DGW: Kế hoạch kinh doanh tăng trưởng 15% trong năm 2017
Đó là chia sẻ của ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Thế giới số (HOSE: DGW) tại hội thảo “Hướng đi mới trong ngành phân phối công nghệ” tổ chức ngày 29/11.
* Doanh nghiệp ngành công nghệ: Câu chuyện ở chuyên môn hóa
Ông Đoàn Hồng Việt
|
DGW được biết đến là một doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ với vai trò là nhà phân phối. Thị trường phân phối công nghệ trong nước như đã biết đang có sự cạnh tranh khá khốc liệt, ngoài DGW thì còn có CTCP Dịch Vụ Phân Phối Tổng Hợp Dầu Khí (HNX: PSD) và FPT Trading. Tính cạnh tranh thể hiện ở chỗ làm sao có thể tối ưu hóa các chi phí, đưa được hàng hóa đến nhà bán lẻ, làm sao có thể thu hút sự tập trung của các nhà sản xuất đến thị trường Việt Nam.
Không chỉ có vậy, doanh nghiệp phân phối hàng công nghệ như DGW còn đang gặp thêm sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các nhà bán lẻ khi các doanh nghiệp này giành được quyền phân phối trực tiếp từ các hãng sản xuất. Cụ thể, trong giai đoạn gần đây, các nhà bán lẻ cũng tham gia vào nhập khẩu để phân phối. Nếu nhà bán lẻ lớn có sự phát triển bền vững, đặc biệt về năng lực tài chính và quản lý thì họ cũng có thể tham gia vào chuỗi giá trị để tối đa hóa giá trị gia tăng của mình.
Đứng trước bối cảnh cạnh tranh như vậy, ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ DGW cho rằng, việc nhà bán lẻ tham gia phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đều gặp phải những khó khăn nhất định ở cả hai nhóm sản phẩm. Theo đó, với nhóm sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường tiêu dùng, chỉ thuần túy cạnh tranh về giá, thì nhà bán lẻ có thể phân phối trực tiếp từ hãng. Tuy nhiên điều này khó khăn ở vấn đề thời gian nhập hàng. Không nhà sản xuất nào có thể phân phối hàng trong 3 hay 5 ngày cho nhà bán lẻ như các nhà phân phối đang làm. Để nhập khẩu trực tiếp, các nhà bán lẻ phải chuẩn bị 3 tháng thì mới có hàng về.
Ngoài ra, các hãng sản xuất hiện nay vẫn đang tin tưởng sử dụng dịch vụ của DGW, xuất phát từ hai yếu tố. Thứ nhất, DGW cung cấp Dịch vụ phát triển thị trường, nhắm đến các hãng sản xuất có sản phẩm tốt, đã có thành công ở nước khác nhưng chưa có mặt tại thị trường Việt Nam. Nhà sản xuất hay DGW đều phải giải quyết công đoạn 5 bước: (1) Phân tích thị trường và xây dựng chiến lược marketing; (2) Thực hiện chiến lược marketing; (3) Nhập khẩu kho bãi, hậu cần; (4) Phân phối; (5) "Chăm sóc hậu mãi".
Để nghiên cứu, làm thế nào tiếp cận người tiêu dùng, phải tổ chức event ra làm sao, bán như thế nào là công việc của nhà phân phối. Ngoài ra, với mỗi sản phẩm có những cách tiếp cận khác nhau, Iphone không thể chỉ bán ở nông thôn mà hãng giá rẻ không thể chỉ bán ở thành phố. Những công việc này, các hãng sản xuất không có nguồn lực về nghiên cứu thị trường, ví dụ như Wiko, Obi không có ai đại diện ở Việt Nam cả. Vì vậy, với kinh nghiệm về dịch vụ phát triển thị trường, công việc của DGW là thuyết phục nhà sản xuất là Việt Nam thị trường rất tiềm năng, đưa ra dịch vụ trọng gói, kế hoạch 3 năm là gì, chi phí và kết quả sẽ ra làm sao. Đồng thuận với nhà sản xuất những bước đi cụ thể trong quá trình tìm kiếm và xâm nhập thị trường.
Thứ hai, theo ông Việt, năng lực quản lý hàng tồn kho ERP. Việc minh bạch thông tin trên kênh phân phối rất quan trọng, các nhà cung cấp luôn cần biết hàng đã đến đâu, chuyển tới khách hàng nào, ở đâu. Như vậy, các đối tác là nhà cung cấp hoặc ngân hàng có thể xem trực tuyến doanh số bán và hàng tồn kho. Điều này đang tạo sự tin tưởng và an tâm cho các nhà sản xuất.
Trong hướng đi mới của DGW, Chủ tịch Đoàn Hồng Việt khẳng định, Công ty đang chú trọng phát triển dịch vụ phát triển thị trường. Với tháp giá trị gia tăng, mỗi một dịch vụ trong 5 dịch vụ đều mang lại những giá trị gia tăng nhất định. Tuy nhiên, giá trị gia tăng tăng theo thứ tự: (1) Nhập khẩu kho vận; (2) Phân phối; (3) Dịch vụ hậu mãi; (4) Marketing; (5) Nghiên cứu thị trường. Nhờ những dịch vụ này, DGW có thể kết hợp với các thương hiệu nhỏ để tận dụng các kênh phân phối sâu rộng ở thị trường nông thôn nhưng vẫn giữ tỷ lệ cân bằng khoảng 60:40 với hệ thống chuỗi.
“Thị trường công nghệ là một thị trường thay đổi nhanh chóng, chúng tôi có chiến lược 3C là “Cơ sở vật chất”, “Con người” và “Cơ hội”. Ngay trong thời điểm này, DGW cũng nhìn thấy điểm thị trường bão hòa trong 3 năm tới và đã chuẩn bị những bước tiếp theo để đi nhưng bước cờ mới”, ông Việt nói thêm.
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh của DGW trong năm 2017, đại diện DGW cho biết, với những dòng sản phẩm đang phân phối hiện tại thì dự kiến tăng trưởng 15%. Tuy nhiên, DGW cũng tin tưởng sẽ có khả năng hợp tác với nhiều hãng nữa, cụ thể trước mắt là 2 hãng điện thoại nữa.
Về cổ tức, DGW vẫn trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. DGW cũng sẽ có những quyết định về huy động vốn, đầu tư cho tương lai cho nhóm sản phẩm tới. Tuy nhiên, phương án cụ thể sẽ được quyết định vào quý 1/2017. /.
|