Phân tích Kỹ thuật Hàng hóa – Tiền tệ tháng 02/2017: USD, Vàng, Hàng hóa đồng thời leo dốc!
Vàng, hàng hóa đều đang trong xu hướng tăng cho dù đối mặt với đồng USD ngày càng mạnh. Đây là một trường hợp cực kỳ hiếm thấy. Điều này có thể lý giải do lạm phát tăng cùng với sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
1. Phân tích liên thị trường (Intermarket analysis)
US Dollar Index(1) – Mẫu hình Vai – Đầu – Vai(2) liệu có xuất hiện?
- Chỉ số đang hình thành mẫu hình Vai – Đầu – Vai sau giai đoạn bứt phá mạnh hồi tháng 11/2016.
- Trong trường hợp giá phá vỡ vùng 99-100 điểm, mẫu hình trên sẽ xuất hiện với mục tiêu là vùng 95.5-96.5 điểm. Trong trường hợp vùng 99-100 điểm trụ vững thì chỉ số sẽ tăng lên vùng điểm số cao mới.
(1) US Dollar Index là chỉ số đo lường giá trị của đồng Dollar Mỹ (USD) khi so sánh với một nhóm bao gồm 6 đồng ngoại tệ khác: Euro (EUR), Yên (Nhật), Bảng Anh (Anh), Loonie (Canada), Kronas (Thụy Điển) và Francs (Pháp). Đây được coi là yếu tố quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đến sự biến động của hàng hóa nói chung.
(2) Mẫu hình Vai- Đầu – Vai là mẫu hình đáng tin cậy và nổi tiếng nhất. Tên gọi của mẫu hình xuất phát từ sự tương tự của mẫu hình với hình tượng đầu và hai vai của con người. Xu hướng giảm xuống được xác nhận khi giá xuyên thủng “Đường viền cổ” (neckline).
TNX(3) – Quá trình tích lũy đang diễn ra
- Chỉ số đang hình thành mẫu hình củng cố xu hướng tam giác cân (Symmetry Triangle)(4) sau giai đoạn tăng mạnh từ tháng 08/2016.
- Khả năng bứt phá của TNX là khá cao khi FED đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất.
(3) Chỉ số TNX là lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ (CBOE Interest Rate 10 Year T Note) và giao dịch trên sàn CBOE (Chicago Board Options Exchange). Chỉ số này thường có mối tương quan ngược chiều với giá hàng hóa trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát thì hai yếu tố này biến động cùng chiều.
(4) Symmetry Triangle thường xuất hiện với vai trò mẫu hình củng cố xu hướng. Mẫu hình có chứa ít nhất 2 đáy tăng dần và 2 đỉnh giảm dần. Khi nối liền các điểm này và kéo dài chúng, đường kháng cự và hỗ trợ sẽ hội tụ và mẫu hình tam giác cân được hình thành.
Nhận định chung: Cả Dollar Index và lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ điều đang trong quá trình tích lũy để hướng lên những vùng điểm số mới. Điều này gây áp lực không nhỏ đối với giá cả hàng hóa.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn mối tương quan nghịch chiều này là không lớn do giá cả hàng hóa cơ bản đang trong quá trình hồi phục mạnh.
2. Phân tích thị trường hàng hóa
Chỉ số S&P GSCI - Goldman Sachs Commodity Index(5)
- GSCI đi ngang từ đầu năm 2017.
- Chỉ số vẫn đang trong quá trình sideway up sau khi tạo đáy vào đầu năm 2016
(5) GSCI (Goldman Sachs Commodity Index) đại diện cho xu hướng chung của nhóm kim loại dùng cho sản xuất (Industrial Metals), thường biến động cùng chiều với các hàng hóa như thép nhôm kẽm. Đây là chỉ số quan trọng đối với các quốc gia mới nổi vì đây là nguồn nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp.
Crude Oil – Tiếp tục xu hướng tăng
- Giá dầu duy trì đà hồi phục có được từ năm 2016. Hiện tại, mẫu hình Ascending Triangle được xác nhận với mục tiêu lên đến 58-61 USD/thùng.
- Ngưỡng kháng cự gần nhất của giá dầu cũng là 58 – 61 USD/thùng, nơi hội tụ đỉnh cũ tháng 05/2015 và SMA 150. Ngưỡng hỗ trợ là ngưỡng 50-51USD/thùng.
Vàng – Test ngưỡng kháng cự 1,250
- Giá vàng đang hình thành xu hướng tăng ngắn hạn sau khi tạo đáy vào giữa tháng 12/2016.
- Đường EMA 20 ngày là ngưỡng hỗ trợ động cho giá. Ngưỡng kháng cự là 1,250, xa hơn là 1,300 và 1,350.
- Năm 2017 sẽ là một năm quan trọng đối với giá vàng, nếu trong năm nay vàng không tạo một đáy thấp hơn (1,140) thì xu hướng tăng dài hạn sẽ quay trở lại.
Nhận định chung: Vàng, hàng hóa đều đang trong xu hướng tăng cho dù đối mặt với đồng USD, TNX ngày càng mạnh. Đây là một trường hợp cực kỳ hiếm thấy.
Thông thường, đồng USD mạnh sẽ tác động tiêu cực đến vàng lẫn hàng hóa. Nhưng do tỷ lệ lạm phát trong năm 2016 ở Mỹ tăng lên đỉnh 5 năm tại 2.5%. Chính sự nhảy vọt trong lạm phát đã mở ra cánh cửa để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất nhanh hơn dự báo và điều này đã làm đồng USD mạnh lên.
Trong khi đó, lạm phát ngày càng tăng cũng thu hút nhà đầu tư vào vàng, vốn được xem là kênh phòng ngừa lạm phát.
Ngoài ra, hàng hóa cũng thường leo dốc cùng với lạm phát. Thêm vào đó, sự cải thiện kinh tế cũng là một thông tin tốt đối với giá cả hàng hóa do cầu tăng.
3. Phân tích một số cặp tiền tệ phổ biến
EUR/USD – Khả năng sẽ tiếp tục giảm sâu
- Tỷ giá đang test lại ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.0500, đây là vùng đáy cũ nhiều lần hỗ trợ tốt cho EUR/USD.
- Nếu tỷ giá giảm qua 1.0500 thì có thể kỳ vọng EUR sẽ giảm tới mức 0.9500, bằng với độ rộng vùng tích lũy hiện tại (1.0500 – 1.1500).
USD/JPY – Tích lũy trong biên độ hẹp
- Trong ngắn hạn, cặp tỷ giá USD/JPY tích lũy trong biên độ từ 112.00 – 115.05.
- Nếu kháng cự 115.05 bị vượt qua thì cặp tiền tệ sẽ test lại ngưỡng 118.00, đỉnh cũ tháng 12/2016. Nếu giảm qua 112.00 thì khả năng JPY sẽ về ngưỡng 104.00 – 107.00 là khá cao.
USD/CNY – Tích lũy để tăng tiếp
- Cặp tỷ giá đang đi ngang và được hỗ trợ bởi trendline tăng trung hạn.
- Vùng hỗ trợ là 6.8400 – 6.8500. Ngưỡng kháng cự là đỉnh cũ 6.9500.
Cập nhật một số yếu tố chính ảnh hưởng đến các đồng tiền
Lãi suất
Qua đồ thị trên thì lãi suất các nước thuộc Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc đang trong xu hướng giảm do các quốc gia này duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong khi đó, Mỹ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt làm lãi suất tăng.
Vì vậy, đây là yếu tố giúp đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác nguyên nhân do “chênh lệch lãi suất giữa các nước”.
Lạm phát
Nhìn chung, lạm phát ở các quốc giá đều tăng, trong đó ở khu vực Châu Âu là tăng mạnh nhất, điều này là một yếu tố làm đồng EUR giảm giá so với các đồng tiền khác do hiệu ứng “chênh lệch lạm phát của hai nước”
Tốc độ tăng trưởng kinh tế
Nhìn chung GDP của Mỹ, Châu Âu, Nhật tăng trưởng nhẹ qua các năm còn Trung Quốc thì tốc độ tăng GDP giảm.
Nếu các yếu tố khác không đổi mà thu nhập quốc dân của một nước tăng lên so với nước khác thì nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ nước khác cũng tăng dẫn tới cầu ngoại hối tăng. Kết quả là tỷ giá hối đoái sẽ có xu hướng tăng lên.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng
Các quốc gia đều có chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tăng nhưng chênh lệch mức tăng không lớn. Yếu tố này hiện tại ít ảnh hưởng đến các cắp tiền tệ.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá
Chênh lệch lãi suất giữa các nước: Nước nào có lãi suất ngắn hạn cao hơn thì luồng vốn ngắn hạn có xu hướng chảy vào nhằm thu phần chênh lệch do tiền lãi tạo ra, do đó sẽ làm cung ngoại hối tăng lên, cầu ngoại hối giảm đi và tỷ giá hối đoái có xu hướng giảm.
Chênh lệch lạm phát của hai nước làm ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái: Nếu mức lạm phát trong nước cao hơn mức lạm phát của nước ngoài, sức mua của đồng nội tệ giảm so với ngoại tệ thì tỷ giá hối đoái có xu hướng tăng lên. Ngược lại, nếu mức lạm phát trong nước thấp hơn mức lạm phát ở nước ngoài, sức mua của đồng nội tệ tăng tương đối so với đồng ngoại tệ và tỷ giá giảm xuống.
Tình hình tăng trưởng hay suy thoái kinh tế: Nếu các yếu tố khác không đổi mà thu nhập quốc dân của một nước tăng lên so với nước khác thì nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ nước khác cũng tăng dẫn tới cầu ngoại hối tăng. Kết quả là tỷ giá hối đoái sẽ có xu hướng tăng lên.
Yếu tố tâm lý và các hoạt động đầu cơ: Đây là yếu tố tâm lý được thể hiện sự phán đoán của thị trường về các sự kiện kinh tế, chính trị... từ những sự kiện này, người ta dự đoán chiều hướng phát triển của thị trường và thực hiện những hành động đầu tư về ngoại hối, làm cho tỷ giá có thể đột biến tăng, giảm trên thị trường.
Ngoài ra, tỷ giá hối đoái còn phụ thuộc vào chính sách có liên quan tới quản lý ngoại hối, các sự kiện kinh tế - xã hội, các rủi ro bất khả kháng như chiến tranh, thiên tai...
|
|