Thứ Bảy, 14/01/2017 09:00

Sắp xếp lại DNNN giai đoạn 2016-2020 sẽ đi đến đâu?

Ngày 28-12- 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.

Theo quyết định mới, Nhà nước vẫn nắm giữ 100% vốn điều lệ của 13 doanh nghiệp trong ngành xuất bản. Ảnh: UYÊN VIỄN

So với quyết định 37/2014/QĐ-TTg về cùng vấn đề, Quyết định 58/2016/QĐ-TTg thể hiện quyết tâm sắp xếp lại DNNN theo đúng tinh thần mục III, nội dung 2.3 của Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12, thể hiện ở hai điểm lớn:

Thứ nhất, nếu như Quyết định 37/2014/QĐ-TTg không có danh mục các DNNN phải thoái vốn thực sự, không còn nắm giữ quyền chi phối, thì Quyết định 58/2016/QĐ-TTg đã đưa ra bốn danh mục, trong đó danh mục thứ tư yêu cầu 106 DNNN phải thoái vốn, Nhà nước chỉ còn nắm giữ dưới 50% vốn; điều này có nghĩa các thành phần kinh tế tư nhân có cơ hội thế chân, kiểm soát các DNNN theo đúng quy luật của kinh tế thị trường và đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 nêu trên:

“Xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế để khu vực kinh tế này thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, một lực lượng nòng cốt trong hội nhập kinh tế quốc tế”.

Thứ hai, thay vì chỉ nêu tiêu chí chung chung như trong Quyết định 37/2014/QĐ-TTg, Quyết định 58/2016/QĐ-TTg đã nêu đích danh tên 240 doanh nghiệp, chia thành bốn danh mục và sắp xếp theo cơ quan chủ quản, bên cạnh sắp xếp theo ngành, lĩnh vực. Điều này có nghĩa, địa chỉ tái cơ cấu, sắp xếp đã rất rõ ràng; trách nhiệm của cơ quan chủ quản cũng đã được nêu đích danh. Song song với sự quyết liệt này, là chế độ báo cáo, theo đó: Trước ngày 15-4 hàng năm, báo cáo kết quả sắp xếp DNNN năm trước và kế hoạch thực hiện năm báo cáo trong phạm vi phụ trách, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, khi nhìn lại những trở lực từ lợi ích nhóm mà suốt 20 năm thực hiện chủ trương cổ phần hóa DNNN, sẽ thấy đây là vấn đề rất khó. Để thực hiện thành công Quyết định 58/2014/QĐ-TTg, cần thêm nhiều giải pháp cụ thể, bởi các lý do sau:

Để thực hiện thành công Quyết định 58/2014/QĐ-TTg, cần thêm nhiều giải pháp cụ thể.

Vẫn còn quá nhiều ngoại lệ, đặc thù.

- Ðó là: (a) Công ty nông, lâm nghiệp; doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Công ty Mua bán nợ Việt Nam; Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; công ty thủy nông không nằm trong danh mục các doanh nghiệp chịu sự sắp xếp của Quyết định 58/2016/QĐ-TTg; (b) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong trường hợp không có doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng và mức phí dịch vụ hợp lý; (c) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế; những trường hợp đặc thù, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, phục vụ chiến lược phát triển ngành, tập đoàn kinh tế (như quản lý, khai thác cảng biển; trường hợp Nhà nước nắm giữ 36% vốn điều lệ và các trường hợp đặc thù khác).

- Câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản nếu vi phạm.

Ngoài chế độ báo cáo hàng năm, thì hiện nay chưa có chế tài kỷ luật nào áp dụng đối với người đứng đầu DNNN, đứng đầu cơ quan chủ quản nếu họ không bảo đảm tiến độ của Quyết định 58/2016/QĐ-TTg.

Nên chăng, đặt ra thủ tục xem xét kỷ luật cách chức người đứng đầu DNNN, kỷ luật khiển trách người đứng đầu cơ quan chủ quản nếu không tuân thủ tiến độ sắp xếp và người có quyền đề xuất miễn trừ trách nhiệm kỷ luật cho hai đối tượng này chỉ là Thủ tướng.

Liên quan đến chất lượng của việc sắp xếp, trong 240 DNNN thuộc diện phải tái cơ cấu, sắp xếp, thì Nhà nước chỉ thực sự rút lui vai trò chi phối doanh nghiệp đối với 106 doanh nghiệp thuộc danh mục thứ 4. Đối với 134 DNNN còn lại Nhà nước vẫn nắm cổ phần, phần vốn góp chi phối (trên 51%). Bởi vậy, chất lượng quản trị doanh nghiệp ở các doanh nghiệp này sẽ không có gì đột phá. Ngay cả đối với trường hợp 106 DNNN thuộc diện Nhà nước phải thoái vốn về dưới 50%, nếu những cổ đông còn lại vẫn là các DNNN mua chéo cổ phần lẫn nhau, thì chất lượng quản trị doanh nghiệp, chất lượng dòng vốn, công nghệ sẽ không có gì thay đổi và thậm chí còn tệ hơn so với trước khi sắp xếp nếu nhìn từ góc độ sở hữu chéo, kiểm toán, kế toán, nguy cơ sụp đổ dây chuyền...

Nên chăng, cần ban hành văn bản giải thích rõ, từ “Nhà nước” trong hoạt động thoái vốn ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm từ các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị - xã hội có sử dụng ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp mà các cơ quan tổ chức nêu trên nắm giữ cổ phần, phần vốn góp chi phối... sẽ không được tham gia mua lại phần vốn góp từ việc thoái vốn từ các DNNN nêu trên. Hoặc cô đọng ngắn gọn hơn, mạnh mẽ hơn, đặt ra điều cấm: tất cả cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; các đơn vị sự nghiệp công lập; các doanh nghiệp mà hai nhóm cơ quan tổ chức nêu trên nắm giữ cổ phần, phần vốn góp chi phối sẽ không được tham gia mua lại phần vốn từ các đợt thoái vốn nhà nước; không được góp vốn sở hữu chéo lẫn nhau.

http://www.thesaigontimes.vn/155957/Sap-xep-lai-DNNN-giai-doan-2016-2020-se-di-den-dau.html

Các tin tức khác

>   Thêm một người trúng vé số Vietlott 17 tỷ đồng (13/01/2017)

>   Truy tố nguyên đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga (13/01/2017)

>   Thành lập BCĐ Trung ương về cải cách chính sách tiền lương (13/01/2017)

>   Thêm một công ty đa cấp bị tước giấy phép (13/01/2017)

>   Chấm dứt hoạt động Công ty đa cấp Liên minh tiêu dùng Việt Nam (13/01/2017)

>   Hà Nội: Giá dịch vụ nhà chung cư cao nhất 16,500 đồng/m2/tháng (13/01/2017)

>   Thương mại Việt - Nhật hướng tới mục tiêu 60 tỷ USD vào năm 2020 (13/01/2017)

>   Những đòi hỏi ngược dòng cải thiện môi trường kinh doanh (13/01/2017)

>   Mỹ siết chặt thủy sản nhập khẩu (13/01/2017)

>   VHC có nguy cơ mất 58,800 USD tiền hàng bán cho DN ngoại (13/01/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật