Basel II có dành cho các ngân hàng yếu kém?
Triển khai Basel II là rất khó khăn nhưng không vì thế mà các ngân hàng yếu kém đứng ngoài, họ chỉ đang thực hiện theo một lộ trình khác.
Việc quản trị rủi ro có ý nghĩa sống còn trong hoạt động ngân hàng bởi nó hạn chế khả năng đổ vỡ, từ đó tạo dựng niềm tin của người gửi tiền. Ảnh: HẢI NGUYỄN
|
Việc thực hiện Basel II từng bước song song với các chương trình tái cơ cấu khác sẽ đảm bảo cho các ngân hàng này quản trị được rủi ro trong quá trình phục hồi và phát triển, tránh tình trạng tăng trưởng nóng và rơi vào khó khăn lần nữa.
Theo đuổi Basel II là nhu cầu tất yếu
Kinh doanh ngân hàng là kinh doanh rủi ro và dựa trên niềm tin. Niềm tin là thứ rất “phù phiếm”, phải được xây dựng, bồi đắp qua thời gian nhưng lại rất dễ mất đi nhanh chóng. Mối quan hệ chằng chịt phức tạp giữa các định chế tài chính và tâm lý đám đông của người gửi tiền khiến cho rủi ro xảy ra đối với một ngân hàng có thể tác động dây chuyền đến toàn hệ thống và gây ra khủng hoảng tài chính. Hậu quả của các cuộc khủng hoảng này thường kéo dài nhiều năm và có những tác động tiêu cực to lớn, thậm chí không thể tính toán được. Do đó, việc quản trị rủi ro có ý nghĩa sống còn trong hoạt động ngân hàng bởi nó hạn chế khả năng đổ vỡ, từ đó tạo dựng niềm tin của người gửi tiền.
Năm 2004, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã giới thiệu một hiệp ước về vốn mới (Basel II) để thay thế cho Basel I. Nếu như Basel I tập trung vào bảo toàn vốn chủ sở hữu, phân định vốn tự có theo nhiều cấp độ thì Basel II đề cập thêm những rủi ro về thị trường, vận hành, đồng thời tỷ lệ an toàn vốn cũng phải khắt khe hơn. Với Basel I, trụ cột chỉ là yêu cầu vốn tối thiểu, rủi ro tín dụng và cách tiếp cận tiêu chuẩn đối với việc đo lường rủi ro và tính toán vốn. Nhưng với Basel II, có đến ba trụ cột là: (1) vốn tối thiểu, (2) giám sát và (3) kỷ luật thị trường và công bố thông tin.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), khi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tăng từ 7% lên 8% thì xác suất xảy ra khủng hoảng ngân hàng giảm đi khoảng 25-30%. Như vậy, triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh hơn do yêu cầu về vốn và trình độ quản trị rủi ro được tăng cường.
Nhìn ra thế giới, các ngân hàng trong khu vực đã áp dụng Basel II hoặc Basel III trong khi các ngân hàng Việt mới áp dụng Basel I. Việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II vì vậy là một xu thế tất yếu và bắt buộc khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và trên thế giới. Áp dụng thành công Basel II giúp các ngân hàng Việt Nam không chỉ dễ dàng thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài mà sẽ tự mình mở rộng địa bàn kinh doanh ra thế giới.
Lộ trình của Việt Nam
Mặc dù là nhu cầu cấp thiết nhưng việc triển khai thành công Basel II tại Việt Nam không hề dễ dàng do vướng phải nhiều thách thức. Đó là sự thiếu kinh nghiệm triển khai, chất lượng nhân sự, cơ sở dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin, chi phí đầu tư lớn. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển mạnh và đang đối mặt với tình trạng nợ xấu cao, do đó, nếu áp dụng Basel II ồ ạt sẽ làm phân tán các nguồn lực dành cho các ưu tiên cấp bách hơn. Vì nhìn thấy những thách thức trên nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không vội vã mà chỉ đưa lộ trình khá cẩn trọng:
Giai đoạn 1: Thí điểm áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank). Bắt đầu từ tháng 2-2016, mục tiêu là đến cuối năm 2018 các ngân hàng này phải cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Basel II.
Giai đoạn 2: Đến năm 2020 cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II (theo nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 ngày 8-11-2016).
Các ngân hàng yếu kém liệu có đứng ngoài?
