Nhiều đường lớn tại Sài Gòn sắp thành đường một chiều
Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nhiều tuyến đường như: Cộng Hòa, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng, Phạm Ngọc Thạch, Trần Quốc Thảo, Phan Văn Trị... sẽ thành đường một chiều.
Giao lộ Cộng Hòa - Trường Chinh (quận Tân Bình) thường xuyên kẹt xe - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
|
Tại cuộc họp mới đây với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về tình hình ùn tắc giao thông, ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết các giải pháp cấp bách sẽ triển khai trrong năm 2017 là công tác tổ chức giao thông.
Cụ thể là ở khu vực cửa ngõ, nghiên cứu tổ chức các cặp đường một chiều: Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình); đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định (Quận Gò Vấp - Bình Thạnh).
Đối với khu vực trung tâm cũng sẽ tổ chức cặp đường một chiều Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch; cặp đường Trần Quốc Thảo - Lê Quý Đôn.
Cụ thể phương án dự kiến tổ chức xe lưu thông 1 chiều như sau:
1. Đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ:
Dự kiến tổ chức làm vòng xoay lớn, lưu thông 1 chiều theo hướng Trường Chinh → Hoàng Văn Thụ → Cộng Hòa.
Hướng lưu thông một chiều qua các đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ - Sơ đồ: Việt Thái
|
2. Đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định:
Dự kiến đường Lê Quang Định lưu thông 1 chiều từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Phan Văn Trị. Đường Phan Văn Trị lưu thông 1 chiều từ đường Lê Quang Định đến đường Phạm Văn Đồng.
Hướng lưu thông một chiều qua các đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định - Sơ đồ: Việt Thái
|
3. Đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch:
Dự kiến đường Hai Bà Trưng lưu thông một chiều từ Công trường Mê Linh đến đường Võ Thị Sáu. Đường Phạm Ngọc Thạch thành đường 1 chiều từ đường Võ Thị Sáu đến đường Lê Duẩn.
Hướng lưu thông một chiều qua các đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch - Sơ đồ: Việt Thái
|
Theo ông Ngô Hải Đường - trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phần lớn các tuyến đường đề xuất lưu thông một chiều trên có lượng xe đông, thường xuyên xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm, nguy cơ xảy ra ách tắc giao thông bất cứ lúc nào nếu có va quẹt, xe chết máy…
Vì vậy, việc tổ chức lưu thông 1 chiều sẽ làm giảm giao cắt, tăng khả năng thông hành của tuyến đường so với việc tổ chức lưu thông 2 chiều (trên cùng mặt cắt ngang đường).
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20161215/nhieu-duong-lon-tai-sai-gon-sap-thanh-duong-mot-chieu/1236517.html
|