Thứ Năm, 16/02/2017 11:25

Tăng vốn thành công, chuyện buồn của DTA có chấm dứt?

Năm 2016 tiếp tục là một năm buồn với CTCP Đệ Tam (HOSE: DTA) khi kết quả kinh doanh ảm đạm, cùng với diễn biến cổ phiếu sụt giảm thời gian dài. Cuối năm 2016, DTA vừa tăng vốn thành công bằng việc phát hành riêng lẻ cho các cá nhân. Đây sẽ là dấu mốc thay đổi diện mạo hay nỗi đau kéo dài với DTA?

Chuyện buồn dài tập

Nhìn lại cả chặng đường phát triển trong 8 năm qua của DTA thì có thể thấy đây là một câu chuyện buồn dài tập, kết quả kinh doanh không phải là điểm sáng khi nhắc đến.

Tại thời điểm 2 năm trước khi lên sàn, năm 2008, DTA chỉ ghi nhận khoản doanh thu ít ỏi với gần 9 tỷ đồng và lãi ròng chỉ 10 triệu đồng cho cả năm. Bước sang năm 2009, mặc dù doanh thu tụt giảm một nửa còn hơn 4.5 tỷ đồng, nhưng nhờ giá vốn hàng bán giảm mà lãi ròng của Công ty đột biến lên mức 2.5 tỷ đồng.

Năm 2010, DTA đặt chân lên sàn HOSE đánh dấu mốc son sáng chói trong lịch sử kết quả kinh doanh với việc ghi nhận doanh thu thuần hơn 109.5 tỷ đồng và khoản lợi nhuận ròng nhảy vọt lên mức 25.4 tỷ đồng. Theo Công ty, nguyên nhân có được sự đột phá trên là nhờ ghi nhận doanh thu từ dự án Khu đô thị Detaco, sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai cấp quyết định giao 47.3 ha đất.

Tuy nhiên, đây là điểm sáng duy nhất tính đến hiện nay, những năm sau đó, DTA lại trở về quỹ đạo ban đầu với mức lãi ròng giảm dần mỗi năm. Năm 2011, mặc dù doanh thu thuần ở mức gần 64 tỷ đồng nhưng Công ty chỉ mang về khoản lãi ròng chưa tới 2 tỷ đồng do hàng loạt nguyên nhân như chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản khiến lãi suất vay tăng cao, lạm phát làm giá nguyên vật liệu đầu vào và các chi phí cao, đội giá thành sản phẩm lên, thị trường bất động sản đóng băng… Đến năm 2012, lãi ròng giảm xuống chỉ còn 790 triệu đồng.

Và bước sang năm 2013, DTA chính thức bị thua lỗ với việc doanh thu giảm xuống chỉ còn hơn 17 tỷ đồng, kéo theo khoản lỗ ròng gần 6 tỷ đồng. Giai đoạn 2014 - 2015, DTA chỉ thoi thóp ở mức lãi trăm, chục triệu đồng mỗi năm. Năm 2016 thực sự cũng không mấy khả quan với DTA khi doanh thu thuần tiếp tục sụt giảm mạnh và lợi nhuận sau thuế thì chỉ hơn 196 triệu đồng cách xa kế hoạch 4 tỷ đồng đề ra.

KQKD của DTA giai đoạn 2008- 2016 (Đvt: triệu đồng)

Về tình hình tài chính, tính đến 31/12/2016,DTA có tổng tài sản 289.4 tỷ đồng, tăng 24% so với hồi đầu năm và phần lớn giá trị nằm ở khoản chi phí dở dang dài hạn tập trung tại dự án Khu dân cư DTA, dự án Nhà ở xã hội DTA với gần196 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DTA còn có khoản phải thu ngắn hạn hơn 54 tỷ đồng, chiếm 78% tài sản ngắn hạn.

Công ty đang gánh khoản nợ vay tài chính gần 100 tỷ đồng, trong đó có 43 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và hơn 57 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Sau bao năm cuối cùng cũng tăng vốn thành công nhưng…

Dù tình hình tài chính không mấy tốt đẹp và diễn biến giá trên thị trường cũng không ủng hộ khi chỉ còn có giá trị chưa bằng cốc trà đá (2,640 đồng/cp phiên ngày 15/02). Thế nhưng cuối năm 2016 vừa qua, DTA đã thực hiện thành công đợt tăng vốn lên 150 tỷ đồng, bằng phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhiều cá nhân.

Thị giá cổ phiếu DTA từ khi niêm yết đến nay

Cần lưu ý là suốt quá trình kể từ khi lên sàn năm 2010, DTA từng 2 lần nuôi ý định tăng vốn nhưng bất thành. Ở lần đầu tiên, vào năm 2011, DTA phát hành 5 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, do chỉ 100 cp được đăng ký mua nên đã hủy bỏ đợt phát hành. Trong lần thứ hai, phương án phát hành 7 triệu cp mặc dù đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2012 nhưng chưa từng được thực hiện.

Đến giữa tháng 7/2016, DTA phát động lại phương án tăng vốn với việc phát hành chào bán riêng lẻ 6 triệu cp cho 7 cá nhân. Mục đích của đợt phát hành nhằm đầu tư dự án Nhà vườn sinh thái Hà Nội giai đoạn 1 và bổ sung vốn lưu động. Cho đến tháng 11/2016, DTA mới công bố đã thực hiện thành công đợt tăng vốn nhưng là phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu cho 6 cá nhân. Và mức giá chào bán thành công là 10,000 đồng/cp, gấp gần 5 lần mức giá trên thị trường khi đó (chỉ quanh mức 2,480 đồng/cp). 

Danh sách cá nhân mua cổ phiếu của DTA

Cuối tháng 1/2017, lượng cp mới phát hành thêm của DTA cũng đã chính thức được niêm yết và giao dịch thì những cổ đông lớn mới cũng lần lượt xuất hiện. Tính đến thời điểm 15/02, đã có 3 cái tên cổ đông lớn mới thông báo lộ diện là cá nhân Nguyễn Đắc Đua, Đặng Minh Truyền và cá nhân Huỳnh Cao Trí. Trong đó, cá nhân Đặng Minh Truyền cũng là cổ đông mới nhưng không có tên trong danh sách đăng ký mua cổ phần vào tháng 11/2016.

Tăng vốn thành công dĩ nhiên là chuyện vui của doanh nghiệp tuy nhiên việc có những cá nhân như mạnh thường quân sẵn sàng mua cổ phiếu phát hành thêm của doanh nghiệp với giá cao gấp nhiều lần so với thị giá không hề thiếu. Và những trường hợp như vậy đa phần đều đem lại kết quả không mấy khả quan cho doanh nghiệp. Có quá nhiều tình huống khi cổ phiếu bắt đầu chính thức được giao dịch trên thị trường thì các mạnh thường quân sẵn sàng bán dù giá thấp hơn so với giá bỏ ra ban đầu rất nhiều và hệ quả là giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc còn tình hình kinh doanh vẫn không mấy cải thiện. Do vậy, câu chuyện tăng vốn thành công của DTA cũng rất khó nói là tích cực.

Nói về cơ cấu cổ đông, tính đến hiện nay, Chủ tịch HĐQT Trần Đức Lợi nắm giữ 2 triệu cp DTA (20% vốn), thành viên HĐQT Nguyễn Chí Thành nắm 1.1 triệu cp (ứng 11% vốn), và thành viên HĐQT khác là ông Trần Quang Mỹ nắm giữ 510 ngàn cp (5.1% vốn). Như vậy, cả 3 cá nhân này đang sở hữu tổng cộng 36.1% vốn DTA. Ngoài ra, bà Phạm Thị Kim Xuân – Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT trong năm qua đã giảm sở hữu tại DTA từ 13.5% xuống còn 3.86%.

Điểm qua một số dự án của Công ty, hiện nay, DTA đang tiến hành 3 dự án bao gồm Khu đô thị Detaco Nhơn Trạch, dự án Khu biệt thự Detaco Phú Quốc, và dự án nhà sinh thái Hà Nội.

Trong đó, dự án Khu đô thị Detaco Nhơn Trạch có tổng mức đầu tư dự kiến 1,651 tỷ đồng, đã được triển khai từ năm 2010 với quy mô 47.3 ha. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, DTA cho biết dự án đã đầu tư xây dựng 70% và sẽ mở bán trong quý 2/2016.

Dự án Khu biệt thự Detaco Phú Quốc có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 286.5 tỷ đồng, với quy mô 91.5 ha. DTA hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ chấp thuận đầu tư dự án.

Về phần dự án nhà sinh thái Hà Nội, Công ty cho biết sẽ dành một quỹ đất nông nghiệp để cung cấp thực phẩm cho phù hợp với xu thế hiện nay và dự kiến sẽ triển khai đầu tư dự án sau khi hoàn thiện pháp lý. Mặc dù đã tiến hành huy động vốn cho dự án trong đợt chào bán cổ phiếu vừa qua, nhưng vẫn chưa có thông tin của dự án xuất hiện trên website của Công ty./.

Các tin tức khác

>   DHA: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (16/02/2017)

>   Địa ốc Sài Gòn: Kế hoạch lãi 2017 đạt gần 290 tỷ đồng (16/02/2017)

>   PPP: Báo cáo quản trị công ty năm 2016 (15/02/2017)

>   Thay đổi nhân sự đứng đầu chi nhánh Vĩnh Long (15/02/2017)

>   HVG: Nhắc nhở chậm nộp Báo cáo thường niên năm 2016 (15/02/2017)

>   PAN: Thông báo công văn của UBCKNN về chấp thuận gia hạn thời gian công bố BCTC cho PAN (15/02/2017)

>   DRC ước lãi trước thuế quý 1/2017 đạt 105 tỷ đồng (16/02/2017)

>   IMP: Báo cáo về thay đổi sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn (15/02/2017)

>   ASA: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (15/02/2017)

>   BLF: Giải trình chênh lệch BCTC quý 4 riêng và tổng hợp (15/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật