Cổ phần hóa và những khúc mắc
Hiện nay, tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang khá chật vật, chứa đựng nhiều khúc mắc, có thể là từ chủ trương “bảo toàn vốn nhà nước”, hay từ việc DNNN nắm giữ quỹ đất lớn, nhất là những mảnh đất ở vị trí đắc địa.
Khi cổ phần hóa, hơn 6 héc ta kho bãi của cảng Nha Trang tại số 01A đường Phước Long, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang, đã được làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng để xây trung tâm thương mại, khách sạn... Ảnh: UYÊN VIỄN
|
Với DNNN có những mảnh đất có giá trị lớn, dễ dàng cho thuê với giá cao, thì hiệu quả sản xuất kinh doanh trong những ngành nghề chính của họ nhiều khi trở nên không quan trọng nữa, bởi tiền cho thuê đã trở thành nguồn thu nhập quan trọng, trong khi ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của các doanh nghiệp này bị lỗ hoặc không tạo ra lợi nhuận đủ lớn như với những doanh nghiệp cùng loại nhưng thuộc sở hữu tư nhân hay nước ngoài. Ngay cả là đất đi thuê từ Nhà nước, chứ không phải là đất được giao, thì quỹ đất đi thuê này cũng là một tài sản, một lợi thế lớn, một đặc quyền với nhiều DNNN, đơn giản vì không phải doanh nghiệp nào cũng được thuê những mảnh đất như vậy từ Nhà nước.
Bởi vậy, nếu cho phép “doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ tính vào giá trị doanh nghiệp đối với diện tích đất nhận giao, còn đối với đất thuê, doanh nghiệp chỉ thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định như các doanh nghiệp khác, không phải tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa”, như một quan chức ngành tài chính thông tin, thì đây là một bất công lớn với ngay bản thân Nhà nước vì Nhà nước đã thất thu một khoản thu tiềm năng đáng kể từ những mảnh đất “vàng”, có lợi thế vị trí địa lý của mình. Bởi giá thuê đất theo biểu giá Nhà nước quy định thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Cũng vì lợi thế, đặc quyền được giao hoặc thuê đất với giá rẻ hơn giá thị trường nên nhiều DNNN tuy kém cỏi trong sản xuất kinh doanh nhưng vẫn “bảo toàn vốn nhà nước”, thậm chí vẫn có lãi, thoát khỏi sự chú ý của dư luận cũng như các cơ quan quản lý vốn, thông thường sẽ dẫn đến áp lực phải tiến hành cổ phần hóa.
Còn xét riêng trên khía cạnh bảo toàn vốn nhà nước như là một thước đo hiệu quả hoạt động của DNNN, có thể nói ngay rằng thước đo này còn nhiều khiếm khuyết, lệch lạc. Việc có quỹ đất vàng như nói ở trên tự nhiên giúp cho doanh nghiệp đạt hiệu quả một cách giả tạo nhờ cho thuê đất như trên là một ví dụ. Ngay cả việc DNNN được Nhà nước giao tài sản là các công trình, thiết bị, dây chuyền sản xuất, và tất nhiên là cả đất đai nữa, nhưng họ không bận tâm đến việc tự mình sản xuất, kinh doanh để tài sản Nhà nước giao cho ngày càng sinh sôi nảy nở, mà bán, sang nhượng, cho thuê dưới nhiều lý do để hợp lý hóa việc thu tiền và vẫn đảm bảo rằng tài sản Nhà nước giao cho họ quy ra tiền trên sổ sách không suy suyển, thì cũng là điều đáng suy nghĩ.
Thêm nữa, nhiều DNNN có quỹ tiền mặt lớn trong tay nhưng vì e ngại rủi ro hoặc không muốn “động não” xem phải đầu tư vào đâu với số tiền này cho hiệu quả nhất nên họ đem nó đi gửi ngân hàng để hưởng lãi.
Trường hợp nào trong những trường hợp này hoặc những trường hợp tương tự đều cho thấy rằng một khi đã có trong tay các tài sản nhà nước được giao hay cho thuê thì các DNNN không hề khó khăn gì trong việc bảo toàn vốn nhà nước, trong khi lẽ ra họ có thể làm tốt hơn nhiều, sinh lãi nhiều hơn cho chủ sở hữu là Nhà nước và mang lại thu nhập cao hơn cho công nhân viên. Điều đáng nói hơn là với “bửu bối” đã bảo toàn vốn nhà nước như vậy nên nhiều DNNN cũng thoát khỏi danh sách DNNN yếu kém, không hiệu quả, buộc phải cổ phần hóa.
Từ những vấn đề trên, điều có thể rút ra là việc cổ phần hóa các DNNN cần phải thay đổi một cách căn bản về chủ trương và đối tượng để tiến trình cổ phần hóa diễn ra một cách thực chất và hiệu quả. Trước tiên, cần xác định rằng mọi DNNN cần phải được cổ phần hóa, trừ số ít những DNNN thuộc diện Nhà nước phải sở hữu 100%. Sẽ không có chuyện những DNNN tiếp tục sản xuất kinh doanh “bảo toàn vốn nhà nước”, không thua lỗ thì sẽ không phải cổ phần hóa, bởi chuyện kinh doanh không thua lỗ là chưa đủ trong bối cảnh các DNNN nắm nhiều lợi thế, đặc quyền so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác.
Tiếp đó, các DNNN có quỹ đất dù là thuê của Nhà nước, nhất là những mảnh đất có giá trị, cần phải đưa lợi thế địa lý của những mảnh đất này vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Nếu không làm được như vậy thì vô hình trung Nhà nước tiếp tục làm lợi cho (một nhóm) chủ sở hữu mới doanh nghiệp này sau cổ phần hóa khi họ được thuê những mảnh đất đắc địa với giá rẻ.
Nếu không muốn đưa lợi thế địa lý của những mảnh đất thuê này vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa thì DNNN cần phải hoàn trả lại những mảnh đất đang thuê trước khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Đồng thời, Nhà nước sẽ cho đấu giá công khai quyền thuê những mảnh đất đó để đảm bảo lợi ích tối đa cho ngân sách.
http://www.thesaigontimes.vn/154915/Co-phan-hoa-va-nhung-khuc-mac.html
|