con bò" và giảm ít hơn trong thị trường "con gấu".

Lưu ý có sự khác biệt giữa Comparative Relative Strength và Relative Strength Index. Tên gọi “Relative Strength Index (RSI)” có thể gây nhầm lẫn vì RSI không so sánh mối tương quan sức mạnh 2 chứng khoán mà thể hiện sức mạnh nội tại của một chứng khoán riêng lẻ. RSI là chỉ báo dao động đo gia tốc của giá chứng khoán, thường được sử dụng để xác định tín hiệu phân kỳ.

Cách tính chỉ báo Relative Strength được mô tả trong bảng dưới đây:

Nguồn: Vietstock Finance

Cách sử dụng

Chỉ báo Sức mạnh Tương quan so sánh sự thay đổi giá của một chứng khoán với sự thay đổi giá của một chứng khoán cơ sở. Vì vậy, khi chỉ báo này tăng cho thấy một chứng khoán có mức sinh lời tốt hơn so với chứng khoán cơ sở. Chỉ báo đi ngang cho thấy cả hai chứng khoán có mức sinh lời như nhau (tăng giảm cùng tỷ lệ %). Chỉ báo giảm cho thấy một chứng khoán có mức sinh lời kém hơn chứng khoán cơ sở (tăng ít hơn hoặc giảm nhiều hơn). (Nguồn: Sách Phân tích kỹ thuật từ A đến Z).

Ngoài ra, chỉ báo Sức mạnh Tương quan còn được sử dụng để so sánh mức độ sinh lời của một chứng khoán với chỉ số thị trường. Chỉ báo này cũng hữu ích trong việc kiếm lời ngắn hạn (mua chứng khoán có mức sinh lời cao hơn và bán chứng khoán có mức sinh lời thấp hơn).

Từ tháng 07/2016 đến cuối tháng 08/2016 cổ phiếu VNM có mức sinh lời tốt hơn so với VN-Index. Nhưng từ tháng 09/2016 đến nay VNM có mức sinh lời kém hơn VN-Index.

Các chiến lược đầu tư cụ thể

Xếp hạng và lựa chọn các cổ phiếu “mạnh” hơn thị trường

Chỉ báo Sức mạnh tương quan được sử dụng để lựa chọn các cổ phiếu mạnh nhất. Nhiều nhà đầu tư thường so sánh hiệu quả danh mục với chỉ số tham chiếu, chẳng hạn như VN-Index, mục tiêu là vượt trội hơn so với thị trường chung . Để đạt được mục tiêu này, các nhà đầu tư thường tìm kiếm các cổ phiếu "mạnh" hơn so với thị trường. Relative Strength tăng lên cho thấy một cổ phiếu đang mạnh lên. Ngược lại, chỉ báo giảm thể hiện cổ phiếu đang yếu đi.

Cụ thể, xác định xu hướng thị trường chung là tăng => lựa chọn ngành có mức tăng tốt hơn so với thị trường => lựa chọn cổ phiếu có mức tăng tốt hơn so với ngành.

Nguồn: Vietstock Trader

Trong ví dụ trên, VN-Index xác nhận xu hướng tăng sau khi bứt phá khỏi vùng đỉnh cũ 690 điểm. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng có tốc độ tăng ấn tượng từ giảm hơn 6% trong quý 4/2016 đến tăng 12% trong quý 1/2017.

Relative Strength cho thấy cổ phiếu STB, CTG “mạnh” hơn chỉ số ngành ngân hàng từ đầu năm 2017. BID trung tính, trong khi đó NVB, VCB yếu hơn ngành. Vì vậy lựa chọn STB, CTG trong giai đoạn đầu năm là tốt nhất.

Sử dụng Phân kỳ

Phân kỳ có thể chia làm 2 loại là phân kỳ giá lên (bullish divergence) và phân kỳ giá xuống (bearish divergence).

Phân kỳ vốn được coi là tín hiệu cảnh báo (Alert Signal). Vì vậy, sự xuất hiện của phân kỳ  trong một xu hướng giảm cho thấy khả năng đảo chiều tăng điểm là khá cao.

Phân kỳ giá lên (Bullish Divergence)

Phân kỳ giá lên là hiện tượng giá liên tục giảm và tạo đáy sau thấp hơn đáy trước ( Lower Lows), trong khi đó chỉ báo dao động lại tạo đáy sau cao hơn đáy trước (Higher Lows). Đây là tín hiệu cảnh báo cho thấy xu hướng giảm đang yếu dần và khả năng giá đang hình thành đáy là khá cao.

Từ tháng 04 đến tháng 12/2014 VNM hình thành phân kỳ giá lên với VN-Index, giá tạo các đáy sau thấp hơn nhưng chỉ báo Relative Strength thì gần như đi ngang. Sau đó VNM bước vào xu hướng tăng ngắn hạn.

Phân kỳ giá xuống (Bearish Divergence)

Phân kỳ giá xuống là hiện tượng giá liên tục tăng và tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước (Higher Highs), trong khi đó chỉ báo dao động lại tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước (Lower Highs). Đây là tín hiệu cảnh báo cho thấy xu hướng tăng đang yếu dần và khả năng giá đang hình thành đỉnh là khá cao.

Từ tháng 04 đến tháng 06/2016 SKG hình thành phân kỳ giá xuống với VN-Index, giá tạo các đỉnh sau cao hơn nhưng chỉ báo Relative Strength thì đi ngang. Sau đó SKG bước vào xu hướng giảm kéo dài đến đầu năm 2017.

Kết luận

Mặc dù bài viết này tập trung vào việc sử dụng chỉ báo Sức mạnh tương quan (Relative Strength) cho các cổ phiếu nhưng Relative Strength cũng có thể được sử dụng để phân tích liên thị trường.

Thị trường chứng khoán được chia thành nhiều ngành. Các nhà đầu tư có thể vẽ biểu đồ với Price Relatives cho các ngành này để xác định các ngành đang dẫn "sóng". Một khi các ngành dẫn sóng đã được xác định, các nhà đầu tư có thể tìm các cổ phiếu hàng đầu. Giống như các chỉ báo khác, Relative Strength nên sử dụng phối hợp chung với các công cụ phân tích kỹ thuật khác để gia tăng sự hiệu quả.

Từ biểu đồ trên thì ta có thể thấy việc đầu tư Vàng mang lại lợi suất cao hơn thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2008 đến 2011. Nhưng từ cuối năm 2012 trở đi, việc đầu tư vào chứng khoán thì hiệu quả hơn./.

Các tin tức khác

>   Ngày 16/03/2017: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (16/03/2017)

>   Ngày 14/03/2017: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (14/03/2017)

>   Các chứng chỉ quỹ ETF đang biến động như thế nào? (14/03/2017)

>   Các chứng chỉ quỹ ETF đang biến động như thế nào? (14/03/2017)

>   Tuần 13-17/03/2017: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (12/03/2017)

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 13-17.03.2017 (12/03/2017)

>   Phân tích kỹ thuật các cổ phiếu ngành Sách và thiết bị giáo dục (10/03/2017)

>   Ngày 09/03/2017: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (09/03/2017)

>   Ngày 07/03/2017: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (07/03/2017)

>   Tuần 06-10/03/2017: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (05/03/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật