Thứ Tư, 11/01/2017 14:09

Sắp xếp DNNN: Sao vẫn cứ dùng dằng?

Chính phủ vừa ban hành Quyết định về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg.

Nhà nước vẫn nắm giữ 50-65% vốn điều lệ của Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam, trong khi đến nay ngành bán buôn lương thực đã được tự do hóa khá nhiều. Ảnh: T.L

Quyết định này có một số điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, trong số 103 DNNN mà Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ, có một số doanh nghiệp mà nếu căn cứ theo tên gọi thì khó có thể hiểu tại sao Nhà nước phải nhất thiết nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Những doanh nghiệp này gồm 13 doanh nghiệp trong ngành xuất bản, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ hải sản Biển Đông, và Công ty TNHH một thành viên Yến Sào Khánh Hòa.

Nếu nói là vì mục đích đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trong lĩnh vực văn hóa, xã hội... thì Nhà nước có thể giữ lại một vài trong số 13 nhà xuất bản này là quá đủ. Nhưng, trên hết, tất cả nhà xuất bản này đều đã và đang phải hoạt động theo các định hướng chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của các cơ quan chức năng, khó có chuyện “chệch hướng”, nên việc Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cho mục đích này là không thỏa đáng.

Còn nếu vì mục đích lợi nhuận thì cũng không thuyết phục lắm. Ngoại trừ một số nhà xuất bản có thể được hưởng lợi từ độc quyền in ấn một số loại sách nào đó (ví dụ như Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam in sách giáo khoa) và Nhà nước cần thiết phải giữ lấy để đảm bảo lợi nhuận độc quyền không chảy vào “túi” của các ông chủ tư nhân, các nhà xuất bản còn lại cũng phải cạnh tranh gay gắt với nhau và với cả các nhà xuất bản nước ngoài (qua hoạt động nhập khẩu các ấn phẩm), dẫn đến chỉ có một số rất nhỏ nhà xuất bản báo lãi (1). Bởi vậy, việc Nhà nước tiếp tục nắm giữ hoàn toàn các nhà xuất bản trên suy cho cùng sẽ cản trở họ trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cổ phần hóa.

Hơn nữa, kể cả với mục đích nắm giữ lợi nhuận độc quyền, Nhà nước cũng không nhất thiết phải sở hữu 100% các nhà xuất bản vì Nhà nước có thể tổ chức đấu thầu và đặt hàng nhà xuất bản với giá thành cạnh tranh nhất, tức là đem lại chi phí thấp nhất cho ngân sách. Ngoài ra, về logic, cả nước hiện có nhiều hơn 13 nhà xuất bản nhà nước nêu trên, nên sẽ là điều bất hợp lý nếu giữ 100% sở hữu nhà nước với 13 nhà xuất bản này mà không phải là những nhà xuất bản nhà nước khác.

Ba ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, gồm Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, và Ngân hàng Đại Dương nằm trong số 103 doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ, ít nhất là trong giai đoạn 2016-2020.

Với hai công ty quản lý và phát triển nhà ở Hà Nội và Hải Phòng, công ty hải sản và công ty yến sào, cũng khó đưa ra lý do thuyết phục tại sao lại chỉ giữ 100% sở hữu nhà nước trong những công ty này mà không phải là các công ty tương tự ở các tỉnh thành trên cả nước. Trên hết, cần làm rõ hơn lợi ích thiết thực của việc sở hữu nhà nước 100% trong những công ty này khi mà sự tham gia của khu vực tư nhân chắc chắn sẽ đem lại nhiều cải thiện về hiệu quả và chất lượng hoạt động hơn.

Điểm đáng chú ý thứ hai trong quyết định về phân loại DNNN nêu trên là việc Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ của 27 doanh nghiệp. Trong số 27 doanh nghiệp này có hai doanh nghiệp bán buôn lương thực (Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam), một doanh nghiệp cà phê (Tổng công ty Cà phê Việt Nam), chín doanh nghiệp khác trong các lĩnh vực như môi trường, thoát nước, công viên, thủy sản...