Khả dĩ nhất đối với việc triển khai Basel II tại các ngân hàng yếu kém có lẽ là thực hiện trụ cột thứ hai (xây dựng quy trình rà soát, giám sát nội bộ của ngân hàng).
|
Con số 12-15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II chỉ chiếm khoảng 42% trong tổng số 35 ngân hàng thương mại trong nước hiện tại, nghĩa là đã giảm rất nhiều so với mục tiêu 70% được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 trước đó vài tháng. Những ngân hàng nào nằm ngoài dự tính của NHNN trong việc áp dụng thành công Basel II? Phải chăng đó là những ngân hàng đang trong tình trạng yếu kém, hay là NHNN tiếp tục có ý định giảm số lượng ngân hàng thương mại thông qua hợp nhất, sáp nhập?
Việc thiếu quan tâm đến quản trị rủi ro trong quá khứ chính là nguyên nhân gây ra tình trạng các ngân hàng yếu kém như hiện tại. Do đó, trong phương án tái cơ cấu của các ngân hàng yếu kém chắc chắn có chương trình nâng cao năng lực quản trị rủi ro và tất nhiên, mục tiêu hướng đến chính là chuẩn Basel II. Nhưng thách thức, khó khăn dành cho các ngân hàng này sẽ gấp nhiều lần các ngân hàng bình thường, và do đó sẽ có một lộ trình khác.
Đối với yêu cầu về vốn tối thiểu, các ngân hàng có vốn chủ sở hữu mạnh hiện còn đang loay hoay tăng vốn thì cũng dễ hình dung khoảng cách của các ngân hàng yếu kém đối với chuẩn mực này xa đến mức nào. Hiện không rõ số lượng ngân hàng yếu kém của Việt Nam là bao nhiêu. Nhưng theo báo cáo tình hình kinh tế chín tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện nợ xấu tập trung chủ yếu tại 19 tổ chức tín dụng yếu kém, chiếm 55,1% tổng nợ xấu hệ thống. Dù các đơn vị này báo lãi, nhưng lãi dự thu trong hệ thống tăng đến 17,2% so với cuối năm 2015 và tập trung vào chín tổ chức tín dụng yếu kém (chiếm 61,7% tổng lãi dự thu toàn hệ thống). Với thực trạng như vậy, tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng này chắc chắn đang rất nghiêm trọng, thậm chí là đã âm vốn chủ sở hữu.
Con đường sẽ rất dài và chông gai từ một thực trạng âm vốn chủ sở hữu (hoặc lỗ lũy kế) sang có lãi hàng tháng, tích lũy lãi để hết âm vốn, hết tình trạng lỗ lũy kế, phục hồi vốn pháp định, sau đó mới tính đến chuyện tăng vốn từ lợi nhuận. Giải pháp nhanh hơn cho các ngân hàng này là việc phát hành thêm để tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên cách này cũng không đơn giản do các nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn an toàn và hấp dẫn hơn việc “đánh cược” vào khả năng phục hồi mong manh này.
Đối với yêu cầu về minh bạch thông tin, nhiều người cho rằng đây là một chuyện tốt bởi người dân có thể biết được đâu là địa chỉ an toàn để gửi tiền. Nhưng xin khẳng định luôn là thông tin của các ngân hàng yếu kém khó có thể minh bạch, ít nhất là khi quan điểm cho phá sản ngân hàng chưa được thống nhất. Bởi lẽ nếu không cho phá sản ngân hàng yếu kém nhưng minh bạch thông tin các ngân hàng này thì chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”, người dân sẽ ồ ạt rút tiền và tạo ra hiệu ứng đổ vỡ hàng loạt. Yêu cầu minh bạch thông tin chỉ có thể thực hiện khi các ngân hàng này có tín hiệu hồi phục rõ ràng hoặc khi Việt Nam thực sự cho phép phá sản ngân hàng trên thực tế mà thôi.
Khả dĩ nhất đối với việc triển khai Basel II tại các ngân hàng yếu kém có lẽ là thực hiện trụ cột thứ hai (xây dựng quy trình rà soát, giám sát nội bộ của ngân hàng). Đây là một trong những nội dung chính mà các ngân hàng yếu kém đang thực hiện theo phương án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt. Xây dựng thành công trụ cột này sẽ đảm bảo cho ngân hàng quản lý tốt rủi ro trên con đường phục hồi. Tuy nhiên, các rào cản về kinh nghiệm, nhân lực, chi phí, dữ liệu... tại các ngân hàng này sẽ lớn hơn tại các ngân hàng bình thường. Đồng thời, nó cũng phải san sẻ nguồn lực hạn chế với những yêu cầu cấp thiết khác là tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu, đảm bảo thanh khoản và tăng trưởng kinh doanh để bù đắp nguồn vốn đã hao hụt.
http://www.thesaigontimes.vn/154662/Basel-II-co-danh-cho-cac-ngan-hang-yeu-kem.html
|