“Ác mộng” đằng đẵng 4 năm kết thúc, đã đến lúc doanh nghiệp cao su trở lại đường đua?
Cổ phiếu ngành cao su thiên nhiên dần được quan tâm hơn khi giá cao su chuyển biến tích cực. Song việc giá cao su tăng không hỗ trợ nhiều trong kết quả kinh doanh năm 2016 của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành. Lãi ròng dẫu có cải thiện nhưng chủ yếu là nhờ yếu tố khác. Sau khoảng thời gian dài hoạt động cầm chừng, đã đến lúc các doanh nghiệp ngành này sẽ quay trở lại đường đua?
“Ác mộng” giá cao su giảm suốt 4 năm dần qua…
Lập đỉnh năm 2011, ngay sau đó quay ngoắt giảm suốt 4 năm liền và tăng trở lại khá bền vững trong năm 2016 là bức họa chung cho giá cao su thế giới từ cuối năm 2011 - 2017.
Giá cao su thế giới 2011 - 2017
|
Tình hình trong nước cũng “ngậm đắng” theo xu hướng thế giới. Sau khi giá cao su trong nước chạm đỉnh, lượng cung bắt được đà tăng và bật mạnh nhất 11% trong năm 2012 với 877 ngàn tấn cao su khai thác. Cung tăng góp phần đè giá cao su rơi sâu sau đó. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá cao su xuất khẩu rơi từ 2,794 USD/tấn (năm 2012) còn 1,333 USD/tấn vào năm 2016, giảm hơn 52%. Nên dù sản lượng xuất khẩu có tăng nhưng với giá thấp, tiền thu về từ xuất khẩu cũng lao dốc không phanh và chạm đáy 1.5 tỷ vào năm 2015.
Biểu đồ sản lượng khai thác – xuất khẩu cao su 2011 - 2016
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
|
Tuy nhiên, sau 4 năm liên tục lao dốc, ngành cao su cũng đã ghi nhận bước nhảy đầu tiên khi cao su xuất khẩu đem về gần 1.7 tỷ USD trong năm 2016. Giá mủ cao su tăng mạnh đến 94% từ 5,760 đồng/kg thời điểm đầu năm 2016 lên 11,200 đồng/kg; cao su SVR 3L tăng 92%, tại mức giá 24,900 đồng/kg leo lên 47,800 đồng/kg; cao su SVR10 từ 24,500 đồng/kg lên 44,800 đồng/kg. Giá cao su thành phẩm cũng đạt mức tăng từ 20,300 - 22,900 đồng/kg (theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
* Giá cao su tăng mạnh, cổ phiếu cao su thiên nhiên dậy sóng
* Giá cao su thế giới trên đà phục hồi
… nhưng vì sao lợi nhuận 2016 vẫn dựa vào “thu nhập khác”
Chiều hướng giá cao su thế giới dần hồi phục từ đầu năm 2016 cũng là lúc các doanh nghiệp trồng cây cao su bừng tỉnh giấc với dấu hiệu tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2016, thoát khỏi cơn ác mộng suốt 4 năm dai dẳng. Nhưng, bước tăng lãi không thực sự cao và không hưởng nhiều từ việc giá cao su đang leo thang bởi nhu cầu cao su vẫn chưa tăng nhiều. Trái với lợi nhuận, doanh thu thuần của cả 5 công ty niêm yết trong ngành cùng sụt giảm trong năm 2016 vừa qua.
Có mức doanh thu giảm mạnh nhất (gần 30%) nhưng lại ghi nhận lãi ròng nhảy vọt trong năm 2016 là Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC). Chính giá vốn thấp và doanh thu từ hoạt động tài chính gấp hơn 4 lần năm trước đã giúp TNC chuyển bại thành thắng với bước tăng lãi đến 75%, hơn 22.5 tỷ đồng lãi ròng.
Cũng nhờ nguồn thu ngoài hoạt động cốt lõi, Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) tăng trưởng lợi nhuận với tỷ lệ 32%, tương ứng lãi ròng tăng từ 55 tỷ lên 72 tỷ đồng, bất chấp doanh thu sụt giảm. Đây cũng là mức tăng trưởng lợi nhuận xếp vị trí thứ hai trong ngành. Được biết, nguồn thu này phát sinh chủ yếu từ việc thanh lý tài sản cố định với lãi gần 39 tỷ đồng.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp ngành cao su thiên nhiên
Tỷ đồng
|
Câu chuyện đối nghịch tăng trưởng doanh thu – lợi nhuận cũng xuất hiện tại hai ông lớn Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) và Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR). PHR ghi nhận doanh thu đạt 1,178 tỷ đồng và lãi ròng 217 tỷ đồng, lần lượt giảm 4% và tăng 2.3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, cả hai chỉ tiêu này đều vượt xa kế hoạch năm đã đặt ra. Vấn đề tại PHR là 65% diện tích vườn cây khai thác lại thuộc nhóm 3 (nhóm cây già, mật độ cây cạo ít và năng suất thấp) nên PHR đã tiến hành thanh lý hơn 512.85 ha cao su trong năm 2016. Trong khi đó, diện tích mới đưa vào khai thác là 768.83 ha vẫn chưa đủ mạnh để cung cấp và bù đắp lại chi phí, dẫn đến sản lượng vẫn tiếp tục giảm.
