Chiến lược đại dương xanh - đừng tưởng là xanh!
Cuốn sách The Blue Ocean Strategy, tạm dịch là “Chiến lược đại dương xanh” của hai tác giả W. Chan Kim và Renee Mauborgne đã làm xôn xao giới kinh doanh và học thuật. Ý tưởng chính trong cuốn sách cho rằng các công ty không nên lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trong các đại dương đỏ (nơi có quá nhiều đối thủ cạnh tranh), mà hãy tạo ra những đại dương xanh, tức những thị trường mới, nơi không có đối thủ cạnh tranh để kinh doanh.
Về mặt ý tưởng thì rất tuyệt vời, và trong thực tế, có nhiều công ty đã đi theo hướng này, né tránh cạnh tranh, tìm những “vùng đất mới”, nơi chưa có “dấu chân người” để khai phá, và giành những thành tích vang dội.
Hàng loạt sản phẩm, dịch vụ “đi tắt, đón đầu” của nhiều công ty đã thực sự tạo nên những “đại dương xanh” và bước đầu đã khẳng định vị thế mở đường, đồng thời là dẫn đầu, tăng tốc để bỏ xa những đối thủ có thể thấy hấp dẫn mà nhảy vào “ăn theo”. Ở Việt Nam ta có thể tìm thấy những công ty tìm kiếm và khai thác khá tốt các “đại dương xanh” cách đây hàng chục năm dù giờ đây các đại dương mà một số công ty đang “lặn ngụp” trong đó có nguy cơ trở thành đỏ.
Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì logic này đơn giản quá! Cứ làm gì đó chưa ai làm, cứ tạo giá trị nào đó khác biệt là chắc thắng (vì không có cạnh tranh). Thế nhưng vì sao hàng loạt công ty tạo ra các đại dương xanh, thậm chí rất xanh, vẫn thất bại thảm hại? Họ xuất hiện trong diện mạo mới lạ, đình đám, ồn ào, khác biệt, rồi biến mất hoặc sống lay lắt... Có gì nghịch lý ở đây, có gì chưa ổn ở đây?
Trên thực tế, một thị trường “không có cạnh tranh” là một sự ảo tưởng, ngộ nhận, một nhầm lẫn chết người. Không có cái gọi là “đại dương xanh” tuyệt đối xanh như nhiều người vẫn nghĩ. “Đại dương xanh” có hàm ý là những giá trị đổi mới, khác biệt, tạo bước đột phá cho cả người mua và công ty, và làm vô hiệu hóa cạnh tranh. Về mặt nào đó, rất đồng ý với hai tác giả rằng, những giá trị mới được tạo ra cho khách hàng là “đại dương xanh” (vì nó mới, chưa có ai làm), nhưng mặt khác, không nên ảo tưởng rằng một giá trị mới (dù là rất mới) sẽ là một đại dương xanh đúng nghĩa, tức không có cạnh tranh.
Hãy hình dung, một công ty xe khách (ô tô), dù có tạo ra giá trị mới khác biệt, vượt trội nào đó để không phải cạnh tranh với các công ty xe khách khác thì nó vẫn có thể mất khách vì tàu hỏa, hay máy bay. Một công ty du lịch, dù không cạnh tranh với các công ty du lịch khác (nhờ hình thức tổ chức khác biệt, tạo giá trị khác biệt nào đó) thì vẫn phải cạnh tranh với các loại hình ăn chơi, giải trí khác (ví dụ, nhà hàng, casino... vì thay vì đi chơi, người ta đi ăn uống, đánh bạc...). Một quán phở, dù không phải cạnh tranh với phở, thì vẫn có thể mất khách vì bún, miến, bánh mì, xôi xéo (thay vì ăn phở, người ta có thể ăn các món khác hay để dành tiền uống cà phê). Xe máy có thể phải cạnh tranh với điện thoại di động (vì nếu mua cái này thì hết tiền mua cái kia)...
Đó là lý do, không phải cứ khác biệt, cứ “xanh” là sẽ chắc chắn chiến thắng. Nhiều doanh nghiệp đã ảo tưởng về sự khác biệt cũng như khái niệm “đại dương xanh” nên tung ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ không giống ai, không đem lại giá trị vượt trội so với các sản phẩm dịch vụ cạnh tranh gián tiếp nên dẫn đến thất bại...
http://www.thesaigontimes.vn/157193/Chien-luoc-dai-duong-xanh---dung-tuong-la-xanh.html
|