"Ông trùm" Vinasoy lên UPCoM với giá 80,000 đồng/cp, liệu có "hot"?
HĐQT của CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) đã thông qua ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu QNS trên sàn UPCoM là 20/12/2016, với giá tham chiếu là 80,000 đồng/cp. Sức hấp dẫn của QNS liệu có thể một lần nữa tạo nên cơn sốt trên thị trường?
CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) tiền thân là Công ty Đường Quảng Ngãi, thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2005 tiến hành cổ phần hoá thành lập Công ty Cổ Phần Đường Quảng Ngãi và hoạt động từ năm 2006.
QNS sở hữu nhiều nhà máy (NM) gồm: NM Phổ Phong, NM Đường An Khê, NM Bánh kẹo Biscafun, NM Nước khoáng Thạch Bích, NM Bia Dung Quất, NM Sữa đậu nành Vinasoy, NM Nha Quảng Ngãi, NM Cơ khí, Trung tâm giống mía, Trung tâm môi trường và nước sạch.
Tính đến thời điểm kết thúc năm 2015, QNS có hai cổ đông lớn gồm Công ty TNHH MTV TM Thành Phát nắm giữ 16.18% vốn; cùng nhóm cổ đông gồm ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch HĐQT QNS và bà Võ Thị Cẩm Nhung (vợ ông Đàng) nắm giữ 7.42% vốn. Mặt khác trong cơ cấu cổ đông của QNS, cổ đông nội bộ nắm giữ 55.89% vốn, NĐT chiến lược sở hữu 0.59% vốn và các cổ đông bên ngoài sở hữu 43.53% vốn (các cá nhân sở hữu 22.28% và tổ chức sở hữu 21.25%).
Cơ cấu cổ đông của QNS tính đến 31/12/2015
|
"Ông trùm" nắm 84% thị phần sữa đậu nành Việt Nam
QNS hoạt động trong lĩnh vực chính là công nghiệp chế biến đường, mật, thực phẩm, đồ uống, bao bì, khai thác, sản xuất chế biến và kinh doanh nước khoáng, kinh doanh thương mại, dịch vụ tổng hợp và hoạt động xuất nhập khẩu... QNS được biết đến trên thị trường với một số thương hiệu khá quen thuộc như: nước khoáng Thạch bích, bánh kẹo BiscaFun, bia Dung Quất và đặc biệt là thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy, sữa đậu nành Fami.
Tính đến cuối năm 2015, QNS đang chiếm 84.2% thị phần sữa đậu nành bao bì giấy tại Việt Nam; trong hoạt động sản xuất đường, sản lượng đường của Công ty chiếm 11% tổng sản lượng cả nước với hơn 157 ngàn tấn. Bên cạnh đó, sản phẩm bánh kẹo thương hiệu Biscafun đã được xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Điểm qua kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016, QNS đạt doanh thu thuần 5,282.8 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu bán thành phẩm chiếm chủ yếu với gần 5,142 tỷ đồng, chiếm 97% doanh thu thuần. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của QNS cũng giảm 9% xuống mức 806.7 tỷ đồng; với sự đóng góp 560 tỷ đồng từ nhà máy sữa đậu nành Việt Nam, chiếm 56% cơ cấu lợi nhuận.
Tính đến 30/09/2016, tổng tài sản của QNS ở mức 5,663.7 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm, trong đó tài sản dài hạn chiếm gần 59% cơ cấu với hơn 3,332 tỷ đồng. Trong đó, QNS đang có 1,696 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang, tập trung chủ yếu tại dự án mở rộng nhà máy đường An Khê 18,000TMN (gần 827 tỷ đồng) và dự án nhà máy Sữa Bình Dương (gần 775 tỷ đồng).
Mặt khác, QNS đang có 1351.5 tỷ đồng vay nợ tài chính, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn hơn 1,164 tỷ đồng (chiếm 86% nợ vay). Đến cuối quý 3/2016, vốn chủ sở hữu của Công ty ở mức 3,308 tỷ đồng, trong đó có 1,594.7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, cùng với hơn 288.3 tỷ đồng thặng dư vốn. Được biết, trong năm 2016, QNS đã thực hiện tăng vốn từ 1,410 tỷ đồng lên 1,875 tỷ đồng, bằng việc phát hành hơn 46 triệu cp thưởng cho cổ đông hiện hữu và cho CBCNV.
Kế hoạch 2016, QNS đặt mục tiêu doanh thu thuần 7,434 tỷ đồng với khoản lợi nhuận ròng dự kiến gần 201 tỷ đồng và sẽ chi cổ tức trên 15%.
|