Thủ tướng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống ngành chứng khoán, Thủ tướng đề nghị ngành chứng khoán tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, để tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính lan tỏa tới mọi cấp, mọi ngành, trước hết ở các cơ quan, đơn vị quản lý thị trường chứng khoán - một chủ thể nhạy cảm rất dễ bị tác động, dễ tổn thương trong nền kinh tế.
* 20 năm chứng khoán Việt và “thời điểm khó khăn nhất”
6 nhiệm vụ trọng tâm
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị ngành chứng khoán tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và thông lệ quốc tế để tiếp tục phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính quốc gia. Qua đó, đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thứ hai, phát triển TTCK bền vững, cấu trúc hoàn chỉnh với nhiều cấp độ, tăng quy mô và chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực, chất lượng các chủ thể tham gia thị trường, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.
Thứ ba, phát triển TTCK bảo đảm tính công khai, minh bạch trên các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị công ty tốt nhất. Tăng cường năng lực quản lý, thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK, đặc biệt quyền lợi của nhà đầu tư thiểu số.
Thứ tư, phát triển thị trường chứng khoán gắn kết với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng lực quản trị, công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp. Tiếp tục đưa nhiều doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa gắn với niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán.
“Nhân đây, tôi cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp làm tốt quá trình bán vốn doanh nghiệp Nhà nước trên sàn chứng khoán, bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, chống thất thoát tài sản Nhà nước”, Thủ tướng yêu cầu.
Thứ năm, phát triển TTCK phải gắn kết với việc phát triển thị trường tiền tệ, thị trường bảo hiểm nhằm tạo ra một thị trường tài chính thống nhất, toàn diện, đồng bộ. TTCK phải là kênh giúp doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn tài chính và đầu tư, đổi mới và sáng tạo giảm thủ tục vốn ngắn hạn trên ngân hàng, giảm chi phí sử dụng vốn, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thứ sáu, tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết với các trung tâm chứng khoán khu vực và quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế. Đón đầu các xu hướng, tiến bộ, công nghệ mới trong công tác quản lý và tổ chức hệ thống giao dịch lưu ký và bảo đảm tính bảo mật, an ninh, an toàn, giao dịch cho nhà đầu tư. Từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị TTCK Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, đạt mục tiêu và lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam ngay trong 2 năm tới.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cam kết tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng khung pháp lý minh bạch, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các chủ thể tham gia thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để TTCK Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
“Tôi mong rằng, tinh thần Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính lan tỏa tới mọi cấp, mọi ngành, trước hết ở các cơ quan, đơn vị quản lý thị trường chứng khoán - một chủ thể nhạy cảm rất dễ bị tác động, dễ tổn thương trong ngành kinh tế”, Thủ tướng bày tỏ.
Với tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước, với quyết tâm cải cách của Đảng, nhà nước ta, Thủ tướng tin tưởng, TTCK Việt Nam sẽ phát triển nhanh, mạnh và vững chắc giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước...
http://thutuong.chinhphu.vn/Home/Thu-tuong-neu-6-nhiem-vu-trong-tam-cua-nganh-chung-khoan/201611/25719.vgp
|