Cần có quyết sách thực hiện hiệu quả bảo lãnh tín dụng DNNVV
Các nội dung liên quan đến thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cần được các bộ sửa đổi, bổ sung để góp phần phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển DN, nhất là đối với các DNNVV, DN siêu nhỏ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV. Ảnh: VGP/Thành Chung
|
Ngày 13/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động BLTD cho các DNNVV.
Thực hiện bảo lãnh tín dụng không hiệu quả
Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg về quy chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn ngân hàng thương mại (NHTM). Tới năm 2013, trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ đội ngũ DN, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg về quy chế thành lập, tổ chức, hoạt động của quỹ BLTD cho DNNVV tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, các quyết định trên tạo ra khung khổ pháp lý để triển khai đồng bộ, thống nhất hoạt động BLTD, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng để duy trì, phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho biết, hoạt động BLTD ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hay ở các quỹ BLTD xuất hiện nhiều bất cập.
Cả nước hiện có 27 quỹ BLTD, nhưng nhiều quỹ có năng lực hạn chế, vốn thấp (không đạt mức tối thiểu 30 tỷ đồng), chủ yếu do ngân sách địa phương góp, tổ chức tín dụng có tham gia góp vốn nhưng ở mức khiêm tốn do quỹ thì hoạt động phi lợi nhuận, còn ngân hàng hoạt động vì lợi nhuận; năng lực bộ máy còn hạn chế.
Trong khi đó ông Nguyễn Chí Trang, Phó Tổng Giám đốc VDB cho biết, nhiệm vụ đặt ra cho VDB BLTD cho DNNVV nhưng lại không cấp nguồn cho đơn vị này thực hiện, trong khi đó hoạt động của VDB còn đang gặp nhiều khó khăn. Quy trình thẩm định dự án đầu tư của VDB và NHTM chưa thống nhất nguyên tắc phối hợp, điều kiện, trình tự thủ tục…
Chính vì quy trình thẩm định dự án còn bất cập nên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho biết, thời gian tiếp cận vốn tín dụng được bảo lãnh của DNNVV lên tới 3 tháng.
Bộ Tài chính cho rằng, cơ chế BLTD chưa được thực hiện hiệu quả. Tổng vốn điều lệ của 27 quỹ BLTD ước khoảng 1.462 tỷ đồng, tổng số dư nợ bảo lãnh đang là 361 tỷ đồng và quỹ này phải thực hiện trả nợ thay DNNVV ước khoảng 137,95 tỷ đồng.
Còn tại VDB, lũy kế chứng thư phát sinh mà VDB trả nợ thay cho DNNVV là 78 chứng thư với số tiền 355,15 tỷ đồng và 454.437 USD, trong khi lũy kế thu nợ bắt buộc là hơn 68 tỷ đồng và 457.000 USD. Trong 78 khoản mà VDB trả nợ thay thì còn 73 khoảng chưa thu được. Hoặc đang có nhiều hợp đồng bảo lãnh có sự tranh chấp giữa VDB và các NHTM, mà khi khởi kiện, tòa án các cấp đã buộc VDB phải trả nợ NHTM thay cho DNNVV.
Xây dựng nghị định của Chính phủ về bảo lãnh tín dụng
Tuy nhiên, khi đánh giá về vai trò của BLTD, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là nghiệp vụ ngân hàng rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, chưa có nguồn lực hỗ trợ nhiều được cho cộng đồng DNNVV. Thông qua BLTD, các DNNVV, nhất là các DN siêu nhỏ có nhu cầu vay vốn, có khả năng phát triển nhưng không đủ điều kiện về tài sản bảo đảm có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết từ NHTM.
“Do đó cần phải có quyết sách để thực hiện hiệu quả cơ chế BLTD cho DNNVV nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 35 của Chính phủ về phát triển DN”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, chỉ đạo VDB đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 03, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện các cơ chế, chức năng về BLTD, nhất là việc xử lý những tồn đọng trong BLTD tại VDB. Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương đánh giá việc thực hiện Quyết định số 58, chủ trì với các bộ khác dự thảo Nghị định quy chế BLTD cho DNNVV song song với tiến trình sửa đổi, bổ sung dự án Luật DNNVV đang được Quốc hội cho ý kiến, vì BLTD cũng là một nội dung quan trọng trong dự thảo Luật.
Về mô hình hoạt động của quỹ BLTD, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục bám sát các quy định tại Quyết định số 58. Tuy nhiên, nguồn hình thành quỹ bước đầu lấy từ ngân sách Nhà nước và cấp bổ sung, từ tiền lãi gửi, tiền phí bảo lãnh thu được, chênh lệch thu chi, vốn tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bao gồm cả ODA phục vụ phát triển DNNVV.
Theo Phó Thủ tướng, quỹ này sẽ hướng tới BLTD cho DNNVV, siêu nhỏ không đủ sức tiếp cận nguồn lực từ ngân hàng, nhất là các quy định về tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm, nhưng lại có phương án kinh doanh tốt.
Đồng thời, Phó Thủ tướng giao các bộ đặt ra tiêu chí xác định đối tượng rõ ràng để có thể “hỗ trợ các DN chiến thắng, chứ không hỗ trợ các DN chiến bại”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu Nghị định mới về cơ chế tổ chức, điều hành, cơ chế BLTD theo hướng bảo lãnh toàn bộ nhu cầu vay, không đặt vấn đề phải có tài sản bảo đảm như yêu cầu vay vốn tại NHTM, không hủy ngang bảo lãnh và có mức thu phí bảo lãnh phù hợp.
Các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu xác định mối quan hệ 3 bên quỹ BLTD, NHTM và DNNVV theo nguyên tắc thị trường, các quy định của luật pháp, nhưng vẫn đảm bảo thủ tục thuận lợi cho DNNVV và quy định trách nhiệm cuối cùng cho quỹ BLTD.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu dự thảo Nghị định nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chia sẻ rủi rõ cho BLTD là trích lập dự phòng rủi ro, bảo đảm có sự tham gia của bảo hiểm vào hoạt động này.
http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Can-co-quyet-sach-thuc-hien-hieu-qua-bao-lanh-tin-dung-DNNVV/294022.vgp
|