Liều thuốc nào đang hồi sinh siêu phẩm đầu cơ?
Điều gì đang hồi sinh một “siêu phẩm đầu cơ” KLF tưởng rằng đã “chết” theo đúng nghĩa đen của nó trên phương diện giá cổ phiếu?
Hơn một năm trước, cổ phiếu KLF của CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc Tế KLF có giá 3,700 đồng/cp (26/08/2015), mức giá thấp nhất kể từ lúc niêm yết tính đến thời điểm đó, đây là sự thật mà giới đầu tư không dám nghĩ đến đối với một mã được mệnh danh là “siêu phẩm đầu cơ” từng có giá gần 20,000 đồng/cp.
* KLF: Nỗi buồn của một “siêu phẩm đầu cơ”!
Nhưng đó chưa phải là tất cả bởi sau đó KLF vẫn tiếp tục rơi, nhẹ nhàng và đều đặn như một chiếc lá vàng lìa khỏi cành. Để rồi đến phiên giao dịch 18/11/2016, KLF chính thức lập một kỷ lục mới về giá thấp nhất tại 1,800 đồng/cp. Có nhiều lý do khiến cho KLF từ một cổ phiếu từng có giá gần 20,000 đồng/cp rồi rơi về mức thấp như vậy nhưng dễ thấy và dễ giải thích nhất cho việc này chính là từ kết quả kinh doanh của Công ty này.
Nhìn lại 4 năm trước khi lên sàn, KLF còn đang cho thấy một sự tăng trưởng “đáng nể” về kết quả kinh doanh với mức lãi từ vài chục triệu đồng năm 2011 lên con số hơn 90 tỷ đồng năm 2014. Nhưng đến năm 2015 thì lợi nhuận của KLF bắt đầu sụt giảm gần một nửa so với năm 2014. Đó là chưa kể đến kết quả kinh doanh của KLF trong hai năm 2014 và 2015 chủ yếu đến từ hoạt động tài chính gồm chuyển nhượng các khoản vốn góp, lãi cho vay hay ủy thác đầu tư.
Điều đó giải thích tại sao khi nguồn thu từ hoạt động tài chính sụt giảm thì kết quả kinh doanh của KLF suy giảm theo. Minh chứng là trong 3 quý đầu năm 2016, KLF kinh doanh khá bết bát, để rồi chịu lỗ trong quý 2 và quý 3/2016, kéo theo lỗ 9 tháng đầu năm lên con số xấp xỉ 10 tỷ đồng.
Và tưởng chừng như mọi thứ đã hết với cổ phiếu KLF thì bỗng dưng trong 9 phiên gần đây, KLF liên tục kịch trần, tương ứng mức tăng gần 90% và đáng chú ý hơn là khối lượng giao dịch đang tăng đột biến trở lại với trung bình 5 phiên đạt 3.7 triệu đơn vị/phiên (riêng phiên 25/11, KLF khớp 11.6 triệu cp, mức cao nhất kể từ đầu năm). Những dấu hiệu này, một lần nữa trên khắp các diễn đàn, nhà đầu tư bắt đầu nghĩ đến sự tái sinh của một “siêu phẩm đầu cơ”.
Thống kê giao dịch của KLF từ phiên 18/11 đến nay
Câu hỏi đặt ra là điều gì đang hồi sinh KLF hay đơn giản chỉ là dòng tiền đầu cơ được kích hoạt?
Và nguyên liệu để điều chế thành bài thuốc để hồi sinh KLF không ở đâu xa mà thực tế đã có tại KLF trong nhiều năm qua, nó theo KLF kể từ khi đơn vị này lên sàn và có tên là FLC Travel.
Theo bản cáo bạch niêm yết 2013, KLF đã đầu tư vào CTCP FLC Travel vào tháng 2/2013 với giá trị khi đó là 30 tỷ đồng nhằm mục đích kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí đa chức năng tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án này có tổng diện tích xây dựng 19,656 m2 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, đến nay kết quả kinh doanh của KLF vẫn chưa thấy ghi nhận nào từ dự án này. Tính đến cuối quý 3/2016, KLF nắm giữ 36.6% vốn FLC Travel với giá trị ghi sổ 32.5 tỷ đồng.
