Petroland: Có vui khi quý 4 tiếp tục là "vị cứu tinh" của cả năm?
Đã 3 năm liên tiếp từ 2014 đến 2016, CTCP ĐT Hạ Tầng & Đô Thị Dầu Khí - Petroland (HOSE: PTL) thoát thua lỗ cả năm nhờ vào kết quả kinh doanh của quý cuối năm. Tuy nhiên, kết quả này hoàn toàn không đến từ hoạt động kinh doanh chính.
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2016 PTL vừa công bố, doanh thu thuần Công ty đạt trong kỳ đạt hơn 32 tỷ đồng, giảm gần 93% so với cùng kỳ năm trước (428 tỷ đồng), lãi gộp theo đó còn hơn 4.2 tỷ đồng. Kết quả này khiến cho PTL không thể bù đắp được chi phí lãi vay, quản lý cùng như chi phí bán hàng trong kỳ, do đó mà chịu lỗ thuần hơn 16 tỷ đồng.
Tuy nhiên, PTL đã có các khoản thu nhập khác hơn 60 tỷ đồng nên cuối cùng vẫn có lãi ròng 36.7 tỷ đồng, chỉ còn giảm 13% so cùng kỳ năm trước. Không những thế, kết quả này cũng đủ để PTL ghi nhận một mức lãi khiêm tốn hơn 2 tỷ đồng cho cả năm 2016 bất chấp trong năm lỗ thuần gần 52 tỷ đồng.
Cần phải nói thêm rằng đây không phải là lần đầu tiên PTL may mắn thoát lỗ cả năm nhờ "vị cứu tinh" quý 4. Sau 2 năm 2012 và 2013 thua lỗ, PTL vẫn chưa có dấu hiệu kinh doanh khởi sắc cho đến quý 3/2014 khi lũy kế 3 quý đầu năm còn lỗ hơn 14 tỷ đồng và đối mặt với rủi ro hủy niêm yết bắt buộc nếu lỗ 3 năm liên tiếp. Tuy nhiên đến quý 4/2014, PTL đã thoát khỏi bản án này khi lợi nhuận mang về từ thu phạt hợp đồng đủ giúp cả năm thoát lỗ.
Cục diện tiếp tục lặp lại trong năm 2015, khi PTL lỗ liên tiếp 3 quý đầu và đột biến có lãi trong quý 4, nhờ bàn giao dự án chung cư cao tầng Mỹ Phú. Năm 2016 diễn biến tương tự được lặp lại với việc 3 quý đầu lần lượt lỗ 9 tỷ, 13.2 tỷ đồng và hơn 8 tỷ, đến quý 4 thì lãi 36.7 tỷ cũng không từ hoạt động chính của Công ty.
Lợi nhuận của PTL từ quý 1/2014 đến quý 4/2016 (Đvt: Triệu đồng)
Đã bán cổ phần Đầu tư Dầu khí Thăng Long cho DXG?
Trở lại với kết quả kinh doanh PTL trong năm 2016, con số lãi ròng hơn 2 tỷ đồng chưa bằng con số lẻ trong chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra là 93 tỷ đồng.
Sở dĩ ban lãnh đạo PTL tự tin đưa ra kế hoạch kinh doanh đột biến như vậy tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 là đến từ nguồn chuyển nhượng một phần dự án Thăng Long (dự án chung cư Thăng Long tại phường Phước Long B, Quận 9, TPHCM). Đây là dự án dự kiến được PTL bắt đầu thực hiện từ năm 2011 và hoàn thành trong năm 2014, song đã bị kéo dài và trễ hẹn.
Để thực hiện dự án này, PTL cùng với 2 cổ đông khác đứng ra thành lập CTCP Đầu tư Dầu khí Thăng Long từ năm 2010 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó PTL góp 79.9% vốn (tương đương 399.5 tỷ đồng). Đây là dự án có quy mô 2,174 tỷ đồng, thực hiện trên khu đất 61,561.8m2, gồm 12 tháp chung cư cao 25 tầng với tổng diện tích sàn là gần 233 ngàn m2.
Hồi đầu tháng 11/2016 vừa qua, HĐQT PTL đã chấp thuận bán toàn bộ phần vốn tại CTCP Đầu tư Dầu khi Thăng Long - chủ đầu tư dự án chung cư Thăng Long - cho Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) với giá 11,273 đồng/cp, tương đương giá trị chuyển nhượng hơn 450 tỷ đồng.
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2016 thì PTL đã hoàn thành ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Đầu tư Dầu khí Thăng Long cho DXG. Do đó tại thời điểm 31/12/2016 thì Dầu khí Thăng Long không còn là công ty con của PTL nữa. Theo đó, tại thời điểm cuối năm 2016, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn của PTL giảm 327 tỷ đồng so với đầu năm, đây chính là chi phí PTL đầu tư vào dự án Chung cư Thăng Long, quận 9 (bao gồm cả chi phí quyền sử dụng đất).
Giá trị chuyển nhượng không được thể hiện rõ trong BCTC nhưng nhiều khả năng PTL thu về lợi nhuận hơn 56 tỷ đồng (tiền thu từ bán tài sản cố định và tài sản dài hạn) từ thương vụ bán Đầu tư Dầu khí Thăng Long cho DXG. Song, như đã đề cập thì con số này chưa đủ để PTL hiện thực hóa kế hoạch lãi 93 tỷ đồng nếu không muốn nói là may mắn thoát khỏi thua lỗ.
Trên sàn, giá cổ phiếu PTL đang giao dịch tại 2,700 đồng/cp, tương ứng giảm gần 85% so với thời điểm niêm yết. Mức giá cao nhất PTL đạt được cũng là mức giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên trên sàn tại 16,500 đồng/cp vào ngày 22/09/2010 và mức thấp nhất tại 1,300 đồng/cp vào 22/01/2016./.
|