Thứ Bảy, 21/01/2017 15:51

Ma trận tài khoản vốn

Tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn phúc đáp Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc góp ý Dự thảo Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 6, theo đó NHNN từ chối bãi bỏ các quy định yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài thanh toán chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.

Việc chuyển tiền góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ không thể được đơn giản hóa mặc dù quy định về vấn đề này đã được sửa đổi trong Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Như vậy, trái với kỳ vọng của nhà đầu tư và doanh nghiệp, việc chuyển tiền góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ không thể được đơn giản hóa mặc dù quy định về vấn đề này đã được sửa đổi trong Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014.

Chồng chéo quy định

Quy định về tài khoản vốn của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay khá phức tạp và thiếu thống nhất.

Theo quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay, cụ thể là Thông tư 05/2014/TT-NHNN và Thông tư 19/2014/TT-NHNN, có hai loại tài khoản vốn liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài là tài khoản vốn đầu tư gián tiếp và tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Theo đó, tài khoản vốn đầu tư gián tiếp là tài khoản thanh toán bằng tiền đồng do nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi được phép liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng tiền đồng do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh mở tại một ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp. Như vậy, hiểu một cách đơn giản, tài khoản vốn đầu tư gián tiếp là tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, dành riêng cho hoạt động đầu tư gián tiếp còn tài khoản vốn đầu tư trực tiếp là tài khoản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dành cho hoạt động đầu tư trực tiếp.

Tuy nhiên, khái niệm về vốn đầu tư gián tiếp và vốn đầu tư trực tiếp đã bị loại bỏ hoàn toàn trong Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014. Theo quy định mới, việc thanh toán mọi hoạt động mua, bán, chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp và nhận cổ tức của nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện thông qua tài khoản vốn của nhà đầu tư đó mở tại ngân hàng ở Việt Nam. Trong trường hợp chuyển tiền góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (bất kể đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp), nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần chuyển tiền thông qua tài khoản vốn của nhà đầu tư đó là đáp ứng điều kiện đặt ra.

Thay vì đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản dưới luật về quản lý ngoại hối thì NHNN lại đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014. Đây là đề xuất không phù hợp với tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy, có sự khác biệt giữa thông tư và luật về vấn đề này. Xét theo thứ tự áp dụng văn bản pháp luật, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 ra đời sau Thông tư 05 và Thông tư 19, mặt khác, nếu có sự khác biệt trong quy định của luật và các văn bản dưới luật thì áp dụng theo luật, thì một cách hợp lý, quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà đầu tư vẫn bị yêu cầu thực hiện theo quy định cũ, và phúc đáp nói trên của NHNN là sự xác nhận chính thức của NHNN đối với nhà đầu tư về vấn đề này.

Gánh nặng cho nhà đầu tư

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2005 (cũ), và Pháp lệnh Ngoại hối 2005 (sửa đổi, bổ sung 2013), trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần gắn liền với việc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp được hiểu là hoạt động đầu tư trực tiếp. Theo đó, việc chuyển tiền phải thực hiện qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tại không có quy định nào về cơ chế chuyển tiền thanh toán của nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư trực tiếp thông qua tài khoản vốn đầu tư gián tiếp.

Do đó, trên thực tế, để đảm bảo việc đáp ứng toàn bộ các quy định, bao gồm cả Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, Pháp lệnh Ngoại hối, Thông tư 05 và Thông tư 19, nhà đầu tư thường chuyển tiền theo đường vòng như sau: nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại Việt Nam, tiền từ đây được chuyển vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp, sau đó mới chuyển cho bên bán tại Việt Nam. Theo quy trình này thì việc chuyển tiền hết sức phức tạp, khó khăn, cần cung cấp nhiều tài liệu và mất phí chuyển tiền nhiều lần. Trong khi đó, việc chuyển tiền cũng không hoàn toàn tuân thủ quy định pháp luật bởi lẽ tài khoản vốn đầu tư gián tiếp chỉ dùng riêng cho mục đích đầu tư gián tiếp, như vậy việc sử dụng tài khoản đã sai mục đích theo Thông tư 05.

Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đòi hỏi doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đầu tư, giấy này đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật Đầu tư 2005. Hiện tại giấy chứng nhận đầu tư đã không còn, thay vào đó là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Luật Doanh nghiệp 2014) và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Luật Đầu tư 2014). Do đó, để mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp bắt buộc phải nộp cả hai giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong khi đó, theo Luật Đầu tư 2014, việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51% vốn điều lệ và chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp không nằm trong trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Do vậy, trong trường hợp này mặc dù là đầu tư trực tiếp theo Thông tư 19 nhưng doanh nghiệp lại không thể mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và nhà đầu tư không thể chuyển tiền thanh toán.

Cần sửa cái gì?

Theo NHNN, mục đích của tài khoản vốn trực tiếp nhằm quản lý hành chính và phục vụ hoạt động thống kê đối với các giao dịch chuyển vốn vào/ra liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Tuy nhiên, những lợi ích này cần phải được cân nhắc trong mối quan hệ so sánh với những khó khăn mà nhà đầu tư và doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt khi tiếp tục duy trì những quy định phức tạp trên.

Để tránh sự chồng chéo giữa Luật Doanh nghiệp 2014 và pháp luật về quản lý ngoại hối, NHNN đề xuất chỉnh sửa Luật Doanh nghiệp 2014 theo hướng yêu cầu việc thanh toán hoạt động mua, bán, chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp và nhận cổ tức của nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Như vậy, thay vì đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản dưới luật về quản lý ngoại hối thì NHNN lại đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014. Đây là đề xuất không phù hợp với tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

... Đọc tiếp tại đây

Các tin tức khác

>   Xu hướng cạnh tranh mới trong ngành ngân hàng (21/01/2017)

>   Ngân hàng 0 đồng sẽ vào “tầm ngắm” tái cơ cấu (21/01/2017)

>   Thêm 6 khách hàng trúng giải đặc biệt chương trình “Xài thả ga - Trúng Vespa" của Sacombank (21/01/2017)

>   Sacombank lọt vào Top 50 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (21/01/2017)

>   Vietcombank: Lãi ròng 2016 tăng 28% đạt 6,825 tỷ, EPS đạt 1,897 đồng (21/01/2017)

>   Eximbank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 vào ngày 21/04/2017 (20/01/2017)

>   Thông tư 06 và lãi suất 2017 (20/01/2017)

>   VAMC nâng lãi suất điều chỉnh của các khoản nợ xấu bằng VNĐ lên 9.8% (20/01/2017)

>   Giá vàng đi ngang, tỷ giá trung tâm lên mức kỷ lục mới 22,193 đồng (20/01/2017)

>   NamABank triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi và ưu đãi nhân dịp năm mới 2017 (20/01/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật