Nhịp đập Thị trường 28/02: Xả hàng cuối phiên
Các thống kê cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế lớn so với bên mua. Nguy cơ điều chỉnh trong thời gian tới đang tăng lên.
VN-Index kết phiên giao dịch giảm 6.65 điểm tương đương 0.93% xuống mức 710.79 điểm. HNX-Index giảm 0.04% xuống mức 86.83 điểm.
Độ rộng toàn thị trường khá yếu với 205 mã tăng điểm và 251 mã giảm điểm. Ưu thế đang nghiêng về bên bán.
Giá trị khớp lệnh cả hai sàn đạt hơn 3,532 tỷ đồng. VN-Index ở trạng thái giảm điểm trong hầu hết thời gian giao dịch (trừ thời gian đầu phiên sáng). Trong những phiên gần đây, khối ngoại lướt sóng khá mạnh.
Đáng chú ý nhất trên sàn HOSE là nhóm cổ phiếu Chế biến Thủy sản và Xây dựng. Các mã như HVG, TS4, VHC, VNH... hầu hết đều sụt giảm khá sâu. Riêng HVG thì chỉ báo Stochastic Oscillator đã cho tín hiệu bán và vùng đáy cũ 6,300-6,400 cũng sắp thủng nên rủi ro lớn.
Nhóm cổ phiếu Xây dựng có HBC điều chỉnh mạnh sau một thời gian dài tăng trưởng ấn tượng. Các cổ phiếu khác trong nhóm như CTD, THG... cũng chung tình trạng điều chỉnh nhưng mức sụt giảm thấp hơn.
Cổ phiếu VietJet vẫn duy trì mức tăng trần từ đầu đến tận cuối phiên do lực cầu quá mạnh và cung ít. Dư mua trần lên đến gần 3 triệu cp. Điều này chứng tỏ sức hút to lớn của VietJet đối với giới đầu tư.
HNX-Index cũng điều chỉnh như VN-Index nhưng mức độ không đáng kể.
DCS có dấu hiệu tạo đỉnh khi mà cả giá và khối lượng đều đang sụt giảm trong ngắn hạn.
Thanh khoản của mã SHB đã vượt mức 12 triệu cp. Đây là mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua nên rất được chú ý.
Khối ngoại mua ròng 18.58 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng 8.5 tỷ trên HNX.
14h: Cổ phiếu chế biến thủy sản vẫn đang dò đáy
Nhóm cổ phiếu ngành Xây dựng, SX Nhựa – Hóa chất và Chế biến Thủy sản vẫn chưa phục hồi được trong bối cảnh chỉ số của hai sàn biến động trái chiều.
Trên HOSE, các cổ phiếu chế biến thủy sản vẫn đang yếu đi rõ nét. Điển hình là mã HVG, TS4, VHC, VNH...
Hai mã HVG và VHC hiện đang được chú ý nhất vì khối ngoại đang giao dịch khá mạnh các mã này. Xu hướng chung là đang bị bán ròng hoặc lướt sóng đảo hàng khá mạnh. Riêng HVG thì chỉ báo Stochastic Oscillator đã cho tín hiệu bán trở lại nên nguy cơ thủng vùng đáy cũ 6,300-6,400 là rất cao.
Cổ phiếu VietJet vẫn duy trì mức tăng trần từ đầu phiên đến giờ do lực cầu quá mạnh và cung rất ít. Điều này phần nào cho thấy sức hút to lớn của hãng hàng không lớn thứ 2 tại Việt Nam đối với giới đầu tư.
Giá SAB đang liên tục tạo ra các đỉnh mới và đáy mới cao hơn (higher high, higher low). Điều này cho thấy xu hướng tăng vững chắc đang dần được thiết lập.
Trên HNX, mã DST tiếp tục có sự tăng trưởng tốt sau khi tạo đáy vào tuần trước với khối lượng khá cao. DCS có dấu hiệu tạo đỉnh khi mà cả giá và khối lượng đều đang sụt giảm trong ngắn hạn.
Thanh khoản của mã SHB đã vượt mức 10 triệu cp. Đây là điểm rất đáng chú ý vì giá đã tích lũy và giằng co rất lâu trước đó. Mặt khác, trong nhóm Ngân hàng, SHB hầu như không tăng nhiều trong đợt bứt phá vừa qua.
Tính tới 14h, VN-Index ở mức 715.13 điểm tương ứng mức giảm 0.32%, HNX-Index tăng 0.25% lên mức 87.08 điểm.
Phiên sáng: Đảo chiều bất ngờ
VN-Index bất ngờ đảo chiều giảm điểm cho thấy tâm lý nhà đầu tư hiện đang khá phân vân khi mà chỉ số đã tăng trưởng liên tục nhiều tuần.
Kết phiên sáng, VN-Index xuống mức 715.94 điểm giảm 0.21% so với tham chiếu; HNX-Index dừng tại mức 87.13 điểm, tăng 0.31%.
Độ rộng thị trường khá yếu với 199 mã tăng điểm và 217 mã giảm điểm. Ưu thế đang nghiêng về bên bán khá nhiều.
Trên HOSE, sự tích cực và bứt phá của một số mã thuộc ngành Công nghệ và Thông tin, Bán buôn... vẫn không đủ giúp thị trường trụ vững do những mã này đa phần có vốn hóa nhỏ.
Hầu như không có lượng bán ra, cổ phiếu VietJet tiếp tục tăng trần cho đến cuối phiên sáng với dư mua “khủng”.
Nhóm Nông – Lâm – Ngư vẫn còn tăng với điểm sáng HAG. Bất động sản có FLC, NLG, NVL... Nhưng đáng chú ý nhất là sự hồi phục trở lại của BVH. Trong bối cảnh hầu hết các cổ phiếu Bảo hiểm ở hai sàn đều giảm thì sự bứt phá của BVH có thể coi là hiện tượng.
Nhóm Ngân hàng chỉ có CTG vẫn giữ sắc xanh trong khi VCB, STB, BID... đều đang đei62u chỉnh.
Mã SHB đã đạt khối lượng gần 10 triệu là điểm nhấn quan trọng nhất trên HNX sáng nay. Đây cũng là cổ phiếu đáng chú ý nhất của nhóm Ngân hàng trong ngắn hạn khi tích lũy, giằng co khá lâu trong thời gian qua.
Thanh khoản toàn thị trường duy trì khá khi đạt 148 triệu đơn vị và giá trị đạt 2,002 tỷ đồng.
10h30: VN-Index đảo chiều, VJC vẫn kịch trần
Thị trường biến động phức tạp và phân hóa mạnh. Nhóm cổ phiếu Chứng khoán, Nông – Lâm – Ngư tăng trưởng trong khi nhóm Chế biến Thủy sản, Xây dựng sụt giảm.
Với lực cầu rất mạnh và lượng bán ra nhỏ giọt, cổ phiếu VietJet đã tăng trần ngay từ những phút đầu giao dịch.
Trên HOSE, các cổ phiếu Bất động sản như NLG, NVL, FLC... đang bứt phá mạnh. Riêng NLG thì vùng 21,000-22,300 được đánh giá là hỗ trợ rất mạnh và hiệu quả. Tuy nhiên, do những cổ phiếu lớn như VIC, KBC điều chỉnh nên chỉ số chung của ngành vẫn giảm.
Nổi bật nhất vẫn đang là nhóm Chứng khoán. Các cổ phiếu SSI, HCM, BSI... đều đang tăng trưởng tốt. Giá các cổ phiếu này hầu hết đang nằm trên nhóm MA nên đà tăng ngắn hạn đã được thiết lập.
Trong nhóm Nông – Lâm – Ngư chỉ còn HAG, CTP duy trì đà tăng tốt. Các mã còn lại chỉ tăng nhẹ hoặc đang điều chỉnh như DPR, PHR...
Nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng cũng khá tích cực với sự hồi phục của CTG, BID, VCB,... Đặc biệt, CTG có khả năng chuẩn bị vượt đỉnh cũ tháng 07/2016 nên xu hướng tăng được củng cố.
Nhóm Bất động sản cũng rất sôi động với sự trở lại của VIC, KDH, FLC... Khối ngoại tiếp tục mua và bán cùng lúc VIC, HPG, VNM với giá trị khá lớn. Tuy nhiên, nhìn chung xu hướng đều đang là mua ròng nên rủi ro không cao.
Trên HNX, cổ phiếu SHB được giao dịch rất mạnh. Tính đến 10h30, khối lượng giao dịch đã đạt gần 9 triệu đơn vị, mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua. KLF đang có dấu hiệu lặp lại đợt bứt phá cuối tháng 11/2016. Khá nhiều nhà đầu tư đã mua vào ở vùng giá 2,200-2,700.
Độ rộng toàn thị trường khá mạnh với 202 mã tăng điểm và 178 mã giảm điểm. Đến thời điểm này đã có 101 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công với giá trị hơn 1,350 tỷ đồng.
Mở cửa: Cú hích từ thị trường Mỹ có đủ lớn?
Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong ngày thứ Hai, trong đó Dow Jones khép phiên tại mức cao kỷ lục 12 phiên liên tiếp. Điều này đang được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng tiếp cho thị trường Việt Nam.
Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ đưa ra một tuyên bố “lớn” về cơ sở hạ tầng vào ngày thứ Ba đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng tốt. Chuỗi phá kỷ lục của Dow Jones nới rộng sang phiên thứ 12, S&P 500 cũng khép phiên tại mức kỷ lục. Nhóm cổ phiếu năng lượng tác động tích cực nhất đến S&P 500.
Các ETF quan trọng như Van Eck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) đều tăng trưởng. Tuy nhiên, cả hai ETF này đang trong trạng thái discount nên rủi ro điều chỉnh vẫn còn.
Điểm đáng chú ý là nhóm Small Cap và Micro Cap lại đang tăng trưởng mạnh nhất. Điều này cho thấy sự chuyển hướng chiến lược của nhà đầu tư.
VN-Index đang khởi đầu trong giằng co khi nhóm Large Cap tiếp tục phân hóa khá mạnh. Cụ thể BMP, REE, CII... đang giảm.
Bộ đôi HAG, HNG vẫn tiếp tục đà tăng cùng với nhóm Nông – Lâm – Ngư. Đây cũng là một trong những nhóm ngành tăng trưởng tốt nhất trên thị trường hiện nay.
Trên HNX, KLF và SHB đang là tâm điểm với đà tăng khá mạnh.
Tính tới 9h30, VN-Index đang tăng nhẹ 0.24% giao dịch ở mức 719.14 điểm trong khi HNX-Index tăng 0.75% và giao dịch tại mức 87.52 điểm.
|