Mở phá sản cá nhân, công ty tài chính mới hấp dẫn?
Ngày 21/11 vừa qua, Ngân hàng Quân đội (MB) đã ký hợp đồng liên doanh và hợp đồng chuyển nhượng vốn Công ty tài chính tiêu dùng (MCredit) với Shinsei Bank - đối tác đến từ Nhật Bản.
Trong hai năm gần đây, nhiều ngân hàng thương mại lần lượt triển khai kế hoạch sở hữu công ty tài chính để tập trung và chuyên biệt cho mảng tín dụng tiêu dùng.
|
Thêm một trường hợp nữa, tổ chức tài chính nước ngoài tham gia đầu tư vào một công ty tài chính Việt Nam trong thời gian gần đây.
Cũng như có một xu hướng đang hé mở: sau khi sáp nhập hoặc mua lại công ty tài chính trong nước, các ngân hàng thương mại Việt Nam tái cơ cấu rồi bán lại một phần vốn cho đối tác nước ngoài.
Xu hướng sẽ mở rộng?
MCredit là công ty tài chính tiêu dùng do MB sở hữu 100% vốn, sau sự kiện sáp nhập Công ty Tài chính Sông Đà hồi đầu năm nay. Khá nhanh, với hợp đồng trên, MB sẽ chuyển nhượng 49% vốn góp tại MCredit cho Shinsei Bank.
Đó là sự nối tiếp xu hướng ngân hàng thương mại mua lại, sáp nhập công ty tài chính rồi bán lại cho đối tác nước ngoài, từng đánh dấu bằng sự kiện Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) mua công ty tài chính của Société Générale rồi bán lại 49% vốn cho Credit Saison (cũng là nhà đầu tư Nhật Bản) hồi đầu năm 2015.
Tương tự, đầu năm 2015, thị trường cũng chú ý với thông tin về kế hoạch Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lấy ý kiến cổ đông chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài tại công ty tài chính VPBFC - hình thành sau khi mua lại Công ty Tài chính Than - Khoáng sản (CMF); về sau chuyển đổi và phát triển nhanh với thương hiệu FE Credit…
Cũng chính trường hợp của VPBank, xu hướng trên càng thu hút sự chú ý của các ngân hàng thương mại trong nước, và có thể với nhà đầu tư nước ngoài. Bởi hai năm gần đây, với thành công nổi bật từ hoạt động của tín dụng tiêu dùng, FE Credit bứt phá chiếm thị phần dẫn đầu thị trường, đóng góp rất lớn vào cơ cấu lợi nhuận cho ngân hàng mẹ.
Và cuối năm nay, theo lộ trình xét duyệt của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến sẽ đến lượt Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sáp nhập thành công Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel (VVF). Sau đó, có thể đây sẽ tiếp tục là một trường hợp bán một phần vốn công ty tài chính sau sáp nhập cho đối tác nước ngoài theo xu hướng trên (?).
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB từng gợi mở về kế hoạch sáp nhập trên rằng: “Sau khi loại các chàng trai trong nước, đến lượt các chàng trai nước ngoài cũng vào gạ gẫm, mà trai nước ngoài thì thường cao to đẹp trai hơn”...
http://vneconomy.vn/tai-chinh/mo-pha-san-ca-nhan-cong-ty-tai-chinh-moi-hap-dan-20161130104329682.htm
|