Thấy gì từ thương vụ PTL bán Đầu tư Dầu khí Thăng Long cho DXG?
Việc bán đi toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Đầu tư Dầu khí Thăng Long cho DXG, đồng nghĩa với việc PTL sẽ "chia tay" với dự án ngàn tỷ chung cư Thăng Long. Điều gì đã khiến PTL phải đi đến quyết định này và việc bán dự án sẽ mang lại gì?
Vừa qua, CTCP ĐT Hạ tầng & Đô thị Dầu khí (HOSE: PTL) đã chấp thuận bán toàn bộ phần vốn tại CTCP Đầu tư Dầu khi Thăng Long - chủ đầu tư dự án chung cư Thăng Long - cho Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) với giá 11,273 đồng/cp, tương đương giá trị chuyển nhượng hơn 450 tỷ đồng.
Được biết, CTCP Đầu tư Dầu khí Thăng Long là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2010 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, bởi 3 cổ đông là CTCP ĐT Hạ tầng & Đô thị Dầu khí (HOSE: PTL) góp 79.9% vốn (tương đương 399.5 tỷ đồng), Công ty TNHH Bệnh viên đa khoa Quốc tế Vũ Anh góp 20% vốn và cá nhân Đinh Thị Mỹ Linh góp 0.1% vốn.
Đầu tư Dầu khí Thăng Long được thành lập nhằm mục đích thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Chung cư Thăng Long tại phường Phước Long B, Quận 9, TPHCM. Đây là dự án có quy mô 2,174 tỷ đồng, thực hiện trên khu đất 61,561.8m2, gồm 12 tháp chung cư cao 25 tầng với tổng diện tích sàn là gần 233 ngàn m2.
Theo cam kết góp vốn PTL sẽ tiếp tục góp vốn vào Dầu khí Thăng Long (hiện đã góp hơn 350 tỷ trong số 399.5 tỷ cam kết) cho đến khi nào nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án Chung cư Thăng Long. Tuy nhiên đến 30/06/2016 thì Công ty Vũ Anh vẫn chưa thực hiện xong thủ tục xin giao đất và quyết định giao đất cho CTCP Đầu tư dầu khí Thăng Long. Cũng tại thời điểm 30/06/2016 PTL đã trích lập gần 7 tỷ đồng dự phòng giảm giá đầu tư tại Dầu khí Thăng Long.
"Chia tay” sẽ tốt hơn cho PTL?
PTL hay được biết tới với cái tên Petroland tiền thân là Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng phía Nam trực thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, chính thức hoạt động từ năm 2007, có vốn điều lệ 1,000 tỷ đồng. PTL hoạt động trong lĩnh vực Đầu tư xây dựng và kinh doanh các khu đô thị mới, khu nhà ở; kinh doanh bất động sản, vật tư, thiết bị xây dựng...
Bước ra từ sau "cơn sốt" khủng hoảng bất động sản, nhìn lại những năm gần đây, có thể thấy kết quả kinh doanh PTL xếp hàng dài những con số lỗ. Năm 2013, PTL lỗ cả 4 quý liên tiếp và ghi nhận lỗ ròng 132 tỷ đồng mà nguyên nhân được đề cập là do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và các dự án chậm tiến độ.
Năm 2014 sau đó, PTL tiếp tục ghi nhận những khoản lỗ, chỉ sống "thoi thóp" với những khoản lãi nhỏ giọt trong 3 quý đầu năm và thoát án hủy niêm yết cận kề nhờ lãi lớn từ việc thu phạt hợp đồng trong quý 4.
Cục diện tiếp tục lặp lại trong năm 2015, khi PTL lỗ liên tiếp 3 quý đầu và đột biến có lãi trong quý 4, nhờ bàn giao dự án chung cư cao tầng Mỹ Phú. Tuy nhiên, việc này cũng không thể ngăn cản được PTL dừng thua lỗ trong 2 quý đầu của 2016 lần lượt (lỗ 9 tỷ trong quý 1 và 13.2 tỷ đồng trong quý 2).
KQKD của PTL trong 8 quý gần đây (Đvt: tỷ đồng)
|
Song, kịch bản này của PTL có thể tiếp tục được tái hiện trong năm nay khi tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của PTL, ban lãnh đạo vẫn tự tin đặt kế hoạch lãi ròng 93 tỷ đồng cả năm, dự kiến sẽ được ghi nhận vào 2 quý cuối. Và cũng theo giải thích của Công ty thì nguồn lãi đột biến này sẽ đến nhờ chuyển nhượng một phần dự án Thăng Long (dự án chung cư Thăng Long). Đây là dự án dự kiến được PTL bắt đầu thực hiện từ năm 2011 và hoàn thành trong năm 2014; tuy nhiên dự án đã bị kéo dài và trễ hẹn.
Không chỉ riêng dự án Thăng Long, trong năm 2016, PTL cũng lên kế hoạch bán dự án sân Golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh và chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án Tương Bình Hiệp.
Trong tháng 5/2016, HĐQT PTL đã quyết định chuyển nhượng phần vốn góp của PTL tại CTCP Đầu tư Dầu khí Nha Trang - Chủ đầu tư dự án sân Golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh. Được biết, Đầu tư Dầu khí Nha Trang vốn điều lệ hơn 315 tỷ đồng; trong đó PTL có tỷ lệ vốn góp là 62.19%.
Dự án Sân golf và Biệt thự sinh thái Cam Ranh có tổng mức đầu tư 1.400
tỷ đồng với diện tích 171,9ha, bao gồm nhiều hạng mục như: Sân golf 36
lỗ và các công trình dịch vụ, phụ trợ...
|
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, PTL cho biết dự án Thăng Long bắt đầu triển khai trong năm 2015 trong đó sẽ triển khai san lấp mặt bằng... Nhưng, phải đến cuối tháng 11/2015, UBND TP Hồ Chí Minh mới duyệt đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500). Đến nay, những thông tin về dự án vẫn rất ít ỏi và gần như không nắm được tiến độ dự án, ngoài kế hoạch chuyển nhượng được thông báo tại ĐHĐCĐ thường niên 2016.
Từ đây cho thấy việc chuyển nhượng dự án Thăng Long sẽ là "nguồn sống" cho PTL trong năm 2016 bởi trong kế hoạch kinh doanh đưa ra, Công ty sẽ bắt đầu tìm đối tác hợp tác để thực hiện tiếp dự án Khu đô thị mới dầu khí Vũng Tàu, dự kiến đầu tư thêm 100 tỷ đồng (tăng 88% so với năm 2015), trong đó 80 tỷ là quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, đền bù và 15 tỷ đồng là chi phí xây dựng. Trong bối cảnh dự án mới chưa được triển khai kịp thời thì việc chuyển nhượng dự án có thể là một giải pháp tốt nhất giúp PTL có được dòng tiền để triển khai hoạt động.
Về phía đối tác nhận chuyển nhượng của PTL là DXG, đây là doanh nghiệp này đang trong "cơn khát" dự án năm 2016. Từ đầu năm, DXG đã liên tục thực hiện nhận chuyển
nhượng nhiều dự án, trong đó có thể kể tới như: Khu căn hộ Hiệp Bình
Chánh, dự án chung cư phường Thạnh Mỹ Lợi - Q.2 - TP.HCM, dự án Cao ốc
văn phòng và Căn hộ Cecico 135...
Được biết, năm 2016, DXG dự kiến tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, mà một trong số những mục đích huy động vốn là nhằm nhận chuyển nhượng và thâu tóm các dự án. Trong chiến lược hiện nay, DXG muốn đảm bảo quỹ đất đủ phát triển 5-10 năm tới.
Tuy nhiên, mới đây, DXG bất ngờ báo lỗ gần 5 tỷ đồng trong quý 3/2016. Theo đó, lãi ròng 9 tháng đầu năm 2016, DXG đạt 144 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước và mới chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch lợi nhuận năm./.
|
|