Chủ Nhật, 27/11/2016 21:12

Thủy sản vượt khó

Trong khó khăn mà ngành nông nghiệp phải đối mặt trong năm nay, thủy sản gánh chịu khá nặng cả về cả nuôi trồng, khai thác lẫn chế biến.

Nắng hạ gay gắt kéo dài, chênh lệch nhiệt độ ban ngày và đêm lớn, độ mặn tăng cao, có nơi dân “treo” ao đầm chưa thả giống. Lũ lụt nối tiếp ở miền Trung, lồng bè tan tác. Bão nọ chưa tan, bão kia đã đến, thuyền nằm chờ, ngư dân bồn chồn nhớ biển. Sự cố môi trường sông, hồ, biển chưa năm nào phức tạp như vậy. Thiếu nguyên liệu đầu vào, nhiều xí nghiệp chế biến thủy sản hoạt động cầm chừng, có thời điểm chỉ chạy 50-60% công suất.

Khích lệ về cuối năm

Tuy nhiên, qua 10 tháng đầu năm 2016, đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, tranh thủ những thuận lợi tức thời, ở từng vùng và đã đạt những kết quả khích lệ trên ba mặt diện tích, khai thác, xuất khẩu.

Sau khi ổn định qua những ngày thời tiết đỏng đảnh, diện tích nuôi tôm nước lợ ở đồng bằng sông Cửu Long tăng 2,3% so với cùng kỳ, trong đó tôm sú, tôm thẻ đều tăng. Diện tích mặt nước nuôi cá ba sa, cá tra tăng khoảng 4% so với cùng kỳ. Các vùng miền khác diện nuôi trồng cũng theo đà đó.

Sản lượng khai thác thủy sản tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó mức khai thác ngoài khơi chiếm tới 92%.

Xuất khẩu thủy sản được 5,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015. Góp công lớn phải kể tới ba trụ cột. Đứng đầu là tôm, sáu tháng đầu năm 2016 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chín tháng nhích lên tỷ lệ 5,6%, trong đó tôm chân trắng chiếm 61% - tăng 11% so cũng với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dõi diễn biến, các chuyên gia ngành thủy sản phỏng đoán cả năm 2016 xuất khẩu tôm đạt trên 3 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 45% kim ngạch xuất khẩu của cả mặt hàng thủy sản, duy trì vị trí số 1 của nó. Cá ba sa, chín tháng kim ngạch tăng 6,2% so với cùng kỳ, phần sang Trung Quốc tăng tới 75,6%. Dự báo cả năm cá ba sa sẽ mang về 1,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,4% so với năm 2015. Cá ngừ có kim ngạch nhỏ nhưng xuất khẩu dưới nhiều dạng (tươi sống, đông lạnh, đóng hộp, sấy khô) nên được chú ý. Liên tiếp ba năm 2013-2015 rồi từ tháng 1 đến tháng 5-2016 xuất khẩu cá ngừ trồi sụt, chỉ từ tháng 6 trở đi mới bắt đầu hồi phục và tăng trưởng ổn định. Hiện có tám thị trường lớn nhập 88,2% lượng cá ngừ của ta gồm Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Israel, Nhật, Canada, Mexico.

Khó khăn còn đeo bám

Đầu năm, thông qua Hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm - Ủy ban châu Âu đã nhận được thông tin về các lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Mới đây Hàn Quốc vừa thông báo sẽ kiểm tra 10% lô hàng tôm nhập từ Việt Nam để xem trong mỗi con tôm có hóa chất kháng sinh hay không. Không phải lần đầu mà thường xuyên, tôm Việt Nam bị Nhật Bản săm soi ngặt nghèo. EU đưa tôm vào danh mục kiểm tra kim loại nặng. Úc kiểm tra về độc tố sinh học và vi sinh. Bộ Nông nghiệp Brazil bất ngờ ra quyết định dừng nhập khẩu cá tra của một công ty và đưa ba công ty khác của Việt Nam vào trong danh sách các doanh nghiệp quốc tế bị giám sát đặc biệt.

Việc áp thuế chống bán phá giá đối với cá ba sa của Việt Nam tuy đã được hóa giải nhiều nhưng mối lo vẫn thường trực. Do có lô hàng cá tra xuất vào Mỹ bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm nên chính cơ quan quản lý chất lượng của ta phải tạm ngừng cấp chứng thư xuất khẩu vào thị trường này cho đến khi có kết luận điều tra và khắc phục.

