DN Nhật tăng đầu tư dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng
Khoảng 2/3 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh và có xu hướng gia tăng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng thay vì đầu tư nhiều vào sản xuất, chế tạo như trước đây.
Đây là kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương năm 2016 do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện và công bố vào ngày hôm nay, 14-2.
Theo ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM, khảo sát cho thấy có đến 66,6% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam được khảo sát cho biết có xu hướng muốn mở rộng hoạt động kinh doanh - là tỷ lệ cao nhất so với các doanh nghiệp Nhật đang đầu tư ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Đây là năm thứ hai liên tiếp khảo sát cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng muốn mở rộng hoạt động kinh doanh nhiều nhất. "Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản”, đại diện JETRO nói và phân tích có nhiều lý do quan trọng để doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, có khoảng 88% số doanh nghiệp cho biết là do doanh thu tăng; khoảng 46% nhận thấy có tính tăng trưởng, tiềm năng cao (trong khối phi chế tạo, có khoảng 63% số doanh nghiệp đồng tình với điều này); có gần 23% cho rằng có nhiều hơn mối quan hệ với các đối tác là lý do họ quyết định mở rộng hoạt động.
Khảo sát của JETRO cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam trả lời hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi chiếm trên 60% (tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2015).
Về môi trường đầu tư, khảo sát của JETRO cho thấy, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư, xếp thứ 4 (63,4%) trên tổng số 15 quốc gia về “tình hình chính trị, xã hội ổn định”. Hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi cũng đánh giá cao “quy mô thị trường, tính tăng trưởng” của Việt Nam và chi phí nhân công rẻ.
Ngoài ra, theo ông Takimoto Koji, khảo sát cũng cho thấy Việt Nam tiếp tục xếp cuối trong 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trong nội dung được hỏi là “rào cản ngôn ngữ là không đáng kể”.
Các rủi ro đầu tư ở Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá là đã cải thiện so với khảo sát năm trước, song theo JETRO, 60% doanh nghiệp lo ngại về vấn đề “chi phí nhân công tăng cao”.
Điều này dẫn đến chi phí sản xuất sẽ tăng lên nhưng đồng thời cũng giúp cho thị trường nội địa có tiềm năng hơn vì thu nhập của người dân tăng lên. Do đó, ông Takimoto Koji cho biết, khả năng các lĩnh vực sẽ được các doanh nghiệp Nhật Bản gia tăng đầu tư trong năm nay và những năm tiếp theo là các dự án sản xuất hàng tiêu dùng, dự án dịch vụ, bán lẻ…
Theo JETRO, dự án đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam trong năm 2016 tiếp tục đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 89,6%). Trong đó, dự án quy mô nhỏ dưới 1 triệu đô la Mỹ chiếm 70,8%.
Xu hướng này cũng đã xảy ra trong những năm gần đây. Cụ thể trong số 336 dự án mới của doanh nghiệp Nhật được cấp phép trong năm 2016 thì số dự án đầu tư mới ở cả ba ngành nghề gồm tư vấn, phân phối bán lẻ và CNTT chiếm đến trên một nửa. Và số lượng dự án đầu tư mới ở ngành khách sạn, ăn uống của năm qua cũng tăng gấp đôi so với năm 2015. Trong khi đó, khối sản xuất, chế tạo giảm 28 dự án so với năm trước đó.
Dù môi trường đầu tư của Việt Nam được đánh giá ngày càng có nhiều cải thiện nhưng theo kết quả khảo sát của JETRO thì doanh nghiệp Nhật vẫn cho biết có nhiều rủi ro. Cụ thể, có khoảng 50% doanh nghiệp nhìn nhận “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng pháp luật không rõ ràng”; 40% chỉ ra “thủ tục hành chính phức tạp”, “cơ chế thuế, thủ tục thuế” là những vấn đề cần phải nhanh chóng được cải thiện.
Một vấn đề được nhiều doanh nghiệp Nhật lo ngại khi đầu tư vào Việt Nam là khả năng cung ứng nội địa thấp. Khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam năm 2016 chiếm 34,2% là có tăng nhưng không đáng kể so với năm trước. Tỷ lệ này dù cao hơn Phillipines (31,6%) nhưng so với Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%), Indonesia (40,5%)… thì vẫn thấp hơn nhiều.
Người đứng đầu tổ chức JETRO tại TPHCM cho rằng dù nguồn vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam trong 3 năm qua thấp hơn những năm trước đó nhưng số dự án đầu tư thì cao hơn. Đáng chú ý số dự án đầu tư cấp phép năm 2016 (bao gồm cả cấp mới và tăng vốn) của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam đạt mức tăng kỷ lục với gần 550 dự án.
Liên quan đến việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Takimoto Koji cho rằng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam sẽ không có ảnh hưởng xấu. Theo đại diện JETRO, các doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam rất quan tâm đến các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang tham gia, nhất là Hiệp định thương mại Việt Nam – EU vì đây cũng là thị trường rất lớn.
JETRO khảo sát 10.983 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có 42,3% doanh nghiệp đưa ra trả lời hợp lệ. Có 1.285 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tham gia đợt khảo sát này, trong đó 639 doanh nghiệp đưa ra trả lời hợp lệ. Thời gian khảo sát là từ 11-10 đến 11-11-2016.
|
http://www.thesaigontimes.vn/156884/DN-Nhat-tang-dau-tu-dich-vu-san-xuat-hang-tieu-dung.html
|