Thứ Tư, 04/01/2017 11:05

Ngành ngân hàng – 1 năm nhìn lại

Năm 2016 đã đi qua với nền kinh tế đạt được một số kết quả khả quan và vĩ mô tiếp tục duy trì sự ổn định. Đối với hoạt động ngân hàng, năm qua chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc khi quá trình tái cấu trúc ngành tiếp tục diễn ra, tuy nhiên hoạt động ngân hàng dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn đảm bảo mức độ ổn định và niềm tin vào hệ thống.

Thanh khoản hệ thống dồi dào, huy động vốn tăng trưởng tốt hơn so với tín dụng

Với hoạt động huy động vốn tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi đầu ra tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, năm 2016 là một trong những năm hiếm hoi mà thanh khoản hệ thống ngân hàng luôn duy trì ở mức độ dồi dào. Theo Tổng cục thống kê, tăng trưởng huy động vốn đến 20/12 đạt 16.9%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng là 16.46%. Huy động vốn đã luôn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn cho vay suốt từ đầu năm đến nay nên đã giúp thanh khoản của toàn hệ thống không phải chịu quá nhiều áp lực, ngay cả thời điểm về cuối năm như những năm trước.

Trong tình hình nguồn vốn dư thừa, các ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư vào thị trường trái phiếu để tối ưu hóa việc sử dụng vốn. Với các phiên đấu thầu có lượng đặt thầu cao hơn nhiều so với giá trị gói thầu đã giúp đẩy lợi suất trên thị trường trái phiếu Chính phủ liên tục đi xuống, dẫn đến Kho bạc Nhà nước đã có 2 lần điều chỉnh tăng kế hoạch phát hành trong năm nay và vẫn đạt được tiến độ kế hoạch năm.

Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, lợi suất trên thị trường trái phiếu Chính phủ đi xuống và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, mặt bằng lãi suất huy động trong năm về tổng thể cũng đã có giảm so với giai đoạn đầu năm nay.

Ngoài ra, năm 2016 cũng chứng kiến lãi suất liên ngân hàng rớt về mức thấp kỷ lục trong những năm qua, đặc biệt là duy trì trong suốt một thời gian từ đầu quý 3 đến nửa đầu quý 4/2016, do thanh khoản của các ngân hàng luôn dư thừa khiến nhu cầu vay mượn trên thị trường là rất thấp. Về cuối năm mặc dù lãi suất liên ngân hàng có tăng trở lại do áp lực cầu vốn tăng lên tuy nhiên nhìn chung vẫn khá ổn định nếu so với các năm trước đây.

Mặt bằng lãi suất ổn định và có giảm so với đầu năm

Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, lợi suất trên thị trường trái phiếu Chính phủ đi xuống và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, mặt bằng lãi suất huy động trong năm về tổng thể cũng đã có giảm so với giai đoạn đầu năm nay. Mặc dù trong giai đoạn tháng 6 đến tháng 8 lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tăng lên để đáp ứng thông tư 06/2016/TT-NHNN ban hành vào cuối tháng 5 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, theo đó đã có sự thay đổi đáng kể về cách tính các thông số đầu vào cấu thành nên tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn, khiến tỷ lệ này tại nhiều ngân hàng tăng đột biến dẫn đến phải tăng lãi suất để thu hút huy động vốn.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tháng 9 - tháng 10 hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống, theo sau quyết định đồng loạt giảm mạnh lãi suất tiền gửi của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh vào ngày 26/9. Nguyên nhân ngoài việc huy động tăng trưởng mạnh mẽ so với dư nợ cho vay, trong đó nhờ dòng tiền USD chuyển sang VNĐ gửi ngân hàng khi trần lãi suất USD đã về 0%, trong khi hoạt động tín dụng bị hạn chế sau hàng loạt công văn nhắc nhở của NHNN từ cuối tháng 8 đến tháng 9, như thông báo kiểm soát vốn rót vào các dự án BOT, BT, cảnh báo cho vay các dự án bất động sản của một số chủ đầu tư lớn, yêu cầu ngừng cho vay tuần hoàn… khiến nguồn vốn của các ngân hàng tiếp tục trở nên dư thừa.

Về lãi suất cho vay, mặc dù chưa giảm xuống mức như kỳ vọng của giới doanh nghiệp, tuy nhiên trong năm qua cũng đã có 2 đợt giảm lãi suất cho vay đáng chú và vào tháng 5 và tháng 10, khởi đầu từ các NHTM nhà nước và theo sau là một số ngân hang TMCP. Tuy nhiên mặt bằng chung thì lãi suất cho vay như đã nói vẫn còn giảm chậm so với kỳ vọng và so với mức độ giảm của lãi suất huy động bình quân, do các ngân hàng vẫn gặp khó khăn với công cuộc xử lý nợ xấu, tiến độ xử lý các khoản vay có vấn đề cũng như nợ đã bán cho VAMC khá chậm, nên các ngân hàng này có động lực duy trì lãi suất cho vay ở mức cao để bù đắp lợi nhuận bị mất đi từ các khoản nợ xấu, cũng như chi phí vốn cho các tài sản không sinh lời lớn đang bị treo ở các khoản phải thu.

