Nhịp đập Thị trường 14/02: Bên bán chiếm ưu thế
Các thống kê cho thấy dù không có sụt giảm mạnh xảy ra nhưng bên bán đang chiếm ưu thế tương đối so với bên mua.
VN-Index kết phiên giao dịch tăng 0.36 điểm tương đương 0.05% lên mức 706.26 điểm. HNX-Index giảm 0.27% xuống mức 86.19 điểm.
Độ rộng toàn thị trường khá bi quan với 209 mã tăng điểm và 226 mã giảm điểm. Ưu thế đang nghiêng về bên bán.
Giá trị khớp lệnh cả hai sàn đạt hơn 3,408 tỷ đồng. VN-Index ở trạng thái giằng co mạnh trong hầu hết thời gian giao dịch. Trong những phiên gần đây, khối ngoại lướt sóng khá mạnh nhưng nhìn chung vẫn mua ròng nhẹ.
Đáng chú ý nhất trên sàn HOSE là nhóm cổ phiếu Nông – Lâm – Ngư. Các mã như HAG, HNG, NSC... đã giúp thị trường trụ vững. Đặc biệt, HAG đang đứng trước cơ hội phá vỡ hoàn toàn vùng đỉnh cũ tháng 11/2016. Nếu tín hiệu này xuất hiện thì xu hướng giảm giá dài hạn có thể bị đảo ngược.
Mã SAB cũng có phiên giao dịch tích cực. Khối ngoại mua mạnh SAB nên cổ phiếu này đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng mới.
Các cổ phiếu Vật liệu Xây dựng cũng đang có dấu hiệu hồi phục mạnh. HPG, HSG, VIS, NKG... đều có lực mua tốt và duy trì trạng thái tích cực đến hết phiên. Tuy nhiên, khối ngoại lại bán ròng khá mạnh nhóm này khá nhiều nên nhà đầu tư cần lưu ý.
Các cổ phiếu Ngân hàng được khối ngoại mua ròng đều tăng như STB, CTG, BID. Còn lại như VCB, MBB đều điều chỉnh nhẹ.
Khác với VN-Index, HNX-Index điều chỉnh và thường xuyên ở trạng thái giảm trong phiên giao dịch hôm nay. Tuy nhiên, khối ngoại lại mua ròng khá mạnh trên sàn này.
Dòng Dầu khí trên HNX có biểu hiện trái chiều. Các mã PGS, PVB đều tăng tốt; trong khi PVC, PVS duy trì quanh mốc tham chiếu.
Mã KLF duy trì đà tăng đến cuối phiên với khối lượng khá cao và nằm trên mức trung bình 20 phiên. Có khá nhiều nhà đầu tư bắt đáy tại vùng đáy cũ trung hạn 1,800-2,300.
Khối ngoại mua ròng 4.35 tỷ đồng trên HOSE và 13.19 tỷ trên HNX.
14h: Nhóm Bảo hiểm và Chế biến thủy sản sụt giảm
Nhóm cổ phiếu Vật liệu Xây dựng đã tăng trưởng trở lại trong khi nhóm ngành Bảo hiểm và Chế biến Thủy sản vẫn chưa phục hồi được.
Trên HOSE, ngoài các cổ phiếu Nông – Lâm – Ngư thì ngành Vật liệu Xây dựng cũng khá tích cực với điển hình là mã HPG, HSG, NKG, VIS...
Riêng HSG thì có thể dễ dàng nhận thấy khối lượng tăng trưởng khá đều và ổn định trong những tuần gần đây chứng tỏ dòng tiền đang quay trở lại.
Nhóm Bảo hiểm khá bi quan với sự đi xuống đồng loạt của BVH, PGI, VNR, PTI...
Trên HNX, bên cạnh PVB thì một thành viên khác của nhóm Dầu khí là PGS cũng đang quay trở lại đà tăng. Kể từ sau khi test lại thành công vùng hỗ trợ 15,000-16,000, giá đã tăng trưởng lên tục.
Nhóm Xây dựng, Bất động sản trên HNX nhìn chung cũng không tốt khi mà CEO, TEG, HUT... đều có điều chỉnh.
KLF đang hồi phục mạnh và là một trong những mã đáng chú ý nhất. Khối lượng giao dịch tính đến thời điểm này đã vượt mức trung bình 20 phiên nên KLF được nhà đầu tư rất quan tâm và kỳ vọng kịch bản cuối tháng 11/2016 sẽ lắp lại.
Tính tới 14h, VN-Index ở mức 706.04 điểm tương ứng mức tăng 0.02%, HNX-Index giảm 0.38% xuống mức 86.10 điểm.
Phiên sáng: Giảm trở lại
Nhờ sự tăng trưởng của nhóm Nông – Lâm – Ngư nên sàn HOSE không biến động bi quan như HNX trong phiên giao dịch buổi sáng.
Kết phiên sáng, VN-Index xuống mức 705.81 điểm giảm nhẹ 0.01% so với tham chiếu; HNX-Index dừng tại mức 85.97 điểm, giảm 0.53%.
Độ rộng thị trường khá bi quan với 172 mã tăng điểm và 221 mã giảm điểm. Ưu thế đang nghiêng về bên bán khá nhiều.
Trên HOSE, sự tích cực và bứt phá của một số mã Nông – Lâm – Ngư như HAG, HNG, NSC... đã giúp thị trường trụ vững. Đặc biệt, HAG đang đứng trước cơ hội phá vỡ hoàn toàn vùng đỉnh cũ tháng 11/2016. Nếu tín hiệu này xuất hiện thì xu hướng giảm giá dài hạn có thể bị đảo ngược.
Nhóm cổ phiếu ngành Vật liệu Xây dựng giữ vững đà tăng. Giá HPG đã vượt qua đỉnh cũ tháng 01/2017 nên xu hướng tăng được củng cố. Mục tiêu của cổ phiếu này trong thời gian tới là vùng 47,000-48,000.
Nhóm Ngân hàng phân hóa khi mà CTG, BID vẫn giữ sắc xanh trong khi MBB, VCB đều đang điều chỉnh.
Các mã DST, PVB đột ngột tăng trần sau thời gian dài điều chỉnh, tích lũy là điểm nhấn quan trọng trên HNX.
KLF, VND, HUT, PVS, ACB vẫn đang là tâm điểm của sàn HNX. Riêng PVS và VND khối ngoại giao dịch khá mạnh.
Thanh khoản toàn thị trường duy trì khá khi đạt 137 triệu đơn vị và giá trị đạt 2,181 tỷ đồng.
10h30: Cổ phiếu Nông – Lâm – Ngư tăng trưởng tốt
Thị trường biến động phức tạp và phân hóa mạnh. Nhóm cổ phiếu Nông – Lâm – Ngư tăng trưởng trong khi nhóm SX Thiết bị, Máy móc sụt giảm.
Trên HOSE, nhóm cổ phiếu Nông – Lâm – Ngư vẫn duy trì đà tăng tốt và khá nổi bật, điển hình như HAG, HNG, NSC, DPR...
Đặc biệt HAG đã test lại thành công vùng đáy cũ tháng 09/2016 (tương đương vùng 4,900-5,200) và tăng trưởng trở lại. Mặc dù đang test lại đỉnh cũ tháng 11/2016 nhưng vẫn tăng rất mạnh với dư mua lớn.
Nhóm cổ phiếu ngành Vật liệu Xây dựng cũng khá tích cực với sự hồi phục của HSG, HPG,... Đặc biệt, HPG đã vượt qua đỉnh cũ tháng 01/2017 nên xu hướng tăng được củng cố.
Khối ngoại tiếp tục mua và bán cùng lúc CTG, HSG, SSI, VNM với giá trị khá lớn. Tuy nhiên, nhìn chung xu hướng đều đang là mua ròng nên rủi ro không cao.
Trên HNX, cổ phiếu BCC, thuộc nhóm Vật liệu Xây dựng , cũng tăng trưởng khá tốt. KLF hiện đang tăng với khối lượng giao dịch ở mức trung bình. Vùng đáy cũ 1,800-2,300 đã hỗ trợ tốt và giá đang tăng mạnh trở lại.
Điểm bất ngờ lớn nhất là PVB tăng trần sau nhiều tháng tích lũy với khối lượng thấp.
Độ rộng toàn thị trường khá yếu với 172 mã tăng điểm và 189 mã giảm điểm. Đến thời điểm này đã có 94.36 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công với giá trị hơn 1,431 tỷ đồng.
Mở cửa: Nhiều áp lực trái chiều
Vàng và dầu đều có điều chỉnh giảm khá mạnh. Tuy nhiên, việc giá trị thị trường của S&P 500 vượt mốc 20 ngàn tỷ USD lại là một yếu tố khá tích cực. Các áp lực trái chiều dự kiến sẽ khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam biến động phức tạp trong ngắn hạn.
Các hợp đồng vàng tương lai chứng kiến phiên sụt giảm mạnh nhất trong tháng vào ngày thứ Hai do đà leo dốc của đồng USD và chứng khoán Mỹ đã làm giảm tính hấp dẫn của kim loại quý trong ngắn hạn.
Các hợp đồng dầu thô tương lai cũng quay đầu giảm mạnh trong ngày thứ Hai khi những lo ngại về đà leo dốc của sản lượng dầu tại Mỹ đã kéo giá dầu giảm lần đầu tiên trong 4 phiên vừa qua. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến triển vọng của nhóm cổ phiếu Dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Việc giá trị thị trường của S&P 500 vượt mốc 20 ngàn tỷ USD là một yếu tố khá tích cực. Các ETF quan trọng như Van Eck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) đều tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên, Van Eck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) đang trong trạng thái discount khá lớn nên rủi ro vẫn còn.
VN-Index đang khởi đầu trong giằng co khi nhóm Large Cap tiếp tục phân hóa khá mạnh. Cụ thể PVD, GAS đang là những mã giảm chủ yếu do ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu.
Bộ đôi HAG, HNG vẫn tiếp tục đà tăng cùng với nhóm Nông – Lâm – Ngư. Đây cũng là nhóm ngành tăng trưởng tốt nhất trên thị trường hiện nay.
Ông lớn ngành Bia SAB vẫn đang trong quá trình tích lũy cho một đợt tăng trưởng mới trong vùng 207,000-220,000. Mã BVH cũng tiếp tục đà tăng và hình thành mẫu hình Three White Candles khá tích cực.
Trên HNX, KLF tăng nhẹ với khối lượng trung bình. Nếu sụt giảm trở lại, vùng đáy cũ 1,800-2,300 sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ mạnh.
Tính tới 9h30, VN-Index đang tăng nhẹ 0.11% giao dịch ở mức 706.65 điểm trong khi HNX-Index giảm 0.24% và giao dịch tại mức 86.22 điểm.
|