Với hai doanh nghiệp trong ngành bán buôn lương thực, cần lưu ý rằng ngành này đã được tự do hóa khá nhiều. Bằng chứng là mới đây Bộ Công Thương đã bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo với nhiều quy định bị phàn nàn là gây khó doanh nghiệp. Nói cách khác, vai trò quản lý và can thiệp của Nhà nước trực tiếp thông qua các DNNN trong ngành này ngày càng được tiết giảm. Bởi vậy, việc Nhà nước tiếp tục nắm giữ sở hữu chi phối trong hai doanh nghiệp bán buôn lương thực này xem ra là không cần thiết.

Quan trọng hơn, hiệu quả và chất lượng hoạt động của hai doanh nghiệp này là điều đáng bàn. Ví dụ, Tổng công ty Lương thực miền Nam được chỉ ra là một trong những DNNN làm ăn kém hiệu quả và gặp khá nhiều bê bối thời gian qua với con số thua lỗ ghi nhận lên tới hàng ngàn tỉ đồng (2). Do đó, việc Nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối trong những doanh nghiệp như thế này vừa không mang lại luồng sinh khí mới cần thiết để vực dậy doanh nghiệp, vừa tiếp tục nguy cơ làm thâm thủng thêm ngân sách khi vẫn phải rót vốn hoặc chịu lỗ với tư cách là một cổ đông (chi phối) sau cổ phần hóa.

Với Tổng công ty Cà phê Việt Nam và chín doanh nghiệp còn lại, cũng là khó hiểu khi tại sao Nhà nước lại nắm giữ cổ phần chi phối như vậy, trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác, nhất là trong lĩnh vực môi trường, đô thị, cấp thoát nước, công viên... Nhà nước lại chỉ giữ dưới 50% vốn điều lệ (trong số 106 doanh nghiệp nhà nước sẽ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, theo quyết định về phân loại DNNN nêu trên).

Tất nhiên, trên đây chỉ là những ví dụ về sự bất hợp lý về phân loại DNNN và danh mục DNNN sắp xếp giai đoạn 2016-2020. Nếu phân tích kỹ hơn từng trường hợp thì có thể sẽ thấy vấn đề tương tự với một số DNNN khác.

Điểm đáng chú ý thứ ba là ba ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, gồm Ngân hàng Dầu khí toàn cầu, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, và Ngân hàng Đại Dương nằm trong số 103 doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ, ít nhất là trong giai đoạn 2016-2020. Điều này chứng tỏ các cơ quan chức năng chưa có kỳ vọng sẽ sớm “trả lại” cho thị trường ba ngân hàng này, ít nhất là trong vòng mấy năm tới. Nói cách khác, quá trình tái cơ cấu và vực dậy các ngân hàng này dường như vẫn sẽ còn khó khăn, trắc trở, có khả năng kéo dài trong nhiều năm nữa. Cũng không loại trừ khả năng nhà chức trách đang tính đến những phương án tái cơ cấu “đau đớn” khác với các ngân hàng này, ví dụ như cho phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc tiếp tục sáp nhập...

http://www.thesaigontimes.vn/155945/Sap-xep-DNNN-sao-van-cu-dung-dang.html

Các tin tức khác

>   Cảnh báo lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế (11/01/2017)

>   Cục trưởng Hàng không: Các chuyến bay đêm còn chưa kịch khung (11/01/2017)

>   Hà Nội: Phấn đấu có 500 doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2030 (11/01/2017)

>   Bộ Công Thương đồng ý ông Vũ Quang Hải tiếp tục làm việc tại Sabeco (11/01/2017)

>   TPHCM: Chuẩn bị đấu thầu xây dựng Trung tâm Kinh doanh hương liệu, hóa chất (11/01/2017)

>   Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải có 200 tỉ đồng (11/01/2017)

>   Nâng cao thương hiệu du lịch quốc gia (10/01/2017)

>   Cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện (10/01/2017)

>   Xử lý nghiêm sai phạm trong kiểm tra sản phẩm xúc xích Vietfoods (10/01/2017)

>   Samsung muốn rót thêm 2,5 tỷ USD vào Bắc Ninh (10/01/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật