Sớm đưa hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội vào hoạt động
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 107/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc về tình hình triển khai hai dự án đường sắt đô thị Hà Nội.
Cụ thể, để đảm bảo chất lượng, an toàn và tiến độ triển khai dự án, sớm đưa hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội vào hoạt động, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:
Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động; đặc biệt bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Không để xảy ra các sự cố liên quan đến a toàn môi trường, cháy nổ. Trong quá trình thi công, yêu cầu Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt quy định về an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng cháy, chữa cháy gắn với bảo đảm chất lương công trình.
Về đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vướng mắc của hai dự án: Đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, yêu cầu Bộ GTVT yêu cầu phía Trung Quốc sớm cung cấp quy trình vận hành, khai thác và quy trình bảo dưỡng; thực hiện chuyển giao công nghệ theo đúng hợp đồng; Chỉ đạo tuyển chọn tư vấn nước ngoài độc lập, có đủ năng lực đánh giá an toàn hệ thống trước và trong quá trình vận hành chạy thử. Thực hiện tổng kiểm tra toàn bộ công trình trước khi chạy thử để đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội thực hiện tốt công tác đào tạo; tạo điều kiện để các nhân sự tiếp cận các công việc liên quan đến vận hành hệ thống ngay từ giai đoạn lắp đặt, chạy thử; Thống nhất ngay với UBND TP Hà Nội về kế hoạch bàn giao công trình. Chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; bảo đảm: phần xây lắp, trang trí kiến trúc khu Depot hoàn thành trước ngày 31/3/2017; phần lắp đặt thiết bị hoàn thành trước ngày 31/7/2017; đóng điện toàn tuyến trước ngày 1/9/2017; vận hành thử nghiệm toàn tuyến Cát Linh- Hà Đông theo đúng kế hoạch vào ngày 30/9/2017; Trong quá trình triển khai dự án, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt, xử lý dứt điểm các khó khăn trong công tác GPMB, đấu thầu… Đặc biệt, đối với 4km đường ngầm, cần tập trung giải quyết triệt để các vướng mắc để sớm hoàn thành công tác GPMB tại 04 ga ngầm; chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình thi công, bảo đảm chất lượng, tuyệt đối an toàn, và tiến độ theo đúng kế hoạch. Trường hợp vượt thẩm quyền, chủ động đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để có nguồn nhân lực thực sự chuyên nghiệp về vận hành và về văn hóa phục vụ nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn đường sắt đô thị và sự hài lòng của hành khách. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong việc tiếp nhận, khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Về đảm bảo chất lượng công trình: Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức dự toán xây dựng phù hợp với tính chất đặc thù của các dự án đường sắt đô thị. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tăng cường hướng dẫn, kiểm tra chất lượng và công tác quản lý chất lượng, đảm bảo công trình được thi công đáp ứng yêu cầu thiết kế; thực hiện nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư, các nhà thầu theo đúng quy định pháp luật.
Về kiến trúc công trình: Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội lưu ý chất lượng kiến trúc công trình; đặc biệt, phải coi công trình nhà ga đường sắt đô thị là công trình văn hóa, cần phải đảm bảo thẩm mỹ, văn hóa và tiện lợi nhất cho hành khách.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí đủ vốn theo kế hoạch để triển khai hai dự án nêu trên. Các Bộ, ngành và UBND TP cần chủ động nghiên cứu cơ chế huy động nguồn lực xã hội trong nước hoặc nước ngoài thông qua các hình thức đối tác công - tư để triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển khai dự án, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm chi phí xây dựng, phát triển năng lực doanh nghiệp trong nước./.
|