Thứ Bảy, 11/02/2017 10:04

Uber VN sẽ phải đóng cửa?

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa yêu cầu Công ty TNHH Uber VN (Uber VN) không được cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện và đơn vị vận tải để kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành...

“Trong năm 2015 , hai hãng taxi là Mai Linh và Vinasun nộp ngân sách hơn 460 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 nộp trên 200 tỉ đồng, trong khi Uber chỉ được yêu cầu đóng 19,9 tỉ đồng và mới thực nộp 13,3 tỉ đồng, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước

Ông NGUYỄN TUẤN SINH (chủ tịch ban chấp hành công đoàn Công ty CP Tập đoàn Mai Linh)

Với đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải hành khách do Uber VN xây dựng, Bộ GTVT cho rằng có nhiều nội dung chưa phù hợp với công văn số 1850/TTg của Thủ tướng và quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Trách nhiệm chưa rõ ràng

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy - phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô thực hiện theo hợp đồng vận tải (loại xe dưới 9 chỗ ngồi) đang được Bộ GTVT thực hiện thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử.

Việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử thay cho hợp đồng vận tải hành khách bằng giấy là bản chất của việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Đến nay chỉ mới các đơn vị như Grabcar, V.car, Thanhcong.car, S.Car, Vic.Car đáp ứng yêu cầu theo quy định và được phép triển khai thí điểm theo quyết định số 24.

Ngày 18-1, trong văn bản trả lời Uber VN về đề án nêu trên, Bộ GTVT khẳng định việc Công ty Uber BV (Hà Lan) ủy quyền cho Uber VN tham gia đề án thí điểm và thực hiện các nghĩa vụ trong quyết định số 24 là chưa phù hợp.

Bởi việc ủy quyền cho Uber VN thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh tại VN sẽ không ràng buộc, xử lý được trách nhiệm của Công ty Uber BV khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng.

Hơn nữa, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber VN chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.

Nếu xây dựng và thực hiện đề án thí điểm này, Uber VN cần đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo đúng lĩnh vực hoạt động, đồng thời ký kết và chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận hợp tác kinh doanh với đơn vị kinh doanh vận tải và hợp đồng cung cấp dịch vụ kết nối với hành khách tại VN.

Ngoài ra, Uber VN phải bổ sung nội dung mô tả và phân tích chi tiết nội dung, quy trình giao kết hợp đồng vận tải qua ứng dụng Uber.

Trong đó, nội dung hợp đồng điện tử phải đáp ứng các yêu cầu của nghị định số 86 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, thông tư số 63 của Bộ GTVT quy định về quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Bộ GTVT cho rằng đề án thí điểm chưa làm rõ được quyền và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ đối với hành khách, cũng như chưa có quy chế phối hợp, giải quyết các khiếu nại của hành khách.

Xe Uber đón khách ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Uber phải tuân thủ đúng luật

Cũng theo Bộ GTVT, Uber VN phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện đúng quy định của pháp luật VN, như quy định về thương mại điện tử, ứng dụng Uber có tính năng hoạt động tương tự “ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử”. Trong đó, ứng dụng Uber cần được thực hiện các thủ tục đăng ký “ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử” với Bộ Công thương.

Đặc biệt, Bộ GTVT đã yêu cầu Uber VN không cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành khi chưa hoàn thiện các nội dung của đề án.

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Tuấn Sinh, chủ tịch ban chấp hành công đoàn Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, cho biết đơn vị này vừa có đơn kiến nghị lần 2 gửi Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đề nghị xem xét lại hoạt động của Uber và các loại hình kinh doanh xe hợp đồng điện tử tại VN.

Theo văn bản này, dù quảng cáo như một loại hình kinh doanh giá rẻ, nhưng thực tế Uber và Grab đã tùy tiện tăng giá cước từ 2 - 4,8 lần vào các giờ cao điểm và lễ tết, mà không có cơ quan quản lý nhà nước nào chịu trách nhiệm xử lý vi phạm này.

Theo ông Sinh, quy hoạch lượng xe taxi tại TP.HCM là 12.500 chiếc, Sở GTVT TP.HCM mới cấp khoảng gần 11.000 tem taxi. Nhưng chỉ trong năm 2016, hơn 15.000 xe vận chuyển hành khách thuộc các HTX sử dụng ứng dụng Grab, Uber đã được cấp phù hiệu, phá vỡ toàn bộ quy hoạch giao thông và gây ùn tắc nghiêm trọng tại các tuyến đường của TP.HCM.

Ngoài ra, dù chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động bất hợp pháp, nhưng Uber vẫn ngang nhiên quảng cáo kêu gọi đầu tư và tuyển dụng lái xe.

Ông Sinh cũng cho biết các hãng taxi phải đáp ứng ít nhất 13 điều kiện như các phương tiện phải có đồng hồ tính tiền được kiểm định, máy in, mua bảo hiểm loại hình kinh doanh taxi, giá cước được đăng ký và kiểm soát bởi sở tài chính tại địa phương, đóng thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp...

Ngược lại, Grab và Uber không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nói trên.

Sẽ yêu cầu Uber cung cấp danh sách tài xế chưa khấu trừ thuế TNCN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ có công văn yêu cầu Uber BV (Hà Lan) cung cấp danh sách các tài xế là đối tác của Uber BV từ khi doanh nghiệp này có mặt tại VN cho cơ quan thuế, đồng thời có văn bản báo cáo Bộ Tài chính để có hướng xử lý.

“Chúng tôi đã có công văn yêu cầu Uber BV thực hiện kê khai khấu trừ phần thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của tài xế từ trước tháng 10-2016 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được danh sách này”, vị này nói.

Vị này cũng cho biết Uber BV lấy lý do nhiều lái xe đã nghỉ việc, không liên lạc được, nhưng quan điểm của Cục Thuế TP là Uber BV vẫn phải thực hiện theo luật, tức là phải có trách nhiệm khấu trừ khoản thuế này.

Được biết, từ sau tháng 10-2016 đến nay, Uber BV đã khấu trừ thuế TNCN trước khi chi trả thu nhập cho các lái xe với số thuế TNCN lên đến gần 20 tỉ đồng.

Nếu tính cả số thuế trên 20% doanh thu mà Uber được hưởng, số thuế Uber BV đã nộp cho Cục Thuế TP lên đến gần 30 tỉ đồng. A.H.

Anh PHAN QUỐC TUẤN (một chủ xe Uber ở Q.8, TP.HCM):

Sẽ chuyển sang hình thức kinh doanh khác

Tôi mua trả góp 3 chiếc ôtô để kinh doanh cho thuê xe chạy Uber với mức giá chỉ vài trăm ngàn đồng/chiếc/ngày.

Nếu phải đóng thêm thuế kinh doanh Uber, số tiền thu sẽ không thể đủ trang trải các chi phí bảo trì xe và hàng loạt chi phí khác. Do đó, những chủ xe như chúng tôi chắc chắn sẽ có kế hoạch chuyển sang hình thức kinh doanh khác.

Tài xế Uber NGUYỄN MINH THÀNH (Bình Thạnh, TP.HCM):

Giá cước sẽ tăng mạnh

Phần lớn người dân chọn dịch vụ Uber để đi lại vì loại hình vận tải này có giá rẻ, tiện lợi cho người sử dụng, không phải chờ đợi lâu như đi lại bằng taxi. Việc bắt buộc các xe Uber phải đóng thuế, giá cước đi Uber sẽ tăng lên đáng kể, khách sẽ không chọn xe Uber để đi lại nữa.

Điều này gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh xe Uber, tài xế Uber và hành khách.

THU DUNG

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170211/uber-vn-se-phai-dong-cua/1263184.html

 

Các tin tức khác

>   ​Ưu tiên kêu gọi nguồn lực trong nước (11/02/2017)

>   Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo xử lý yếu kém một số dự án ngành công thương (10/02/2017)

>   Cao Bằng tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao (10/02/2017)

>   31 bộ và địa phương chưa có báo cáo giám sát tài chính (10/02/2017)

>   Hơn 10.000 tỷ đồng đầu tư vào các dự án tại Bình Định (10/02/2017)

>   Vietnam Airlines bán, thuê lại máy bay để đảm bảo an toàn vốn sở hữu (10/02/2017)

>   Bộ Công Thương sẽ thành lập Cục Phòng vệ thương mại (10/02/2017)

>   TPHCM: Nghiên cứu việc thực hiện thí điểm giải pháp “lệch ca, lệch giờ” (10/02/2017)

>   Xuất khẩu cá ngừ trong quý 1/2017 dự báo sẽ giảm (10/02/2017)

>   Vận chuyển 1.76 triệu hành khách qua đường hàng không trong dịp Tết Đinh Dậu (10/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật