Thứ Sáu, 17/02/2017 09:27

Người Việt tiêu thụ bia ào ạt nhưng miếng ngon không dành cho tất cả cổ phiếu bia

Tốc độ tiêu thụ bia của Việt Nam những năm gần đây có xu hướng tăng mạnh, đây là một yếu tố tích cực cho các doanh nghiệp ngành bia. Song, miếng ngon không dành cho tất cả, kết quả kinh doanh năm 2016 của các doanh nghiệp trong ngành (xét các đơn vị đã đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung trên thị trường chứng khoán) khá phân hóa, có người chạm đỉnh lãi ròng có kẻ bết bát với kết quả lãi thấp nhất trong 5 năm.

Miếng bánh hấp dẫn

Theo số liệu được công bố vào tháng 8/2016 về sản lượng tiêu thụ bia theo từng quốc gia trong năm 2015 (Kirin Beer University Report Global Beer Production by Country in 2015 – được thực hiện bởi Kirin Holdings Company), lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam đứng thứ 24 vào năm 2005, nhưng sau 10 năm đã chễm chệ tại vị trí thứ 8, với mức tăng gần 239% - đây cũng là tốc độ tăng lớn nhất trong danh sách 25 nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Không những thế, nếu xét riêng khu vực châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Theo CTCK BSC (HOSE: BSI), chính điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, dân số khá đông và trẻ, tập quán, văn hóa khi ăn uống sử dụng bia rượu trong cuộc sống hằng ngày là những lý do khiến lượng tiêu thụ bia của Việt Nam nằm trong danh sách những nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới và tăng rõ rệt trong nhiều năm qua.

Thứ hạng của Việt Nam trong top 25 quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới
Nguồn: Kirin Beer University Report Global Beer Production by Country in 2015

Trong giai đoạn 2010 – 2016, sản lượng bia – rượu – nước giải khát người Việt đã tiêu thụ liên tục tăng. Kết thúc năm 2016, sản lượng bia – rượu – nước giải khát người Việt đã tiêu thụ là 3.79 tỷ lít (báo cáo tổng kết tình hình phát triển công nghiệp và thương mại năm 2016 của Bộ Công Thương), cũng tức là trung bình mỗi người Việt uống 42 lít bia, tăng khoảng 4 lít so với năm 2015.

Sản lượng tiêu thụ bia của người Việt giai đoạn từ năm 2010 - 2016

Người chạm đỉnh lãi ròng, kẻ bết bát

Có thể nói, năm 2016 là thời điểm mà ngành bia được quan tâm nhiều nhất trong giới đầu tư khi hai “ông lớn” nắm giữ phần lớn thị phần tại Việt Nam chính thức gia nhập sàn chứng khoán là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HOSE: SAB) và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội – Habeco (HOSE: BHN) và tạo được mức tăng trưởng giá cổ phiếu ấn tượng. Theo sau đó, hàng loạt cổ phiếu bia khác cũng nhảy vào cuộc chơi như HLB, BTB, SBLSB1.

Theo dữ liệu báo cáo tài chính tổng hợp của Vietstock, tính đến thời điểm 14/02/2017 có 10/13 doanh nghiệp ngành bia trên sàn đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2016. Trong đó, không có công ty nào ghi nhận lỗ, 6 đơn vị báo lãi ròng tăng, 4 đơn vị báo lãi giảm.

Là “ông lớn” dẫn đầu thị trường bia (40%) nhưng Ban lãnh đạo Sabeco luôn nhận thức được rủi ro mất thị phần thuộc phân khúc dòng bia cao cấp khi sự cạnh tranh của các thương hiệu cả trong và ngoài nước tăng mạnh những năm gần đây, nên từ đầu năm 2016, Công ty đã thực hiện tái cấu trúc hoạt động mua bán bia. Chính động thái này đã góp phần đẩy sản lượng sản xuất và tiêu thụ Bia Sài Gòn toàn hệ thống vượt kế hoạch lần lượt 7.5% và 6%. Theo đó, Sabeco ghi nhận lãi ròng năm 2016 gần 4,500 tỷ đồng, kết quả cao nhất kể từ khi thành lập vào năm 2008 và đạt mức tăng trưởng đứng đầu ngành bia, hơn 31%. Đây là một tốc độ tăng trưởng không hề dễ dàng đối với một doanh nghiệp lớn có lợi nhuận tạo ra mỗi năm đã vào hàng ngàn tỷ đồng.

Doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp ngành bia
Tỷ đồng

Hai gương mặt khác có doanh thu trên dưới 900 tỷ đồng trong năm này là Bia Sài Gòn - Miền Trung (UPCoM: SMB) và Bia Sài Gòn - Miền Tây (UPCoM: WSB) cũng có bước tăng trưởng lãi ròng khá cao với lần lượt 104 tỷ đồng, tăng trưởng 31%, và 109 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm trước.

Điều đáng chú ý là cả hai đều có liên quan đến “ông lớn” Sabeco và cùng có được những ưu thế trong hoạt động kinh doanh dẫn đến sản lượng tiêu thụ khá ổn định nhờ thị phần của Sabeco trên thị trường khá lớn. SMB được lập nên từ việc hợp nhất 3 đơn vị Bia Sài Gòn Quy Nhơn, Bia Sài Gòn Phú Yên và Bia Sài Gòn-Đak Lak từ năm 2008. Hiện ông Bùi Ngọc Hạnh, Thành viên HĐQT Sabeco đang giữ chức Chủ tịch HĐQT tại SMB. Còn WSB được thành lập vào năm 2006, cũng trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị trực thuộc Sabeco (Bia Sài Gòn Cần Thơ và Bia Sài Gòn Sóc Trăng), SAB hiện đang nắm 51% cổ phần tại WSB.

Ngược lại, Habeco (HOSE: BHN) cũng là “ông lớn” thứ hai của ngành nhưng lại thể hiện một gam màu hoàn toàn khác. “Vận xui” đeo bám BHN với khoản lỗ ròng cổ đông công ty mẹ quý 4/2016 gần 19 tỷ đồng. Nguyên nhân là do phát sinh một khoản lỗ khác lên tới 173 tỷ đồng và khoản chi phí thuế thu nhập hiện hành cao 55 tỷ đồng dù Công ty có khoản lãi trước thuế hơn 36 tỷ đồng. Kết quả cả năm giảm hơn 18%, đạt 725 tỷ đồng lãi ròng, thấp nhất trong 5 năm qua và cũng chỉ thực hiện 85% kế hoạch.

Habeco đã có dấu hiệu đi xuống từ năm 2014 khi lãi mỗi năm giảm từ 13 – 18%. Song song đó, thị phần của Habeco trên thị trường cũng giảm dần qua các năm. Cuối năm 2015, con số này chỉ còn 18% và đã trao vị trí thứ hai cho Heineken NV (25%); Sabeco vẫn ở vị trí dẫn đầu (40%).

Hay, Bia Thanh Hóa (HNX: THB) và Bia Sài Gòn - Bạc Liêu (UPCoM: SBL) cũng nằm trong nhóm những đơn vị giảm lãi dù doanh thu thuần tăng so với năm trước. Nguyên nhân là do chi phí bán hàng và quản lý quá cao.

* Cổ phiếu bia “say” ngày Sabeco lên sàn

* Carlsberg ngần ngại khi giá cổ phiếu bia Việt tăng cao

Khắc họa gì cho tương lai ngành bia?

Theo quy hoạch phát triển ngành bia – rượu – nước giải khát Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035 đã được Bộ Công thương phê duyệt, dự kiến đến năm 2020, sản lượng bia sẽ đạt từ 4 tỷ đến 4.25 tỷ lít/năm; năm 2025 sẽ đạt khoảng 4.6 tỷ lít/năm và năm 2035 sẽ gần chạm ngưỡng 5.5 tỷ lít/năm.

Báo cáo ngành bia do CTCK BSC xuất bản tháng 10/2016 cho thấy, dân số Việt Nam - một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ bia - phần lớn trong thời kỳ dân số vàng khi độ tuổi 15 – 54 tuổi chiếm 61.9% cơ cấu, do vậy đây là một sức hấp dẫn của Việt Nam với các thương hiệu bia cả trong và ngoài nước.

Đồng thời, việc Heineken vượt mặt Habeco dành lấy vị trí thứ hai trong cuộc đua thị phần cho thấy xu hướng chuyển dịch của người tiêu dùng từ phân khúc bình dân (Habeco) sang các dòng bia cao cấp. Mặt khác, dự báo đến năm 2020, tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi lên tới 33 triệu người, tương đương khoảng 1/3 dân số đất nước (theo Trung tâm Nghiên cứu Người tiêu dùng và khách hàng của Tập đoàn tư vấn Boston – Mỹ). Với con số tăng trưởng GDP dự kiến trên 6% trong những năm tới, người tiêu dùng sẽ tăng tỷ lệ chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu nhiều hơn. Do đó, thị trường bia nói chung và phân khúc cao cấp nói riêng sẽ có nhiều tiềm năng trong tương lai.

Tuy nhiên, theo lộ trình thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), khoản thuế này đối với rượu (trên 20 độ) và bia từ năm 2016 là 5%, năm 2017 là 60% và năm 2018 là 65%. Điều này sẽ gây áp lực lớn đối với biên lợi nhuận của các công ty bia trong nước. Ở một diễn biến khác, khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EV FTA) có hiệu lực trong tương lai, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế tối đa trong vòng 10 năm đối với bia nhập khẩu từ EU dẫn đến không những giá nhập khẩu bia trong tương lai sẽ giảm mạnh mà các thương hiệu bia ngoại từ châu Âu sẽ chú ý đến thị trường Việt Nam nhiều hơn và cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng gây cấn, khốc liệt hơn.

Có thể thấy, thị trường bia các năm sắp tới đầy thử thách. Những cổ phiếu mới lên sàn như HLB, BTB, SBL, SB1 hay những kỳ cựu lâu năm WSB, SMB và kể cả các “ông lớn” như SAB, BHN cần có chiến lược phù hợp để vươn xa trong tương lai./.

Các tin tức khác

>   STG: Xin gia hạn công bố thông tin các Báo cáo tài chính năm 2017 (16/02/2017)

>   VBC: Báo cáo quản trị công ty năm 2016 (16/02/2017)

>   TKU: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (16/02/2017)

>   BCC: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (16/02/2017)

>   TVB: Báo cáo thường niên 2016 (16/02/2017)

>   VSN: Nghị quyết HĐQT (16/02/2017)

>   VKD: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (16/02/2017)

>   LAF: Kế hoạch 2017 lãi 27 tỷ, nhích nhẹ so 2016 (20/02/2017)

>   PNJ: Xin gia CBTT các BCTC quý trong năm 2017 (16/02/2017)

>   ĐHĐCĐ bất thường SAB: Ông Vũ Quang Hải chính thức bị miễn nhiệm (16/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật