Năm nào cũng phấn đấu, bao giờ Việt Nam mới vào top Asean-4 về môi trường kinh doanh?
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước Asean-4.
Được biết, năm 2015 Chính phủ phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình của các nước Asean-6 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei); năm 2016 tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước Asean-4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế.
Thế nhưng đến năm 2016, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh của Việt Nam đều chưa đạt được mức trung bình của các nước Asean-4, thậm chí trung bình Asean-6. Còn theo xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới thì thứ hạng của Việt Nam là 60, thấp hơn hầu hết các nước Asean (sau 6 nước), chỉ đứng trên Lào và Campuchia.
Năm 2017, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP lại đặt mục tiêu đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước Asean-4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh với việc bám sát tiêu chí đánh giá của Ngân hàng thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới. Cụ thể là khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới) thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.
Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, bao gồm: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày); thủ tục kết nối, thoát nước xuống còn 7 ngày; thủ tục đăng ký tài sản sau hoàn công xuống còn 20 ngày; tiếp cận điện năng không quá 35 ngày; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 20 ngày; thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp còn 30 tháng.
Đến năm 2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước Asean-4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); các chỉ số đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO) đạt trung bình Asean-5.
Về thực hiện Chính phủ điện tử (theo cách tiếp cận của Liên hợp quốc), cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm: hạ tầng viễn thông (TII), nguồn nhân lực (HCI) và dịch vụ công trực tuyến (OSI); phấn đấu đến hết năm 2017 xếp hạng thứ 80; đến năm 2020 đạt trung bình Asean-5 về điểm số và thứ hạng tối thiểu thứ 70 trên thế giới.
Phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4)./.
|