Thứ Sáu, 06/01/2017 10:05

Chuyện niêm yết 2016: Ít nhưng đình đám

Sau đợt rầm rộ chào sàn năm 2015 thì năm 2016 số lượng doanh nghiệp niêm yết mới đã giảm gần một nửa, chỉ còn 27 đơn vị. Theo đó, nâng tổng số doanh nghiệp hiện diện trên hai sàn HSX và HNX lên 699 đơn vị, ước tính đến ngày 28/12/2016.

Theo thống kê của Vietstock, trong năm 2016 thị trường chứng khoán đón nhận thêm 27 doanh nghiệp mới lên sàn, trong đó tỷ lệ giữa HOSE – HNX tương ứng 12 – 15 doanh nghiệp. Nhìn chung, những thành viên mới năm nay đã vẽ nên một bức tranh tương đối khả quan khi mức giá đồng thuận cải thiện càng về cuối năm. Hơn nữa, năm 2016 cũng là năm đánh dấu sự trổi dậy của ngành bia với việc “ông hoàng” Sabeco “làm mưa làm gió” trước và sau ngày xuất đầu lộ diện, qua đó kéo theo hàng loạt cổ phiếu bia cùng tăng mạnh.

Doanh nghiệp niêm yết mới trong năm 2016

a) HOSE
b) HNX

Gương mặt đình đám

Ngày 06/12, cp SAB của Tổng công ty Cổ Phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chính thức giao dịch trên HOSE với mức giá tham chiếu 110,000 đồng/cp. Ngay ngày đầu tiên, Sabeco đã nhanh chóng tăng hết biên độ 20% để kịch trần tại mức 132,000 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt trên 3,000 cp và dư mua trần trên 6.2 triệu cp. Đến nay, giá của cp này đang được duy trì ở mức cao, tương đương 199,000 đồng/cp (27/12/2016). Với hơn 641 triệu cp niêm yết và mức thị giá nổi bật, SAB đã nhanh chóng trở thành doanh nghiệp có vốn hóa “dưới một người mà trên vạn người”, chỉ chịu lép vế sau VNM.

Cơ cấu cổ đông hiện tại của SAB khá cô đặc, trong đó Bộ Công thương nắm 574.5 triệu cp, chiếm 89.59% vốn; 9.39% còn lại thuộc về nhóm cổ đông nước ngoài, tương ứng 60.2 triệu cp và số cp ít ỏi còn lại, tương đương 6.5 triệu cp, thuộc về các nhà đầu tư khác trong nước.

Được biết thêm, ngày 22/12 mới đây, HĐQT Tổng Sabeco cũng đã thông qua việc tổ chức đấu thầu công khai để thuê đơn vị tư vấn xây dựng phương án, các thủ tục có liên quan để thoái vốn Nhà nước tại SAB theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Giao dịch cp SAB từ ngày 06/12 – 28/12/2016

Một cái tên đình đám khác không thể không nhắc đến chính là CTCP Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) với bước giá tăng xấp xỉ 800% chỉ sau chưa đầy 2 tháng niêm yết, từ 12,500 đồng/cp (01/09/2016) lên 112,700 đồng/cp (28/12/2016). ROS chính thức chào sàn Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vào ngày 01/09/2016 và đã nhanh chóng khiến nhà đầu tư ngỡ ngàng trước chuỗi ngày tăng trần liên tục cùng thanh khoản trung bình mỗi phiên hơn 900,000 đơn vị. Đến ngày 20/09, đà tăng của cp ROS có dấu hiệu chững lại và phiên giao dịch ngày 23/09 mới là phiên giảm điểm đầu tiên với mức giảm 1,300 đồng/cp, tương đương hơn 5%. Tuy nhiên, đà giảm của ROS không đột ngột như lúc tăng điểm, hiện quanh quẩn ở mốc giá 100,000 – 120,000 đồng/cp.

ROS với khối lượng niêm yết 430 triệu cp và giá trên 100,000 đồng/cp cũng đã gia nhập nhóm vốn hóa tỷ đô trên thị trường hiện nay.

Giao dịch cp ROS từ ngày 01/09 – 27/12/2016

Điểm đặc biệt, tính đến thời điểm 23/12/2016, Công ty chỉ có 2 cổ đông lớn là ông Trịnh Văn Quyết sở hữu gần 290 triệu cp (67.34%) và Công ty TNHH MTV FLC Land sở hữu gần 22.5 triệu cp (5.23%).

