Thứ Năm, 05/01/2017 15:00

Hoàng Hà: Vượt đoạn đường chông gai, vững tay lái đạp ga tăng tốc

Ông bà ta có câu “sông có khúc người có lúc” để muốn nói rằng trong cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, bằng phẳng. Và trong kinh doanh cũng vậy, sẽ có lúc doanh nghiệp gặp phải những khó khăn, trắc trở nhưng điều quan trọng là đối mặt với nó như thế nào để vượt qua và tiếp tục bước lên phía trước.

Minh chứng rõ ràng nhất trường hợp này chính là CTCP Hoàng Hà (HNX: HHG) khi tìm ra giải pháp để vượt qua đoạn đường chông gai đầy gian khó.

“Đoàn xe sa lầy”

Ai cũng biết Hoàng Hà là thương hiệu xe vốn quen thuộc, đặc biệt với người dân khu vực tỉnh Thái Bình. Hàng ngày, Hoàng Hà vận chuyển hơn 352 chuyến đi các tuyến ngoại tỉnh gồm 120 lượt đi cho tuyến Thái Bình – Quảng Ninh, 232 lượt cho tuyến Thái Bình – Hà Nội và 2 chuyến đi vào TPHCM. Không chỉ theo đuổi vận tải khách tuyến cố định, từ năm 2005, HHG chính thức mở thêm tuyến buýt 01 (TP Thái Bình đi Khu công nghiệp Tiền Hải). Đến nay, HHG vẫn là doanh nghiệp duy nhất tại tỉnh Thái Bình được phép kinh doanh hoạt động, vận tải hành khách bằng xe Bus trong toàn tỉnh.

Nhờ ưu thế đó mà thời điểm trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán, từ 2008-2010, Hoàng Hà có kết quả kinh doanh khá ổn định và tăng trưởng đều. Tuy nhiên, khi nền kinh tế lúc bấy giờ bắt đầu đi xuống, môi trường kinh doanh chung tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trên cả nước. Hoàng Hà tất nhiên cũng không nằm ngoài xu thế đó khi mà nhu cầu đi lại đã sụt giảm rất nhiều và ảnh hưởng trực tiếp lên hoạt động kinh doanh chính của Công ty.

Đó là chưa kể việc tập trung toàn bộ nguồn lực để xây dựng một tòa nhà văn phòng rất lớn, có diện tích 14,000 m2 sàn, với tổng chi phí xây dựng khoảng 150 tỷ đồng với chức năng là bến xe khách, dịch vụ văn phòng… còn là nguyên nhân chủ quan khiến đoàn xe Hoàng Hà sa vào vũng lầy. Hệ quả là kết quả kinh doanh Hoàng Hà đã chịu thua lỗ liền 2 năm sau đó là 2011 và 2012. Trong đó, năm 2012 là năm mà Hoàng Hà lỗ nặng nhất, với hơn 10.4 tỷ đồng. Kết quả này không chỉ làm cho công ty bị lỗ lũy kế mà còn khiến giá cổ phiếu HHG rơi về mức thấp kỷ lục, dưới 2,000 đồng/cp vào thời điểm cuối năm 2012.

“Đạp ga lăn bánh” vượt bùn lầy

Trong bối cảnh khó khăn đó, ban lãnh đạo Hoàng Hà đã không từ bỏ, hay chấp nhận số phận mà trái lại đã thực hiện hàng loạt biện pháp tái cấu trúc nhằm đưa Công ty vượt qua vũng lầy.

Từ năm 2011, Hoàng Hà tiếp tục nỗ lực hoàn thiện dự án tòa nhà và đưa vào kinh doanh. Việc này khá quan trọng vì nó đánh dấu bước khởi đầu trong tiền trình hồi phục của Hoàng Hà bởi trước đó, trong lúc tòa nhà chưa đi vào hoạt động thì toàn bộ hoạt động vận tải chỉ đủ bù đắp cho tòa nhà, nên kết quả sản xuất kinh doanh trong những năm 2011-2012 đã không còn giữ cân bằng được. Còn từ năm 2013, Hoàng Hà bắt đầu có lãi nhẹ 2 tỷ đồng sau 2 năm thua lỗ.

Ngoài ra, còn phải kể đến 3 nguyên nhân chính diễn ra giúp Hoàng Hà vượt qua giai đoạn khó khăn. Thứ nhất, Công ty chủ động giảm dư nợ vay (vay nợ ngắn hạn và vay nợ dài hạn) từ 144 tỷ đồng năm 2012 xuống còn 119 tỷ đồng năm 2014, kết hợp với lãi suất cho vay giảm, điều này đã giúp chi phí lãi vay giảm hơn 35% từ 25 tỷ đồng trong năm 2012 xuống chỉ còn 16 tỷ đồng trong năm 2014.

Thứ hai, hoạt động vận tải tiếp tục được Hoàng Hà cải thiện về quy mô, chất lượng nên qua các năm 2012, 2013 và 2014 vẫn kinh doanh rất ổn định. Cùng với đó, khi Tòa nhà, bến xe và bãi đỗ bắt đầu phát sinh doanh thu thì doanh thu thuần Hoàng Hà có sự tăng trưởng đều.

Cuối cùng, Công ty đẩy mạnh hoạt động thanh lý xe, phần lớn là các xe đã hết khấu hao nhưng giá trị thanh lý vẫn cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể khoảng 13-14  tỷ đồng, góp phần giúp biên lợi nhuận ròng quay trở lại xu hướng đi lên.

Kết quả năm 2014, doanh thu Hoàng Hà đạt 165 tỷ, tăng 4% so với năm 2013 trong khi lãi ròng đạt 6.3 tỷ đồng, gấp 3 lần. Đáng chú ý là Hoàng Hà cũng đã chính thức xóa được lỗ lũy kế đã phát sinh từ 2 năm trước đó. Chưa hết, giá cổ phiếu HHG khi đó đã hồi phục một cách đáng kể, từ mức dưới 2,000 đồng/cp cuối năm 2012 đã tăng vọt lên xấp xỉ 10,000 đồng/cp vào cuối năm 2014. Đây cũng nỗ lực đáng khen của ban lãnh đạo Hoàng Hà trong việc đưa “đoàn xe” vượt qua vũng lầy. Quả đúng là gian nan mới tỏ mặt anh tài!

Vững tay lái và tăng tốc

Mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng trở lại nhưng so với quy mô hiện bấy giờ thì Hoàng Hà chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của đông đảo cổ đông Công ty.

Ban lãnh đạo Hoàng Hà khi đó cũng đã nhìn thấy được điều này và mạnh dạn đặt kế hoạch kinh doanh năm 2015 với lãi ròng tăng 426% so với năm 2014, ở mức 33 tỷ đồng. Kế hoạch này sau đó đã được Hoàng Hà hoàn thành nhờ vào việc gia tăng thị phần, cải thiện biên lãi gộpvà giảm mạnh tỷ lệ nợ vay. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của HHG được cải thiện đáng kể lên mức 22%- 23% trong năm 2015, tăng mạnh so với mức bình quân khoảng 17% trong giai đoạn 2012-2014. Tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản của HHG cũng giảm dần, từ mức gần 60% năm 2012 xuống còn 39% năm 2015 và lãi suất ngân hàng đang ổn định ở mức thấp đã giúp chi phí tài chính giảm khá nhanh và cải thiện kết quả lợi nhuận cho HHG.

Năm 2016, Hoàng Hà tiếp tục đặt kế hoạch lãi ròng hơn 39 tỷ đồng, tăng 18% so với kết quả năm 2015. Sau 11 tháng đầu năm 2016, Hoàng Hà đã được doanh thu 221 tỷ đồng và lợi nhuận 26 tỷ đồng, đạt 91% và 82% so với chỉ tiêu đề ra.

Song, không cần quá lo lắng về khả năng thực hiện kế hoạch của Hoàng Hà bởi hoạt động kinh doanh của công ty thường rơi vào trọng tâm quý cuối năm, đặc biệt là tháng cận Tết do tính chất đặc trưng trong ngành vận tải hành khách. Trong cơ cấu doanh thu của Hoàng Hà, hoạt động vận tải hành khách đường dài chiếm 45% tổng doanh thu, hoạt động vận tải xe buýt nội tỉnh Thái Bình chiếm 20% và vận tải taxi chiếm 8% doanh thu. Hoàng Hà đang giữ thị phần 40% vận tải taxi tại tỉnh Thái Bình, 50% thị phần tuyến xe khách Thái Bình - Gia Lâm (Hà Nội), 70% thị phần tuyến Thái Bình - Quảng Ninh và 80% thị phần tuyến Thái Bình - Yên Nghĩa (Hà Nội).

Bên cạnh đó, trong năm 2016, Hoàng Hà dự kiến sẽ tiếp tục thanh lý khoảng 60 xe và lợi nhuận mang lại ước tính khoảng 17 tỷ đồng, có thể được hạch toán trong 2 quý cuối năm. Đối với hoạt động kinh doanh ô tô, việc trở thành đại lý cấp 1 cho Ô tô Đô Thành và CTCP ô tô TMT có thể đem lại lợi nhuận đáng kể trong năm 2016.

Với những lợi thế về giá cước vận tải ổn định, giá nhiên liệu đầu vào giảm, quy định về siết trọng tải… Hoàng Hà hoàn toàn có thể hoàn thành kế hoạch 2016 nhờ vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Nhưng đó chưa phải là tất cả, Hoàng Hà còn đang được nguồn để dành trong tương lai từ mảng kinh doanh mới của mình./.

Các tin tức khác

>   MBS: Nghị quyết HĐQT về việc tiếp nhận và giao nhiệm vụ Phó Tổng Giám đốc (04/01/2017)

>   ASEAN SECURITIES: Thông báo sửa đổi điều lệ công ty (04/01/2017)

>   VTX: Thông báo chấm dứt hoạt động của CTCP Vận tải đa phương thức Vietranstimex - Chi nhánh Vận tải đa phương thức 2 (04/01/2017)

>   AAA: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (04/01/2017)

>   Sửa đổi điều lệ công ty (04/01/2017)

>   HQC: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (04/01/2017)

>   NWT: Ký hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2016 (04/01/2017)

>   IPA bán Công ty QLQ với giá 110 tỷ đồng (04/01/2017)

>   HLA: Tăng lỗ sau kiểm toán, âm vốn gần ngàn tỷ (04/01/2017)

>   HNT: V/v ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2016 (04/01/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật