Cổ phần hóa năm nay sẽ khác
Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm nay sẽ khác mọi năm khi Thủ tướng yêu cầu không để tiếp tục tình trạng cổ phần hóa nhưng tỉ lệ vốn Nhà nước bán ra ở mức thấp…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người Phát ngôn của Chính phủ cho biết hiện nay số doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 96,3% nhưng phần vốn Nhà nước bán ra rất thấp, chỉ đạt 8%, như vậy là hoàn toàn tỉ lệ ngược với số doanh nghiệp được cổ phần hóa.
Theo Bộ trưởng, chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm nay khác với mọi năm khi Thủ tướng chỉ đạo phải quyết liệt cổ phần hóa. “Trên tinh thần đó, về nguyên tắc sau khi DN cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán, đây là yêu cầu bắt buộc. Nếu DN cổ phần hóa không lên sàn thì yêu cầu các cơ quan bộ, ngành xem xét đánh giá người đứng đầu tập đoàn, DNNN”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Thứ hai, ngoài những DNNN cần nắm giữ phần vốn Nhà nước, những DN chủ đạo của nền kinh tế, những DN thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà Nhà nước phải nắm phần vốn để chỉ đạo, những DN không cần nắm giữ sẽ được bán 100%, có thể bán cả lô, bán cả gói cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần công khai minh bạch và lựa chọn theo đấu thầu tư vấn, đấu thầu cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư. Tinh thần là đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, tránh thất thoát, tránh lợi ích nhóm, tránh tiêu cực trong vấn đề cổ phần hóa DNNN.
Thủ tướng đã thành lập một Ban Chỉ đạo và trực tiếp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo việc này. Trong các phiên họp thường kỳ Chính phủ đều bàn, đưa ra vấn đề tiến độ cổ phần hóa, bán cổ phần vốn của Nhà nước nắm giữ.
Ngay trong ngày đi làm đầu tiên năm Ðinh Dậu (2/2/2017), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/2017 về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN, xác định nhiệm vụ này là một nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn 2016-2020.
Trước đó, cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 58/2016/QĐ-Ttg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải, với danh sách vừa được ban hành nói trên, định hướng trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã rõ ràng.
Các nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước một cách cụ thể, thay vì thiếu thông tin như trước đây.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), việc Thủ tướng ban hành danh mục rõ ràng như trên là một bước tiến. Trước đây, chúng ta chỉ quy định mỗi lĩnh vực giữ bao nhiêu phần trăm vốn nhà nước nhưng tới nay thì ghi rõ tỷ lệ nắm giữ tại từng doanh nghiệp. Đó là giải pháp từ trên xuống dưới và được kỳ vọng giúp tạo thay đổi về chất kể từ năm 2017 với công tác này.
Trong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo quyết liệt về công tác cổ phần hóa. Đặc biệt, Thủ tướng đã yêu cầu bán hết vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk, với tinh thần bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, theo thông lệ thị trường và bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.
Cuối năm 2016, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã chào bán thành công hơn 78 triệu cổ phần Vinamilk với giá cao hơn giá thị trường, thu về 500 triệu USD. Habeco, Sabeco cũng đã lên sàn, bước mở đầu cho quá trình tiếp tục bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này.
Đầu tháng 12/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cùng các Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020 nhằm tạo "cú hích" thúc đẩy mạnh mẽ công tác này.
http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Co-phan-hoa-nam-nay-se-khac/298050.vgp
|