Thứ Tư, 08/02/2017 07:58

VCCI: Tăng thuế môi trường lên xăng dầu là lợi bất cập hại

Việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại, vô hình trung, chính sách này khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.

Đây là quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trả lời Công văn số 382/BTC-CST của Bộ Tài chính hôm 7-2 về việc đề nghị góp ý hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường đang gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là thuế đánh vào xăng dầu.

Theo dự thảo, khung thuế với xăng tăng 4.000-8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay lên 3.000-6.000 đồng/lít, dầu diesel (1.500-4.000 đồng/lít), dầu hoả (300-2.000 đồng/lít), dầu ma zút (900-4.000 đồng/lít), dầu nhờn (900-4.000 đồng/lít), mỡ nhờn (900-4.000 đồng/kg).

Bộ Tài chính này giải thích, mức tăng 4.000-8.000 đồng/lít chỉ là khung, và mức tăng cụ thể sẽ phải tính từng thời điểm và phải được Quốc hội quyết định. Bộ Tài chính lập luận, việc mở rộng khung thuế suất nhằm tăng tính chủ động khi điều hành mức thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế-xã hội theo từng thời kỳ.

Tuy nhiên, VCCI khẳng định, lập luận này chưa thực sự hợp lý vì thuế bảo vệ môi trường không liên quan đến các chính sách phát triển kinh tế-xã hội và không nên được điều chỉnh dựa theo chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, VCCI kiến nghị: “Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ lập luận này trong tờ trình”.

Cơ quan đại diện doanh nghiệp cho rằng, tác động kinh tế-xã hội của việc mở rộng khung thuế suất đối với xăng dầu là rất lớn.

VCCI lập luận, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, máy nông nghiệp, tàu cá… đều sử dụng rất nhiều xăng dầu. Do đó, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản. Đối với ngành vận tải, theo thông tin từ Cục Quản lý giá, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 25-35% đối với xe chạy xăng, 35-45% đối với xe chạy dầu, 39,5% đối với hàng không.

Đối với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm 33-59% cơ cấu giá thành. Đối với ngành nông nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng thường chiếm 35-40% cơ cấu giá thành. Đây đều là những ngành kinh tế có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới. Nếu chi phí xăng dầu tăng có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân.

Các chi phí đầu vào và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua. Giá xăng dầu thế giới đang tăng và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Chi phí sử dụng đường bộ của doanh nghiệp vận tải cũng đang tăng do nhiều dự án BOT đã và sẽ đi vào khai thác trong thời gian này. Vừa qua, chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng cũng khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn. Các chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng đang trong lộ trình tăng và đây là gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp.

Với một số các tác động tiêu cực được liệt kê như trên, VCCI nhận thấy việc tăng thuế đối với xăng dầu cần được đánh giá tác động một cách bài bản và khách quan đối với toàn bộ nền kinh tế và phúc lợi xã hội của đất nước. Do đây mới chỉ nâng khung thuế, chứ chưa trực tiếp tăng mức thuế, nên cần có đánh giá dựa trên ba giả thuyết về mức thuế suất: mức sàn, mức trần và mức trung bình.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2016 mức đóng góp của thuế bảo vệ môi trường trong tổng thu ngân sách là 4,1%, với 99% trong số đó đến từ xăng dầu.

VCCI tính toán, nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế giá trị gia tăng thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách. Nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng và loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thì mức đóng góp lên đến khoảng 15% tổng thu ngân sách. Đây là tỷ lệ rất lớn và không có lợi cho kết cấu ngân sách quốc gia.

“Do đó, xét về dài hạn, việc nới khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại. Nó làm giảm áp lực chuyển đổi hệ thống tài chính quốc gia theo hướng bền vững hơn”, cơ quan này khuyến nghị.

http://www.thesaigontimes.vn/156654/VCCI-Tang-thue-moi-truong-len-xang-dau-la-loi-bat-cap-hai.html

Các tin tức khác

>   Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 (07/02/2017)

>   Cần tái cơ cấu ngành công thương mạnh mẽ hơn (07/02/2017)

>   Công khai và minh bạch giá điện (07/02/2017)

>   Hướng dẫn thành lập các tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp (07/02/2017)

>   Nhiều giải pháp triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 (07/02/2017)

>   VCCI phản ánh với Thủ tướng về “gánh nặng mới” của doanh nghiệp (07/02/2017)

>   Úc nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu tôm (07/02/2017)

>   TPHCM: Xây dựng mức thu dịch vụ quản lý chợ, nhập chợ và lưu đậu (07/02/2017)

>   Sản lượng khai thác thủy sản tháng 1/2017 ước đạt 217 ngàn tấn, giảm 1.3%  (07/02/2017)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tăng thấp do nghỉ Tết (07/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật