Chứng khoán Tuần 26/12 - 30/12: Thị trường ảm đạm trước kỳ nghỉ lễ
Giao dịch giằng co là xu hướng chủ đạo trong tuần qua. Thanh khoản vẫn chưa có chuyển biến tích cực khi cả khối nội và khối ngoại đều hạn chế giao dịch. Tuy vậy, điểm tích cực là sắc xanh vẫn hiện diện về cuối tuần nhờ sự trở lại kịp thời của dòng tiền trong phiên ATC.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 26/12 - 30/12/2016
Giao dịch: Sắc xanh đã trở lại với các chỉ số thị trường trong tuần qua. Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần tăng nhẹ 0.08% đứng tại 664.87 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần tăng mạnh 1.32% đang dừng ở 80.12 điểm.
Thanh khoản thị trường trên cả hai sàn diễn biến trái chiều. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 90.74 triệu đơn vị/phiên tăng 3.11% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt chỉ đạt 24.1 triệu cổ phiếu/phiên giảm 21.24%.
Thiếu vắng thông tin hỗ trợ, giao dịch thị trường đã trở lại thế giằng co. Các chỉ số thị trường chủ yếu biến động trong biên độ hẹp trong các phiên giao dịch với thanh khoản tiếp tục duy trì sự ảm đạm.
Giao dịch ở nhóm cổ phiếu Large Cap với các cái tên quen thuộc như VNM, VIC, STB, ROS, SAB, CTG, VCB, BID, HPG… tiếp tục là tâm điểm của thị trường khi sự phân hóa của nhóm cổ phiếu này là nhân tố chính chi phối đà tăng/ giảm các chỉ số qua các phiên.
Nhóm cổ phiếu Bluechip theo đó cũng không có nhiều chuyển biến mới khi số mã tăng giảm điểm vẫn khá cân bằng. Tuy vậy, điểm tích cực nhất là áp lực bán đã giảm đi đáng kể giúp dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu này trở nên mạnh dạn hơn và giúp thanh khoản của nhóm cổ phiếu này được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu Bluechip, giao dịch ở nhóm cổ phiếu Mid Cap và Small Cap cũng trở nên sôi động hơn trong tuần qua. Tuy vậy, dòng tiền chảy vào các nhóm cổ phiếu này lại không có sự lan tỏa mà hầu như chỉ hướng mạnh sự chú ý vào các cổ phiếu được kỳ vọng có KQKD quý 4/2016 tích cực như BHS, CAV, CTI, DHG, HSG…
Trước diễn biến buồn chán của thị trường trong suốt tuần giao dịch, phiên giao dịch cuối tuần cũng diễn ra trong trạng thái khá tẻ nhạt trong suốt phần lớn thời gian giao dịch. Tuy vậy, sắc xanh được giữ vững cho đến kết phiên nhờ sự trở lại kịp thời của dòng tiền vào cuối phiên dù đà tăng không quá mạnh. Nhiều khả năng đây là động thái gom hàng trong phiên của các quỹ đầu tư nhằm phục vụ cho hoạt động chốt NAV. Sự trở lại của dòng tiền cũng là điểm nhấn nổi bật nhất khi giúp nhiều cổ phiếu ghi nhận sự đảo chiều ấn tượng như FPT, VIC, STB, FCN, AAA, VKC, CSM, DRC, DHA…
Bên cạnh sự ảm đạm của dòng tiền trong nước, khối ngoại tiếp tục để lại dấu ấn trong tuần qua khi tích cực mua bán qua các phiên. Tuy vậy, động thái giao dịch của khối ngoại lại không ảnh hưởng mạnh lên giao dịch thị trường khi việc mua bán được thực hiện chủ yếu qua phương thức thỏa thuận.
Nhà đầu tư nước ngoài: mua ròng chỉ hơn 0.5 tỷ đồng trên cả hai sàn (đã loại bỏ giao dịch thỏa thuận đột biến). Trong đó, họ mua ròng trên HOSE với hơn 251 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 11.9 tỷ đồng. Nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận đột biến từ MWG, SCR và VIC thì khối ngoại lại bán ròng hơn 11.4 tỷ đồng trên HOSE. Lực mua và bán của khối ngoại trong tuần qua vẫn chỉ tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu Bluechip và trụ cột.
Trên HOSE, lực mua ròng tập trung mạnh nhất là ở MWG với 586.2 tỷ đồng (chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận); tiếp theo là SCR với 64.2 tỷ đồng, SAB với 52.9 tỷ đồng, HSG với 36.6 tỷ đồng… Về phía bán ròng là các mã như VIC với gần 435 tỷ đồng, tiếp theo là VNM với 123.6 tỷ đồng, BID với 20.7 tỷ đồng...
Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở PVS với 9.88 tỷ đồng, HUT với 2.8 tỷ đồng và BVS với 2.1 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở VND và IVS với 5.27 tỷ và 3.8 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Các cổ phiếu tăng giá mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là STB tăng 13.31%, KHA tăng 23.46%và trên HNX là V21 với 24.68%.
STB tăng 13.31%. STB tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ hoạt động mua vào của các quỹ đầu tư nhằm phục vụ cho hoạt động chốt NAV cuối năm 2016.
KHA tăng 23.46%. KHA tăng mạnh trong tuần qua khi chưa đón nhận thêm thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh chính. Nhiều khả năng giới đầu tư đang đẩy mạnh mua vào cổ phiếu này nhằm đón đầu KQKD quý 4 sắp được công bố.
V21 tăng 24.68%. V21 tăng giá mạnh trong tuần qua khi chưa đón nhận thêm thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh chính. Điểm đáng chú ý là cổ phiếu này đã ghi nhận tuần tăng trưởng thứ 4 liên tiếp.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là CDO với 29.92%, APG với 9.58% và trên HNX là PIV với 26.36%.
CDO giảm 29.92%. CDO tiếp tục giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ những tin đồn liên quan đến việc cổ phiếu này bị các công ty chứng khoán cắt margin. Giá cổ phiếu của công ty này đã không ngừng lao dốc và hiện đã ghi nhận chuỗi giảm sàn qua 19 phiên liên tiếp.
APG giảm 9.58%. APG giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ việc người có liên quan của cổ đông nội bộ là ông Nguyễn Văn Hạnh dự kiến bán 663,400 cổ phiếu trong thời gian tới.
PIV giảm 26.36%. PIV giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ những ảnh hưởng tiêu cực từ việc hàng loạt cổ đông nội bộ đã đồng loạt thoái vốn khỏi công ty này trong thời gian qua với lượng cổ phiếu bán ra lên đến hơn 2.5 triệu cổ phiếu.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
|