Hay đến với cái tên tương đối nổi bật không thể bỏ qua tại sàn Thủ đô là Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HNX: VGC) với quy mô vốn lên đến 3,070 tỷ đồng. Được biết, ngày 22/12/2016 là ngày giao dịch đầu tiên của cp VGC trên sàn HNX với giá tham chiếu 15,600đ/cp. Trước đó, VGC đã được giao dịch trên UPCoM với giá đóng cửa phiên cuối là 10,200 đồng vào ngày 15/10/2015. Chỉ mới niêm yết nên diễn biến giá cp VGC không có gì nổi trội, thậm chí ghi nhận một sự sụt giảm nhẹ thời gian gần đây, tính đến phiên ngày 29/12/2016 thì giao dịch tại mức 15,400 đồng/cp.

Giao dịch cp VGC từ ngày 22/12 – 27/12/2016

Đà tăng trở lại

Cổ phiếu CTCP Đầu tư và Tư vấn Hà Long (HOSE: HID) chào sàn vào ngày 11/07/2016 với mức giá tham chiếu 12,600 đồng/cp, chỉ sau 3 phiên đã có dấu hiệu chững lại và đi ngang. Tuy nhiên, đến tháng 12, cp HID bắt đầu trở mình với chuỗi tăng trần liên tiếp để đạt đỉnh 32,500 đồng/cp (22/12/2016), đạt mức tăng 158% về thị giá. Song song với đó, khối lượng giao dịch cũng cải thiện đáng kể, có lúc đạt hơn 3,222 ngàn đơn vị/phiên (27/12/2016).

Giao dịch cp HID từ ngày 11/07 – 28/12/2016

Đó cũng là những gì diễn ra tại CTCP Thủy Điện Sê San 4A (HOSE: S4A), ngày 26/04/2016 cổ phiếu được chấp thuận niêm yết trên HOSE và ngày 27/05/2016 là ngày giao dịch đầu tiên với giá đóng cửa cuối phiên là 15,600 đồng/cp. Ngay sau khi niêm yết, 2 tháng tiếp theo giá cp S4A liên tục giảm gần 17%, lui về mức 13,000 đồng/cp. Thế nhưng từ phiên 12/07 thì bắt đầu tăng trở lại để đạt mức 17,500 đồng/cp (27/12/2016), tương đương tăng 35%. Đà tăng này có lẽ đến từ việc S4A đã thông qua việc tạm ứng cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, ngày 29/12/2016 là ngày GDKHQ, thời gian thanh toán dự kiến 16/01/2017.

Giao dịch cp S4A từ ngày 27/05 – 28/12/2016

Sự hồi sinh sau một đợt giảm sâu cũng là câu chuyện tại đa số doanh nghiệp tham gia thị trường trên sàn HNX trong năm nay, điển hình tại một số mã như ATS, KMD, VGC, …

Tham gia thị trường ngày 29/03/2016 với mức giá tham chiếu 11,600 đồng/cp, một tháng sau đó cổ phiếu CTCP Xây dựng và Thương mại Long Thành (HNX: KDM) dường như đi ngang, không có biến động đáng kể. Đến cuối tháng 4/2016, KDM tăng mạnh đạt đỉnh 15,400 đồng/cp nhưng không lâu sau thì lại đảo chiều trượt dài trên dốc thoải về đáy 5,500 đồng/cp (11/07/2016), tương ứng giảm gần 3 lần về thị giá.

Giao dịch cp KDM từ ngày 29/03 – 28/12/2016

Trải qua những thăng trầm choáng ngợp, gần về cuối năm thì giá cp KDM có sự khởi sắc, bắt đầu tăng trở lại từ đầu quý 4, tính đến ngày 27/12/2016 đã hồi phục về mốc 13,900 đồng/cp. Đáng chú ý, giai đoạn từ 31/10 – 25/11/2016, cổ đông nội bộ thi nhau thoái vốn.

Bối cảnh tương tự, cổ phiếu của CTCP Suất ăn Công nghiệp Atesco (HNX: ATS) cũng có diễn biến tăng giảm đan xen và hồi phục về cuối năm.

Giao dịch cp ATS từ ngày 29/03 – 28/12/2016

Chính thức niêm yết trên HNX vào ngày 29/03/2016 với mức giá đóng cửa cuối phiên là 14,600 đồng/cp. Liên tiếp hơn 5 tháng sau đó, giá cp ATS rớt giá không phanh, chạm sàn 7,300 đồng/cp phiên ngày 09/09/2016. Mặc dù vậy, càng về thời gian cận kề tất niên, giá cp này đã quay đầu hồi phục nhẹ trở lại, cụ thể bắt đầu trở mình tăng từ phiên giao dịch ngày 20/09/2016 với mức giá 8,300 đồng/cp, đến nay tăng hơn 25%, đạt 10,500 đồng/cp phiên ngày 28/12/2016.

Rớt giá sau niêm yết

Mặc dù đa số doanh nghiệp có bước giá cải thiện thời gian gần đây, nhưng đâu đó vẫn còn một vài đơn vị có giá cp trượt dài trên dốc thoải. Trong đó,  góp mặt lên sàn HSX với mức giá giảm chưa có dấu hiệu phục hồi là CTCP An Trường An (HOSE: ATG) – chào sàn ngày 22/08/2016 trên HOSE với mức giá tham chiếu đạt 11,000 đồng/cp. Nhưng câu chuyện thời gian tiếp theo của cổ phiếu này tương đối kém hậu, sau khi chóng vánh đạt đỉnh phiên ngày 23/09/2016 tại mức giá 15,300 đồng/cp thì con số này cứ theo đà đi xuống không ngừng. Đỉnh điểm bắt đầu từ giữa tháng 12, giá cp đột ngột lao dốc, đến nay chỉ còn giao dịch quanh mức 5,500 đồng/cp, tương ứng giảm xấp xỉ 60% thị giá trong vòng chưa đầy hai tuần.

Giao dịch cp ATG từ ngày 22/08 – 28/12/2016

Một ví dụ điển hình khác về mức giá cp không có sự tăng trưởng, hầu như đi ngang, đó là doanh nghiệp cảng biển đến từ miền trung - CTCP Cảng Đà Nẵng (HNX: CDN). Được biết, Cảng Đà Nẵng giao dịch đầu tiên trên UPCoM vào ngày 30/03/2016 với giá đóng cửa cuối phiên là 22,400 đồng/cp. Ngày 30/11/2016, CDN chính thức chuyển sang niêm yết trên HNX với giá tham chiếu 24,900 đồng/cp, đến nay đã giảm nhẹ lui về mức giá 24,700 đồng/cp.

Giao dịch cp CDN từ ngày 30/11 – 28/12/2016

Nhìn chung, tiến trình niêm yết mới trong năm 2016 không diễn ra quá rầm rộ như năm 2015, tuy nhiên những tên tuổi mới năm nay không dừng lại ở xu hướng “lên mau xuống chóng” như mọi năm mà có xu hướng khá ổn định, đặc biệt là có dấu hiệu khả quan về thời điểm cuối năm./.

Các tin tức khác

>   Con của Habeco sắp lên UPCoM với giá tham chiếu 11,000 đồng/cp (05/01/2017)

>   HNX: Quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu CTCP Chiếu sáng Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh (CHS) (04/01/2017)

>   12/01, Giấy Việt Trì lên sàn UPCoM với giá 10,800 đồng/cp (05/01/2017)

>   THG: Thông báo về việc niêm yết và giao dịch cổ phiếu thay đổi niêm yết (04/01/2017)

>   MWG: Thông báo về việc niêm yết và giao dịch cổ phiếu thay đổi niêm yết (04/01/2017)

>   MBS: MBS công bố thông tin thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (04/01/2017)

>   Hơn 6.5 triệu cp DPG sẽ ra mắt UPCoM với giá tham chiếu là 31,000 đồng/cp (04/01/2017)

>   HNX: Ngày 12/01/2017, ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu đăng ký giao dịch của CTCP Đạt Phương (DPG) (04/01/2017)

>   HNX: Quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu CTCP HESTIA (HSA) (04/01/2017)

>   HNX: Nhận hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán của CTCP Cấp nước Nhà Bè (04/01/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật