Sắp trình đề án lập “siêu ủy ban” quản vốn Nhà nước
“Đầu tư vốn chỉ là một chức năng của đại diện chủ sở hữu thôi, Nhà nước lập ra cơ quan này không phải để đi kinh doanh vốn. Đây là đề án thực hiện chủ trương chứ không phải xin chủ trương vì Đảng cũng đã có chỉ đạo, Quốc hội đã ra nghị quyết nên phải làm chi tiết”.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì họp với các bộ ngành bàn về lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 7/12.
|
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan để cho ý kiến về việc thành lập một cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 7/12.
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp là thực hiện chủ trương của Đảng đã được quán triệt tại Nghị quyết, Quốc hội khóa 14 cũng thống nhất việc thành lập cơ quan này.
Do đó, việc thành lập cơ quan này nhằm tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, UBND đầu tư vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, để các cơ quan quản lý nhà nước làm tốt hơn công tác xây dựng chính sách.
Đồng thời, việc xây dựng đề án này cũng nhằm thực hiện quy định về chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu được quy định tại Luật Quản lý, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản pháp luật khác liên quan.
Do là thực hiện chủ trương nên Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì soạn thảo đề án phải làm rõ được sự cần thiết và căn cứ thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, lưu ý tới việc dự báo cho giai đoạn sau năm 2020 khi số lượng doanh nghiệp Nhà nước sẽ giảm đi, chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt: Quốc phòng, an ninh, lĩnh vực mà tư nhân không muốn làm hoặc không có khả năng làm.
Theo Phó thủ tướng, việc thành lập cơ quan này sẽ không làm giảm nhẹ mà còn tạo điều kiện để các bộ làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
“Việc lập cơ quan này thực chất không có gì mới, chỉ chuyển quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ phân tán sang tập trung thôi. Hiện ta đã thực hiện 2 mô hình, một là phân tán và phân về Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC), nhưng tập trung ở SCIC là không đầy đủ nên nay phải làm tập trung hơn”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng đề nghị các bộ phải làm rõ cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy và tài chính của cơ quan này ngay trong đề án. Đi kèm với đó là rà soát các văn bản pháp luật, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, xóa bỏ các văn bản quy định về đại diện chủ sở hữu nhà nước không còn phù hợp.
Đối với các vấn đề còn ý kiến khác nhau như tên gọi, mô hình tổ chức, phạm vi quản lý và lộ trình chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích sâu các phương án để xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Kết thúc buổi họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, sẽ sớm hoàn thiện đề án trong tuần sau để báo cáo Chính phủ cho ý kiến, trước khi trình lên Bộ Chính trị thảo luận.
Theo dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan này sẽ được quản lý bởi các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực, song sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn tại các doanh nghiệp.
Cơ quan này sẽ trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Điện lực, Bưu chính - Viễn thông, Than – Khoáng sản, Tổng công ty Habeco, Sabeco…
Theo giới chuyên gia đánh giá, nếu được thành lập chính thức, cơ quan này được xem như là một “siêu ủy ban” về quản lý và giám sát vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
http://vneconomy.vn/thoi-su/sap-trinh-de-an-lap-sieu-uy-ban-quan-von-nha-nuoc-20161207101621954.htm
|