Chết điếng với cổ phiếu bị hủy niêm yết trong năm 2016
Phần lớn cổ phiếu hủy niêm yết trong năm 2016 đều rơi vào trường hợp bị bắt buộc hủy do vi phạm các quy định liên quan. Trong đó có nhiều cổ phiếu khiến nhà đầu tư chết điếng, không chỉ mất tiền trước đợt lao dốc mạnh của cổ phiếu mà còn phải ngậm ngùi chịu "kẹp hàng" từ các đợt tạm ngưng giao dịch đến "án tử" hủy niêm yết bắt buộc.
Năm 2016 ghi nhận 16 doanh nghiệp bị hủy niêm yết với tổng khối lượng lên tới 621 triệu cổ phiếu. Nguyên nhân chủ yếu do thua lỗ 3 năm liên tiếp (2013-2015), lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp vào thời điểm cuối năm 2015 hay vi phạm công bố thông tin nghiêm trọng.
Hai doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ hàng ngàn tỷ đồng lọt vào danh sách này là KLS và SQC với hai câu chuyện khác nhau. Nếu như KLS là trường hợp công ty chứng khoán hủy niêm yết để tiến hành giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng là SQC bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ ba năm liên tiếp.
Tổng hợp lý do dẫn đến hủy niêm yết của các doanh nghiệp trong năm 2016
|
Cái kết chung của bộ tứ khai khoáng KSS – PTK – KTB – BAM
Năm 2016 là một năm đáng buồn của cổ phiếu dòng họ “K” khi nhiều doanh nghiệp khai khoáng như KTB, PTK, KSS và BAM lần lượt nhận “án tử” và phải rời thị trường niêm yết do vi phạm công bố thông tin nghiêm trọng.
Bắt đầu với KTB và PTK, đi cùng với thị giá cổ phiếu lao dốc rất mạnh là khoảng trống thông tin kể từ quý 2/2015. Cụ thể, KTB đã chậm nộp BCTC quý 2/2015 và “giấu nhẹm” BCTC trong các kỳ kế toán tiếp theo dù cho HOSE liên tục gửi văn bản nhắc nhở. PTK thì cho đến hiện nay vẫn chưa công bố BCTC quý 2/2015 hay các báo cáo cần công bố sau đó. Do vậy, cả KTB và PTK cùng bị hủy niêm yết tại HOSE từ ngày 03/03/2016. Chỉ sau hơn một tháng chuyển giao dịch sang UPCoM, cổ phiếu của hai doanh nghiệp này tiếp tục bị tạm ngừng giao dịch từ 13/04 do HNX thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Nối gót KTB và PTK, gần 50 triệu cp KSS cũng bị hủy niêm yết từ ngày 12/08 do đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC kết thúc năm 2015 liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và các khoản công nợ. KSS từng là “quán quân” trong danh sách các cổ phiếu không mua nổi nửa cốc trà đá khi mức giá chỉ dừng tại 800 đồng/cp trước lúc bị hủy niêm yết, cùng với đó là chuỗi ngày dài không tạo ra doanh thu. Nửa đầu năm 2016, KSS lỗ ròng gần 29 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp thua lỗ kể từ quý 2/2015. Hàng loạt vị trí chủ chốt cũng bị miễn nhiệm trước ngày khai tử; bao gồm 4/5 thành viên HĐQT, Trưởng BKS và Kế toán trưởng của Công ty.
Nỗi đau tiếp tục đến với các cổ đông của BAM khi cổ phiếu này chính thức rời sàn vào ngày 10/11 mới đây vì lý do vi phạm nghiêm trọng công bố thông tin. Chào sàn ấn tượng ở mức giá 16,900 đồng/cp nhưng cổ phiếu BAM ngay sau đó đã lao dốc không phanh về 1,800 đồng/cp. Đến nay, các BCTC năm 2015, BCTN năm 2015, BCTC quý 1/2016, BCTC quý 2/2016, BCQT bán niên 2016, BCTC bán niên 2016 vẫn chưa được Công ty công bố.
Diễn biến giá và giao dịch các cổ phiếu PTK, KTB, KSS và BAM từ năm 2014 đến nay
|
Tháng 5 định mệnh của hàng loạt cổ phiếu kinh doanh thua lỗ
Tính riêng trong ngày 19/05 đã có 4 công ty bắt buộc phải chia tay sàn HNX, hàng loạt cổ phiếu khác cũng lần lượt rời sàn trong tháng 5 này do hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Không chỉ với nhóm ngành khai khoáng, các doanh nghiệp xây dựng - bất động sản cũng có một năm đầy chật vật do chịu ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường cạnh tranh khốc liệt. Sau kết quả kinh doanh bết bát triền miên, tin dữ đến với cổ đông CID, PXL, S12, CTN và VC5 khi các cổ phiếu này chính thức bị hủy niêm chỉ trong vòng 1 tháng chủ yếu do lỗ 3 năm liên tiếp (2013-2015). Nguyên nhân chính theo giải trình hầu hết đến từ gánh nặng chi phí lãi vay ngân hàng cũng như biến phí tại các dự án thi công và phải điều chỉnh giảm doanh thu khi quyết toán công trình.
Hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tục, lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại thời điểm cuối năm 2015 hay đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến với BCTC 2015 cũng là cái kết chung với một số doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất, dịch vụ và vận tải trong tháng 5 này; điển hình như Thuận Thảo (GTT), Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (VLF), Tập đoàn Sara (SRB). Các cổ phiếu này hiện đang giao dịch tương ứng quanh mức giá bèo bọt 400 đồng/cp, 700 đồng/cp và 1,900 đồng/cp.
Danh sách mã cổ phiếu bị hủy niêm yết trong năm 2016
|
Vụ hủy niêm yết bất ngờ của KLS
Ở một phương diện hoàn toàn khác, câu chuyện của Chứng khoán Kim Long (KLS) từng gây sốt toàn thị trường khi Ban lãnh đạo quyết định giải thể Công ty sau 10 năm hoạt động. Theo đó, toàn bộ 202.5 triệu cổ phiếu KLS cũng chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 21/07.
Để tiến hành giải thể, KLS mua lại cổ phiếu của cổ đông với giá 11,000 đồng/cp trong hai đợt, đợt 1 ứng trước với giá 10,000 đồng/cp và đợt 2 trả phần còn lại 1,000 đồng/cp. Được biết, vào đầu tháng 8, KLS đã tiến hành thanh toán lần đầu cho cổ đông, đợt thanh toán thứ hai thực hiện trong tháng 10/2016.
Một trường hợp hủy niêm yết khác, Đá xây dựng Hòa Phát (HPS) vừa thông báo hủy niêm yết cổ phiếu trên HNX từ ngày 27/05 để chấm dứt sự tồn tại do sáp nhập theo quy định. Được biết, tại ĐHCĐ thường niên gần đây cổ đông Công ty đã thống nhất ủy quyền cho HĐQT tiếp tục hoàn thiện công tác sáp nhập HPS vào CTCP Xi măng Vicem Hải Vân (HOSE: HVX) theo đúng lộ trình. HVX đã đăng ký phát hành 1,565,250 cp để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của HPS với tỷ lệ 1:1.
*Chứng khoán bị huỷ bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
Nghị định 58/2012/NĐ-CP
Điều 60. Huỷ bỏ niêm yết
Khoản 1:
Điểm đ: Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Điểm h: Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết.
Điểm e: Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể hoặc phá sản; quỹ đầu tư chứng khoán chấm dứt hoạt động.
Nghị định 60/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58)
Điều 60, Khoản 1, Điểm e: Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại hoặc không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập hợp nhất, chia, tách, giải thể hoặc phá sản hoặc do tổ chức phát hành thực hiện chào bán, phát hành từ 50% trở lên số lượng cổ phiếu đang lưu hành để hoán đổi lấy cổ phiếu, phần vốn góp của doanh nghiệp khác; quỹ đầu tư chứng khoán chấm dứt hoạt động; tổ chức niêm yết không đáp ứng.
|
|