Bên cạnh những rắc rối từ bên ngoài, lại có những ngáng trở vô hình do chính mình tạo dựng là giá thành sản phẩm hải sản còn cao, cá biệt có loại cao hơn mặt bằng quốc tế gần 20%.

Hơn thế nữa, nguồn hải sản của ta vẫn chưa đủ cho nhu cầu chế biến và tiêu dùng trong nước. Mười tháng đầu năm 2016 ta đã nhập 872 triệu đô la Mỹ hải sản nguyên liệu, cả năm sẽ nhập trên dưới 1 tỉ đô la Mỹ. Riêng về giống tôm, ta đang phải nuôi bằng tôm có gốc bố mẹ ngoại lai, do mua xô bồ thường không rõ nguồn gốc nên gặp khó cho việc chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Hiện tượng tôm chết dạt bờ đã từng xảy ra nhưng chưa rõ nguyên nhân, vẫn còn canh cánh.

Gần và đông dân, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn và cũng vì vậy xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng tươi sống. Nhưng bất lợi là quy chế buôn bán của đối tác này thất thường, cách thanh toán tùy tiện, nhu cầu phập phù, giá cả không ổn định... Tình hình đó, trong quá khứ, ta phải chấp nhận, nhưng với vận hội mới sẽ bộc lộ nhiều bất cập khi hải sản của ta đã vào được nhiều thị trường xa và kỹ tính, và khi năng lực tác nghiệp trên thương trường của các doanh nghiệp nay đã khác.

Để phát triển bền vững

Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản nằm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp xác định phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Theo đó, tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi trồng chủ lực; tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường; khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế. Đồng thời, tiếp tục cải thiện giống các loại thủy sản nuôi trồng. Phải biết ngọn ngành các con giống đầu vào, chuyển mạnh sang giống có khả năng kháng bệnh thay vì sạch bệnh. Những vùng tập trung ao nuôi phải có môi trường, phương cách khoa học cùng các điều kiện thuận tiện dễ dàng quản lý, phòng, chống dịch bệnh.

Cần mạnh dạn mua sắm thiết bị, công nghệ hiện đại trong chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, kiểm soát được dư lượng chất kháng sinh đảm bảo an toàn và vệ sinh sản phẩm; cơ cấu lại sản phẩm chế biến theo hướng giảm tỷ trọng các sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng các sản phẩm ăn liền, giá trị gia tăng cao; mở rộng áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (theo ISO, HACCP, GMP, SSOP); nghiên cứu và đầu tư ứng dụng công nghệ bảo quản trong và sau thu hoạch để giảm tỷ lệ thất thoát và xuất khẩu thủy sản sống có giá trị cao.

Nhà nước, với sự phối hợp của doanh nghiệp, đầu tư vào việc: (1) xây dựng, quản lý và vận hành các công trình kết cấu hạ tầng thủy sản; (2) cung cấp các dịch vụ công (khuyến nông, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, thú y, bảo vệ thủy sản...); (3) phát triển “chuỗi giá trị ngành hàng” bằng xây dựng thương hiệu; (4) đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường. Củng cố và mở rộng thị trường trọng điểm, có nhiều hợp đồng lớn, dài hạn; tìm thị trường mới, khách hàng nhỏ, đơn hàng lẻ, đột xuất. Nhận biết nhanh, hóa giải kịp thời các rào cản; (5) phối hợp giữa xuất khẩu với tiêu thụ trong nước; (6) thiết lập hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản.

http://www.thesaigontimes.vn/154218/Thuy-san-vuot-kho.html

Các tin tức khác

>   Việt Nam có thể đón tới 8,7 triệu lượt khách quốc tế năm 2016 (27/11/2016)

>   Đóng điện đường dây 110 kV vượt biển lớn nhất cả nước (27/11/2016)

>   Chính thức “khai tử” dự án lọc dầu Cần Thơ (26/11/2016)

>   Đầu tư trạm kiểm tra tải trọng xe kết hợp với trạm thu phí (26/11/2016)

>   Xuất khẩu thủy sản: Doanh nghiệp phải làm theo chuỗi (26/11/2016)

>   Chính phủ lắng nghe, sẽ điều chỉnh chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ (26/11/2016)

>   Đã có hơn 1.300 hợp đồng nhờ kết nối cung cầu (26/11/2016)

>   Ô tô làm tại Việt Nam đắt đỏ hơn nhiều nước (26/11/2016)

>   Công dân trên 21 tuổi có thể sắp được cá cược bóng đá quốc tế (25/11/2016)

>   TPHCM: Hơn 32,400 doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng qua (25/11/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật