Nhịp đập Thị trường 23/02: Nỗ lực bất thành vào phút cuối
VN-Index đã giảm suốt phiên chiều, nhưng cũng đã có rất nhiều nỗ lực vào phút cuối để tìm kiếm cơ hội đổi màu. Tuy nhiên, chỉ số vẫn đóng cửa cách mức tham chiếu 1 quãng rất nhỏ (-0.05%), đạt 716.87 điểm. Tương tự, HNX-Index dừng ở mức 86.27 điểm, thấp hơn 0,41% so với tham chiếu. Chỉ có UPCoM-Index là tiếp tục bay cao lên 55.57 điểm (+0.43%).
Các cổ phiếu largecap như HPG, FPT, VNM, MWG… đã hồi giá vào cuối đợt liên tục và đợt 3, góp phần kéo VN-Index lên lại sát tham chiếu. Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu giảm vẫn áp đảo: 160 mã giảm so với 96 mã tăng. Các nhóm bảo hiểm, khai khoáng, vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi)… cũng góp phần lớn vào việc đè chỉ số.
Trong số các cổ phiếu đã tăng trần bất ngờ vào cuối phiên chiều, có lẽ đáng chú ý nhất là TCM (+6.9%), với lệnh mua ATC bất ngờ tăng mạnh. Như vậy sau 2 phiên trước đó giảm giá, TCM lại tiếp tục chuỗi hành trình chinh phục đỉnh cao 20,000 đ/cp.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh vào phiên chiều ở HPG, nhưng cổ phiếu này vẫn tăng 1% lên 40,600 đồng/cp nhờ lực cầu nội. Tuy nhiên, trường hợp KBC lại ngược lại, cầu nội không đỡ, giá cổ phiếu giảm 3.6% do khối ngoại bán ròng 880,000 cp.
VNPT sẽ đẩy nhanh tiến độ thoái vốn khỏi 1 số công ty đang niêm yết là NPH, ACC, HAS và LTC. Đây đều là các cổ phiếu rất kém thanh khoản hiện nay, ngoài ra ngoại trừ NPH có thị giá cao hơn mệnh giá (13,000 đ/cp), các mã còn lại đều có thị giá thấp. Tuy nhiên, việc thoái vốn có thể sẽ đem lại những thay đổi tích cực hơn cho các doanh nghiệp này, và do đó thanh khoản cũng có thể sẽ tăng lên.
Phiên sáng: Còn mỗi UPCoM chưa đỏ thôi
Chỉ số index của sàn HNX chính thức đỏ từ 10h, và sàn HOSE đỏ từ 10h30. Kết thúc phiên sáng nay, VN-Index về mức 714.5 điểm, giảm 0.38%, HNX-Index về 86.05 điểm, giảm 0.66%. Tuy nhiên, UPCoM-Index vẫn kiên trì một màu xanh, và đang dừng ở mức 55.43 điểm, tăng 0.17%.
Các nhóm ngành góp phần đổi màu cho VN-Index trong phiên sáng nay là ngân hàng, dầu khí, BĐS công nghiệp, hóa chất, khai khoáng… Tuy nhiên cũng có 1 số nhóm có nhiều mã xanh như tôn thép (cấu kiện), nhiệt điện, kiến trúc…
Trừ IDV và CCI, các cổ phiếu khá nhóm BĐS công nghiệp đều đang giảm giá, trong đó KBC giảm 3.3%, ITA -0.8%, SZL -2%, LHG -2.6%... Tuy nhiên, theo cục ĐTNN, Bộ KH-ĐT, trong 2 tháng đầu năm nay, lượng vốn FDI đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn cổ phần là 3.4 tỷ USD, tăng 21.5% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là tín hiệu tích cực cho nhóm ngành BĐS công nghiệp hậu TPP.
Liên quan đến giao dịch của khối ngoại trong phiên sáng, KBC có lẽ là cổ phiếu bị khối ngoại “đạp” mạnh nhất, thẳng vào giá, khi bán ròng gần 640,000 cp trong phiên sáng (lượng mua =0). Thị giá KBC đang về 14,700 đ/cp, giảm 3.3%. Sau KBC, PVD cũng đang bị bán ròng 370,000 cp, thị giá giảm 1.7% về 22,900 đ/cp. HPG cũng đang có nhiều lệnh bán, nhưng khối ngoại cũng đã tăng mua, do đó lượng bán ròng chỉ chừng 140,000 cp.
HNX đã đồng ý cho công ty Cholimex (CLX) lên sàn UPCoM đầu tháng 3 với giá tham chiếu 10,200 đ/cp. Cơ cấu cổ đông CLX khá cô đặc, và có liên quan đến cổ đông lớn là TMS. CLX cũng đang có 1 công ty liên kết đang giao dịch trên UPCoM là CMF (hiện giá 92,000 đ/cp).
TDH đang có dấu hiệu chốt lời sau khi “leo” một mạch từ mặt bằng 9,500 đ/cp lên đỉnh 12,350 đ/cp. FDC cũng mới thông báo sẽ bán hết 1.14 tr.cp TDH.
HOSE vừa cho phép đưa VIS ra khỏi diện cảnh báo từ ngày mai nhờ công ty đạt được mức lãi ròng ấn tượng trong năm qua, và giúp mức lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán đạt mức dương. Tuy nhiên, thực tế dấu hiệu cảnh báo hầu như không tác động gì lên giao dịch của cổ phiếu này, nên lệnh dỡ bỏ của HOSE cũng chỉ mang tính hình thức.
11h: Giảm trở lại
VN-Index đã tăng sau khi mở cửa, lên đỉnh 719.58 điểm (+0.33%) nhưng sau đó lại nhanh chóng hạ về dưới mức tham chiếu. Diễn biến này có thể là do tác động từ nhóm large cap, bởi các chỉ số phụ VNMID và VNSML dao động ổn định hơn.
Ngược lại với VN-Index, HNX-Index đã giảm 0.3%, trong đó nhóm largecap giảm mạnh hơn. Các mã đang khiến chỉ số giảm là PVS (-1.6%), VCG (-1.3%), PLC (-2.4%)… BII giảm sàn hơn 8% phiên thứ hai liên tiếp sau khi đã tăng trần 8/10 phiên trước đó.
Các nhóm ngành đang có nhiều mã giảm giá tính đến 10h30 sáng nay là bất động sản công nghiệp, bia rượu (SAB vẫn tăng nhẹ 0.6%), dầu khí, hóa chất cơ bản, vật liệu xây dựng (cát đá sỏi…)…
Ngành dầu khí đang chia làm 2 nhóm, tăng giá là khí, và giảm giá là dầu, sau khi có thông tin về dự báo giá dầu giảm của ngân hàng ABN Amro. Khá ngạc nhiên là nhóm phân bón với đầu vào là khí, cũng tăng giá, DCM tăng 3.9% và DPM tăng 2.1%.
HVN đang giảm giá mạnh 5.5% nhưng lượng khớp lệnh tăng đột biến, hơn 1.7 tr.cp so với 484,000 cp cả ngày hôm qua. Giá HVN đã sát mức thấp nhất kể từ khi hãng hàng không này “bay” lên sàn.
HAG và HNG tiếp tục chuỗi ngày tăng giá nhờ niềm tin về khả năng “đảo chiều” trong hoạt động KD (chủ yếu liên quan đến cao su) và cơ cấu lại tài chính, nhất là khi “chuyển” nợ thành vốn góp của Temasek. Tuy nhiên, dư nợ được dự báo là sẽ vẫn còn ở mức cao và đe dọa đến khả năng thanh toán, nếu doanh thu không kịp hồi phục, và dòng tiền vẫn còn yếu (sau khi đã bán gần hết tồn kho bò thịt).
HPG đang giằng co quanh mức giá tham chiếu, và giao dịch của khối ngoại cũng khá cân bằng (bán ròng nhẹ chừng 100,000). Có vẻ tâm lý NĐT đã “bình ổn” trở lại, tuy nhiên giao dịch của khối ngoại vẫn là 1 ẩn số khó đoán trong phiên chiều.
HVG đã công bố giải trình liên quan đến kết quả sản xuất kinh doanh kém cỏi quý 1/2017 (từ 01/10-31/12/2016). Thị giá HVG đang đi ngang sau khi đã giảm từ 9,000 đ/cp về mức đáy ngắn hạn 6,370 đ/cp.