Mỗi quan hệ giữa KLF – ROS – FLC Travel theo đó là khá khăn khít bởi FLC Travel đang là công ty liên kết của KLF, trong khi đó FLC Travel chính là tổ chức tham gia góp vốn vào ROS trong đợt tăng vốn đầu tiên lên 225 tỷ đồng của đơn vị này.
Ngoài ra, về mặt nhân sự cấp cao thì ông Doãn Văn Phương, cá nhân gắn bó với ROS ngay từ ngày đầu thành lập (giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ROS từ tháng 5/2015 đến 03/11/2016) từng là Thành viên HĐQT của KLF (từ tháng 7/2012-10/2015).
|
Tới đây, chắc hẳn nhà đầu tư lại thắc mắc là vậy thì tại sao FLC Travel lại hồi sinh KLF trong những ngày qua? Nên nhớ rằng, để có một phương thuốc hay thì hương liệu là chưa đủ mà cần phải có chất xúc tác. Và đó là một cái tên đang “gây bão” cho toàn thị trường chứng khoán Việt hiện nay: ROS!
Sự kiện này bắt đầu từ ngày 19/11 khi CTCP Xây dựng Faros (HOSE: ROS) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua chủ trương mua 65% cổ phần của CTCP FLC Travel với giá mua cổ phần dự kiến tối đa là 100,000 đồng/cp. Tính đến cuối quý 3/2016, ROS đang nắm 43.4% vốn tại FLC Travel với giá gốc 434 tỷ đồng. Như vậy, ROS cần mua thêm 21.6% vốn để nâng sở hữu tối đa 65% vốn FLC Travel.
Còn trong báo cáo mới nhất (ngày 23/11) gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) về tình hình hoạt động của Công ty, ROS cho biết đang cân nhắc mua toàn bộ 100% cổ phần tại FLC Travel với mục đích đầu tư giai đoạn 2 dự án quần thể nghỉ dưỡng và vui chơi cao cấp tại Vĩnh Phúc với giá trị 5,000 tỷ đồng.
Nếu điều này được thực hiện, chắc chắn 36.6% vốn mà KLF đang sở hữu tại FLC Travel sẽ được bán cho ROS. Và cũng có nghĩa là với mức giá dự kiến 100,000 đồng/cp thì KLF sẽ được một khoản lợi nhuận đáng kể từ thương vụ này bởi giá vốn bỏ ra hiện chỉ 32.5 tỷ đồng.
Đến đây thì lời giải cho đáp án đã có, nhà đầu tư đã nhìn thấy được khả năng KLF sẽ ghi nhận được một khoảng lợi nhuận đáng kể nếu chuyển nhượng toàn bộ vốn FLC Travel cho ROS. Do đó nhà đầu tư mới mạnh tay bắt đáy và giúp cổ phiếu KLF hồi sinh mạnh mẽ.
Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn tồn tại: KLF sẽ hoạt động kinh doanh ra sao sau khi bán FLC Travel, liệu rằng dòng tiền mang về có là bước đệm để KLF bật cao trở lại và thoát khỏi hố đen hiện nay?
FLC Travel tiền thân là Công ty Cổ phần Trang trại và Nông sản Quý Giáp được thành lập theo giấy chứng nhận ĐKKD số 2500297546 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 21/4/2008.
FLC Travel Vĩnh Phúc hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp các thiết bị máy nông nghiệp và lâm nghiệp; kinh doanh buôn bán ô tô và xe, máy có động cơ khác; xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung, chế biến và bảo quản thực phẩm,... kết hợp xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Hiện nay FLC Travel có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Dự án khu tổ hợp thể thao giải trí đa chức năng tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc do FLC Travel sở hữu và vận hành có tổng diện tích xây dựng 19,656 m2 bao gồm các hạng mục khách sạn, khu ẩm thực, nhà hàng, bar, khu vui chơi, hồ bơi… Đến nay dự án này đã hoàn thiện giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2 trên diện tích 200 ha.
|
|