Ngoài con đường truyền thống, những năm gần đây, PHR cũng xúc tiến kinh doanh lĩnh vực mới là cho thuê đất ở khu công nghiệp Tân Bình và mang về hơn 247 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện. Bên cạnh đó, Công ty cũng đẩy mạnh đầu tư tài chính ngắn hạn với con số cuối kỳ gấp gần 3 lần đầu năm, hiện hơn 532 tỷ đồng.
Tại Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR), sản lượng khai thác và tiêu thụ tiếp tục giảm, doanh thu DPR chỉ dừng lại ở mức 852 tỷ đồng, may mắn không bị giảm nhiều như những năm trước nhưng vẫn không tăng trưởng dù giá cao su bình quân cao hơn năm trước (32.5 triệu đồng/tấn). Kết thúc năm, lãi ròng tăng nhẹ, đạt gần 160 tỷ đồng, do giá vốn thấp và các khoản chi phí tài chính, bán hàng, quản lý được cắt giảm.
Lãi ròng năm 2015 và 2016 của các doanh nghiệp cao su
Tỷ đồng
|
Trượt khỏi xu hướng chung, Cao su Hòa Bình (HRC) không những có doanh thu giảm 10% mà lãi ròng còn giảm mạnh đến 69%, chỉ còn 9.3 tỷ đồng. Chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao và không phát sinh thu nhập từ thanh lý vườn cao su như năm trước.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên khi so với kế hoạch năm thì không chỉ “xuất sắc” vượt mà còn bỏ xa các chỉ tiêu đề ra. Vì, những con số kế hoạch khai thác và tài chính đặt ra thấp, tại thời điểm giá cao su đang chạm đáy đầu năm 2016 thì hầu hết doanh nghiệp vẫn còn trong trạng thái dè chừng việc giá sẽ tiếp tục giảm và sự biến chuyển phức tạp của hiện tượng El Nino.
Giá cổ phiếu đã chạy và sẽ còn bật tăng nữa?
Trước đà tăng của giá cao su thiên nhiên cùng kết quả kinh doanh khởi sắc, giá cổ phiếu các doanh nghiệp thuộc ngành này đã có bước chuyển mình rõ nét. Tiêu biểu như PHR, giá giao dịch chỉ quanh 16,000 đồng/cp ở thời điểm đầu năm, nhưng nay đã leo lên tới 32,000 đồng/cp, tăng hơn 96%. Tương tự với TRC, bước tăng gần 57% từ con số 20,000 lên 31,000 đồng/cp. Cổ phiếu đang cao nhất ngành như DPR cũng tăng từ 33,000 đồng/cp lên 45,500 đồng/cp.
Diễn biến giá các cổ phiếu ngành cao su 12 tháng qua
|
Theo báo cáo của CTCK BSC (HOSE: BSI) xuất bản đầu năm 2017, cùng với nhu cầu sản xuất ô tô tăng cao, lượng tiêu thụ cao su được dự báo sẽ tăng trưởng tập trung ở các quốc gia đang phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương như Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ. Thêm nữa, giá dầu hiện được các tổ chức lớn dự báo sẽ có mức tăng tương đối trong năm 2017. Do đó, giá cao su theo dự báo của tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) có thể tăng nhẹ trong 3 năm tới, nhưng sẽ chưa vượt mốc 1.7 USD/kg.
Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ cao su ở Trung Quốc lại có nguy cơ sụt giảm trong giai đoạn 2017 – 2020, do Chính phủ nước này cắt giảm sản xuất săm lốp xe và áp dụng các yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn sản xuất dưới ảnh hưởng của các yếu tố môi trường. Vì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn của Việt Nam, chiếm gần 60% thị phần trong năm 2016, nên ắt hẳn thị trường trong nước sẽ gặp khó khăn dù giá cao su thế giới được dự báo tăng trưởng.
BSI nhận định thử thách vẫn còn đó, nhưng ít nhất với tín hiệu tiếp tục tăng của giá cao su thế giới, các doanh nghiệp trong ngành nhiều khả năng sẽ mở rộng quỹ lương cho người lao động nhằm kích thích năng suất sản xuất, đồng thời gỡ bỏ dần các biện pháp cắt giảm chi phí ở giai đoạn trước đây, để hồi phục khả năng sản xuất, đẩy mạnh sản lượng và đủ năng lực quay trở đường đua./.
|