Giá NT2 đã tăng gần 3% sau khi có công bố về kế hoạch kinh doanh lẫn cổ tức 2017. Tuy nhiên lưu ý rằng đang có hiện tượng khối ngoại bán ròng ở mã này.
Mở cửa: Xanh mong manh
VN-Index tăng điểm nhẹ gần 0.1% cho dù VN30 giảm. HNX-Index và UPCoM-Index xanh. Ngân hàng đang là nhóm chính hỗ trợ cho chỉ số, GAS tiếp tục tăng giá hơn 1.5% sau khi đã bất ngờ tăng mạnh 3.9% hôm qua, tuy nhiên nhìn chung còn quá sớm để nhận định về diễn biến giao dịch hôm nay.
Cổ phiếu đang được rất nhiều NĐT quan tâm là HPG đã tăng giá nhẹ khoảng 1% sau khi mở cửa. Trong ngày giao dịch hôm qua, HPG đã bị khối ngoại bán ròng hơn 1.1 tr/cp, khiến thị giá từng có lúc giảm hơn 5% và là ngòi nổ khiến khối nội sợ hãi và bán theo. Trong sáng nay, khối ngoại cũng đang bán ròng chừng 75,000 cp, và vẫn còn sớm để đưa ra nhận định.
NT2 sẽ trả cổ tức năm 2017 là 25% tiền mặt, tỷ lệ cổ tức trên thị giá vào khoảng 8%, đây là mức khá hấp dẫn nếu so sánh với lãi suất tiền gửi. Năm 2016, NT2 đã tạm ứng xong cổ tức 20% tiền mặt.
KDH đã thuê HBC làm tổng thầu cho dự án chung cư cao cấp phường Phú Hữu, Q.9, TP.HCM, trị giá gói thầu gần 1,000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu HBC đã tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay, trên kỳ vọng vào tổng giá trị các hợp đồng chuyển qua từ năm trước lẫn ký được trong đầu năm nay. Tương tự, giá cổ phiếu KDH cũng tăng khoảng 10% trong tháng 2, nhờ kết quả KD tăng trưởng đột biến trong quý 4/2016 và tổng lợi nhuận ròng cả năm 2016 đạt gần 400 tỷ đồng (tăng 43% so với năm 2015).
Theo Tổng cục Hải Quan, kim ngạch nhập khẩu thép trong 15 ngày đầu tháng 2 tăng 52.1% so với nửa cuối tháng 1, tương ứng tăng 138 triệu USD. Dường như thuế bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước đang tỏ ra ngày càng kém tác dụng.
Chủ tịch HĐQT DXG vừa đăng ký mua vào 3 triệu cp kể từ ngày mai 24/02, tuy nhiên lượng đăng ký mua này cũng chỉ tương đương với lượng giao dịch bình quân 1 phiên của DXG trong 10 phiên gần đây.
HAH dự kiến trả cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 50%. Công ty cũng đã công bố thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh 2016 không được khả quan cho lắm, tuy nhiên cấu trúc tài chính vẫn ổn định và lượng tiền mặt khá lớn, đủ trả cổ tức tiền mặt. Có lẽ việc trả cổ tức bằng cổ phiếu được đưa ra nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu và nâng cao lợi tức cho các cổ đông.
Ngân hàng ABN Amro Bank NV cho rằng giá dầu thô có thể rơi xuống mức 30 USD/thùng, tức giảm hơn 40% so với mức 55-57 USD/thùng hiện nay. Đây là thông tin rất xấu cho ngành dầu khí thế giới, vốn vừa có dấu hiệu hồi phục khi các thành viên OPEC cam kết cùng cắt giảm sản lượng. Đối với các công ty liên quan đến khai thác dầu khí Việt Nam, mức giá 30 USD/thùng là quá thấp để duy trì hoạt động ổn định.
VTL vừa thông báo kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 2 cũ: 1 mới, giá phát hành 10,000 đ/cp, ngày chốt danh sách cổ đông là ngày Quốc tế Phụ nữ. Thị giá VTL hiện gần 16,000 đ/cp, như vậy đến ngày giao dịch không hưởng quyền, thị giá sẽ giảm khoảng 2,000 đ/cp.
|