Ngân sách lồng ghép, lúc nào cũng "vắt chân lên cổ"
Thể chế của ta là ngân sách lồng ghép, chúng tôi luôn "vắt chân lên cổ", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói tại phiên họp sáng 21/12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
|
Nội dung thảo luận tại đây là dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11).
Một trong những vấn đề nhiều ý kiến băn khoăn là cơ chế phối hợp thẩm tra các báo cáo về ngân sách của Chính phủ trình Quốc hội giữa Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban khác của Quốc hội với Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan chủ trì thẩm tra).
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng do chưa rõ cơ chế phối hợp nên cơ quan này khó có thể biết được hiệu quả sử dụng ngân sách cho giáo dục (chiếm đến 20% tổng chi ngân sách) ra sao, tác động đến chuyên môn của ngành giáo dục như thế nào.
Có ý kiến tương tự, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói uỷ ban này được giao giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp nhưng với những vấn đề về tài chính - ngân sách của cơ quan tư pháp thì hầu như vai trò của uỷ ban chưa có ý nghĩa gì nhiều do cơ chế có vấn đề.
Nhiều ý kiến phản ánh là triền miên thiếu kinh phí, toà án nhân danh nhà nước để xét xử nhưng nhiều trụ sở lại phải thuê nhà dân, rồi kinh phí hoạt động điều tra cũng rất khó khăn, bà Nga phản ánh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp còn nêu thực tế khi đi giám sát ở cơ sở, có nơi đưa lên hình ảnh cán bộ toà, viện đi xe máy chở người đằng sau ôm vành móng ngựa đi xét xử lưu động, anh em đôi khi thấy tủi thân vì sự cân đối ngân sách cho các cơ quan tư pháp còn hạn chế.
Bà Nga đề nghị lần này nghị quyết cần ghi rõ hình thức, trình tự phối hợp của Uỷ ban Tài chính với cơ quan của Quốc hội trong thẩm tra các vấn đề ngân sách.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng nhất trí cần có cơ chế phối hợp hiệu quả hơn. Vì hiện nay các cơ quan phối hợp thường chỉ họp trong thường trực nên góp ý thẩm tra cũng không được hiệu qủa. Nếu họp cả Hội đồng thì có nhiều ý kiến hơn, vì các đại biểu ở địa phương tham gia ý kiến rất sâu, muốn thế thì phải quy định thời gian gửi báo cáo sớm hơn hiện nay, ông Chiến góp ý.
Từng có thời gian làm Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu sự cập rập trong thẩm tra khi mà tài liệu luôn ở tình trạng như bánh mì mới ra lò. Thường là cách ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội vài ngày thì cơ quan chủ trì thẩm tra mới nhận được.
Nhưng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết cũng khó mà có thể sớm hơn. Bởi vì, thể chế của ta là ngân sách lồng ghép, trước khi đưa ra Quốc hội phải làm nhiều vòng với địa phương, sau đó ra Chính phủ, trình Bộ Chính trị, ra Trung ương rồi mới đến Quốc hội mà Trung ương thì thường đến 15/10 hằng năm mới xem xét xong.
"Chúng tôi cũng như các đồng chí thôi, đều vắt chân lên cổ" - Bộ trưởng phân trần.
Ông Dũng cũng cho rằng, việc thẩm tra cũng nên quy định "mềm mại" vì Bộ này chỉ có 5 thứ trưởng, nếu các cơ quan của Quốc hội đồng thời họp một lúc thì cũng không đủ người để phục vụ.
Cái gốc là ngân sách lồng ghép nên nếu đúng quy định là gửi trước 20/ 9 hàng năm thì không thực hiện được, Bộ trưởng nói.
Chia sẻ với Chính phủ và Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các cơ quan của Quốc hội chủ động, không chờ đợi bản chính thức sau cùng mà nên tiếp cận từ các dự thảo để có ý kiến sâu hơn.
http://vneconomy.vn/thoi-su/ngan-sach-long-ghep-luc-nao-cung-vat-chan-len-co-20161221094552331.htm
|