VHG: Gần 80% tổng tài sản đổ vào nơi không thể nắm quyền kiểm soát
CTCP Đầu tư Cao Su Quảng Nam (HOSE: VHG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2016 với khoản lỗ 13.2 tỷ đồng. Đồng thời, tính đến thời điểm 31/12/2016, gần như toàn bộ tài sản đổ vào đơn vị liên doanh, liên kết hay góp vốn đầu tư, tiền mặt chỉ còn vỏn vẹn 1.6 tỷ đồng, hàng tồn kho cũng gần như không có.
Cả năm lỗ 23 tỷ đồng, quay lại thua lỗ sau 3 năm
Cụ thể, trong quý Công ty ghi nhận 139.6 tỷ đồng doanh thu chủ yếu là doanh thu bất động sản, giảm 35.3% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy vẫn có lãi gộp 5.6 tỷ dù cho cùng kỳ năm trước lỗ gộp 212.7 tỷ đồng.
Đồng thời, hoạt động tài chính cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho Công ty khi doanh thu đạt 26.9 tỷ đồng nhờ chuyển nhượng vốn và chi phí được hoàn nhập 315 triệu đồng do hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư.
Dẫu vậy, do chi phí quản lý quá lớn lên đến gần 40 tỷ đồng do việc trích lập dự phòng phải thu khó đòi tăng cao, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 1.5 tỷ đồng nên VHG vẫn bị lỗ 13.2 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 5.1 tỷ đồng).
Lũy kế cả năm, VHG có 1,155 tỷ đồng doanh thu, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước; lỗ ròng 13.9 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số lãi 75 tỷ ở cùng kỳ năm trước. Như vậy là sau 3 năm, VHG đã quay lại thời kỳ thua lỗ.
78% tổng tài sản đổ vào nơi không nắm quyền kiểm soát
Tính đến thời điểm 31/12/2016, VHG chỉ có vỏn vẹn 1.6 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, hàng tồn kho không bao nhiêu trong khi khoản phải thu thì chiếm đến 88% tài sản ngắn hạn. Phải nói thêm rằng khoản phải thu đã giảm mạnh từ 900 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống 165.7 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty lại cho biết chi phí quản lý tăng cao là do việc trích lập dự phòng phải thu khó đòi tăng cao. Tính chung cả năm, chi phí quản lý của VHG là 46.2 tỷ đồng, tăng mạnh so với 7.6 tỷ năm 2015 và chủ yếu đến từ quý 4 với gần 40 tỷ đồng.
Và gần như toàn bộ tài sản của VHG là tập trung vào các công ty liên kết, liên doanh cùng góp vốn đầu tư vào đơn vị khác với lần lượt 1,041 tỷ đồng và 272 tỷ đồng, chiếm đến 78% tổng tài sản. Riêng đầu tư và Phát triển BĐS Tây Hồ Tây là 695 tỷ đồng.
Có thể nói, đến 78% tổng tài sản của VHG đang gửi gắm vào những nơi mà Công ty khó lòng kiểm soát được bởi tỷ lệ sở hữu chỉ dừng ở liên doanh, liên kết hay góp vốn không phải công ty con. Mặt khác, các nguồn thu bao lâu nay của Công ty chủ yếu do bán buôn phân bón, hóa chất. Đến quý 3 giảm mạnh và quý 4 thì nhường chỗ cho nguồn thu đến từ bất động sản.
Như vậy, phải chăng đến nay VHG chỉ còn biết trông mong vào những đơn vị đã góp vốn chứ những hoạt động chính của Công ty giờ đã không còn?./.
|