ANCO lớn cỡ nào?
Ngày 26/12, CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO) sẽ chính thức giao dịch 13 triệu trái phiếu ANC11601 với giá tham chiếu 100,000 đồng/trái phiếu. Liệu doanh nghiệp vừa về tay Masan (MSN) này có thu hút nhà đầu tư?
Công ty Liên doanh Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (tiền thân của ANCO) được thành lập từ năm 2003 là liên doanh giữa doanh nghiệp Malaysia và Việt Nam. ANCO hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn cho gia súc và gia cầm với các sản phẩm cám đậm đặc và cám tổng hợp với 3 thương hiệu là Anco, Guinness, A&M. Các sản phẩm của ANCO được bán qua hệ thống gần 2,000 đại lý cấp 1 trên cả nước. Thông qua việc mua 24.9% cổ phần Vissan, ANCO chính thức tham gia vào lĩnh vực chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ đạm động vật.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2016, MNS đang nắm giữ 99.99% cổ phần ANCO. Trong đó 70% cổ phần ANCO đang được thế chấp cho một nghĩa vụ nợ khác của CTCP Masan Nutri-Science (MNS). Ngoài ANCO, MNS còn sở hữu Proconco.
Hiện ANCO đang vận hành 5 nhà máy trong cả nước với công suất khoảng 1.2 triệu tấn mỗi năm. Ngoài ra, công ty cũng đang đầu tư 2 nhà máy mới ở Hậu Giang và Nghệ An với tổng công suất thiết kế gần 600 ngàn tấn/năm.
Trong năm 2015, thức ăn cho heo và gia cầm chiếm lần lượt 91.2% và 8.6% trên tổng doanh số bán thức ăn. Còn lại là doanh số từ bán các sản phẩm premix (hỗn hợp các vitamin và các yếu tố vi lượng thiết yếu cần để cân bằng dinh dưỡng cho thức ăn chăn nuôi).
Thành phần nguyên liệu chủ yếu trong thành phẩm thức ăn gia súc của ANCO gồm cám gạo (15%), bã đậu nành (17%), bắp (44%), bánh dầu hạt cải (3%), bột thịt (2%). ANCO sử dụng nguồn cung cấp nguyên liệu cả trong và ngoài nước với tỷ lệ 30-70.
ANCO là công ty sản xuất và cung cấp thức ăn chăn nuôi cho heo lớn tại Việt Nam cho thị trường ngoài gia công, chiếm khoảng 9% thị phần. Từ năm 2012-2015, biên lợi nhuận trung bình của ANCO đạt mức 17%, cao hơn mức trung bình ngành (khoảng 10-13%).
9 tháng đầu năm 2016, ANCO đạt doanh thu thuần 7,384 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 1,771 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2016, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của ANCO ở mức 1,688 tỷ đồng, còn dài hạn là 2,279 tỷ đồng. Vốn điều lệ duy trì ở mức 200 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu là 3,524 tỷ đồng, chủ yếu từ khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Kế hoạch năm 2017, ANCO đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 14,500-15,000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,400-1,600 tỷ đồng.
|