Hoạt động tăng vốn tiếp tục khó khăn và chính sách chia cổ tức tại một số NHTM Nhà nước bị phản đối

Thời điểm đầu năm, có gần 20 ngân hàng đặt kế hoạch tăng vốn trong năm 2016, nhằm nâng cao năng lực tài chính và mở rộng hoạt động kinh doanh, khi hiện nay có khá nhiều chỉ tiêu giới hạn được tính toán theo vốn tự có của ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả tăng vốn điều lệ của các ngân hàng đã không đạt được như kỳ vọng, khi mà ngành ngân hàng vẫn đang chật vật với bài toán nợ xấu và hiệu quả kinh doanh giảm sút nhiều so với giai đoạn trước đây.

Ngoài ra, công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng nói chung và các TCTD yếu kém nói riêng đã khiến các cổ đông, những nhà đầu tư, những đối tác chiến lược e ngại khi rót thêm vốn vào ngân hàng, mặc dù NHNN cũng nhiều lần đề cập đến việc thu hút dòng vốn nước ngoài tham gia vào công cuộc tái cơ cấu các ngân hàng. Trong năm qua cũng tiếp tục chứng kiến nhiều vụ khởi tố liên quan đến hoạt động ngân hàng và câu chuyện cho phép “phá sản ngân hàng” lại một lần nữa trở thành đề tài nóng trong kỳ họp Quốc Hội cuối năm.

Với kết quả tăng vốn điều lệ khó khăn và không đạt như kỳ vọng, một số ngân hàng đã lựa chọn giải pháp tăng vốn cấp 2 bằng cách phát hành trái phiếu như VCB, ACB, BIDV,…Với lãi suất trái phiếu khá hấp dẫn đã giúp các đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng khá thành công so với việc phải tăng vốn cấp 1. Trong bối cảnh phải sớm đáp ứng các tiêu chuẩn mới của Basel 2, việc tăng vốn tự có luôn là lộ trình tất yếu và cần thiết, do đó khi khó có thể tăng nhanh được vốn cấp 1 thì khả năng nhiều ngân hàng có thể lựa chọn tăng vốn cấp 2 trong thời gian tới, nhất là nhóm 10 ngân hàng đầu tiên được chọn thí điểm áp dụng Basel 2.

Cổ phiếu ngân hàng thời gian qua không còn hấp dẫn một phần cũng đến từ chính sách chia cổ tức quá thấp hoặc thậm chí không chia qua nhiều năm của các ngân hàng. Với lợi nhuận đi xuống trong khi nhu cầu tăng vốn luôn là đòi hỏi cấp thiết khiến nhiều ngân hàng buộc phải giữ lại lợi nhuận để dành cho các đợt tăng vốn hoặc chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, trong năm qua đã chứng kiến sự phản ứng gay gắt từ Bộ tài chính vốn là cổ đông lớn của 2 NHTM quốc doanh BIDV và Vietinbank khi 2 ngân hàng quyết không chia cổ tức bằng tiền mặt. Sau các cuộc trang luận thì vào thời điểm cuối năm BIDV và Vietinbank cũng đồng ý với lựa chọn chi trả cổ tức bằng tiền mặt trước áp lực của nguồn thu ngân sách./.

Các tin tức khác

>   Đại án 9.000 tỉ đồng: Bản chất khoản vay mượn ngàn tỉ là gì? (30/12/2016)

>   Vietcombank, VietinBank và BIDV có vượt rào cho vay? (30/12/2016)

>   Cuối năm, vàng tiếp tục trầm lắng (30/12/2016)

>   “Xuân trao gửi, Tết yêu thương” với nhiều quà tặng tại NamABank (30/12/2016)

>   Đại án 9.000 tỉ đồng: Phạm Công Danh 'né' câu hỏi của tòa (30/12/2016)

>   Nới mức cho vay tối đa lên 90% so với tổng tiền gửi với 3 ngân hàng (29/12/2016)

>   Đại án Phạm Công Danh: 9.000 tỉ đồng thất thoát đi đâu, về đâu? (29/12/2016)

>   Quy định mới về các tỷ lệ khoản thu của VAMC (29/12/2016)

>   Giằng co lợi ích kéo dài chuyện trần lãi vay? (29/12/2016)

>   Năm 2017 phải điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô, tiền tệ (29/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật