Ngân hàng ngoại và những lợi thế cạnh tranh
Ngân hàng Woori Bank (Hàn Quốc) vừa chính thức ra mắt ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào hôm 7/11 vừa qua, sau khi đã được NHNN chấp thuận vào cuối tháng 10. Cuộc đổ bộ của các ngân hàng nước ngoài trong những năm gần đây đã khiến mức độ cạnh tranh trong ngành tài chính ngày càng trở nên khốc liệt.
Ngân hàng ngoại tại Việt Nam
Theo thỏa thuận WTO, Việt Nam đã chính thức mở cửa cho các ngân hàng 100% vốn nước ngoài từ tháng 4/2007, nhưng phải mất 2 năm sau, ngày 1/1/2009 thì ngân hàng HSBC mới trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên thành lập ngân hàng con tại Việt Nam. Và theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến 31/12/2015 thì có 5 ngân hàng ngoại có 100% vốn nước ngoài là ANZ, Hong Leong Bank, HSBC, Shinhan và Standard Chartered.
Cũng trong năm 2015, vào tháng 7, Ngân hàng Citi Bank cho biết cũng sẽ thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới sau khi nhận được thư chấp thuận về nguyên tắc của NHNN. Trước đó vào cuối tháng 3/2015, NHNN có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho phép Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia lập nhà băng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Và gần đây nhất vào đầu tháng 9/2016, Thống đốc NHNN cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài của Ngân hàng CIMB Bank Berhad tại Việt Nam với mức vốn điều lệ 3,203 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo thống kê của NHNN thì tính đến cuối 2015 có 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và 50 tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo lộ trình hội nhập của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thì đến hết năm 2015, các nước phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ, với mức mở cửa tối thiểu là 70% và năm 2020 sẽ xóa bỏ mọi rào cản và khác biệt trong ngành ngân hàng giữa các quốc gia nội khối, cụ thể sẽ phải bỏ mọi giới hạn về sở hữu nước ngoài với các ngân hàng nội địa của mình. Như vậy dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng con có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tiềm năng hấp dẫn của ngành tài chính trong tương lai
Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam luôn là thị trường hấp dẫn của các ngành bán lẻ, và ngành tài chính ngân hàng không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, tỷ lệ người dân sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính còn khá thấp, nhất là ở các vùng nông thôn. Chính vì vậy gần đây NHNN đã xây dựng hẳn một đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.
Ngoài ra với cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015 thì tiềm năng phát triển dịch vụ ngân hàng của các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng đang hấp dẫn hơn bao giờ hết trong thời gian tới. Với tổng dân số 600 trịêu người, ASEAN là cộng đồng chung có dân số lớn thứ ba thế giới.
Những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết gần đây đang giúp nguồn vốn FDI rót vào tăng trưởng tích cực, từ đó kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính theo chuẩn quốc tế, trong khi chính bản thân các doanh nghiệp FDI cũng ưa thích sử dụng các sản phẩm của các ngân hàng nước ngoài.
Mặt bằng lãi suất trong nước khá cao và biên độ lãi suất có sự chênh lệch lớn cũng thu hút các ngân hàng nước ngoài phát triển và gia tăng thị phần cho vay tại Việt Nam, nhất là khi các ngân hàng này có nguồn vốn ngoại tệ dồi dào với chi phí thấp từ sự hỗ trợ của các ngân hàng mẹ, trong khi nhiều khách hàng có thu nhập cao tại Việt Nam cũng ưa thích sử dụng các sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng nước ngoài.
Lợi thế cạnh tranh và khó khăn của các ngân hàng ngoại
Trong bối cảnh các ngân hàng nội đang khó khăn về mặt tăng vốn và bài toán xử lý nợ xấu dẫn đến khó đẩy mạnh phát triển kinh doanh, do đó năng lực cạnh tranh đang bị giảm sút càng tạo thuận lợi cho nhóm ngân hàng ngoại bứt phá và chiếm dần thị phần, vốn đang còn rất nhỏ. Tuy nhiên trong tương lai với việc càng có thêm nhiều ngân hàng vốn 100% nước ngoài được thành lập thì miếng bánh thị phần dự kiến sẽ có sự phân chia lại đáng kể giữa nhóm ngân hàng nội và ngân hàng ngoại.
|
Các ngân hàng ngoại hiện có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các ngân hàng trong nước về nguồn vốn ngoại tệ, mô hình kinh doanh và khả năng quản trị rủi ro cũng tốt hơn. Với ưu thế, uy tín, thương hiệu và kinh nghiệm hoạt động trên thị trường quốc tế, các ngân hàng nước ngoài cũng dễ dàng thu hút khách hàng. Do đó, kết quả kinh doanh của nhóm này có hiệu suất sinh lời khá cao so với các ngân hàng nội.
Phân khúc mà nhóm này hướng đến thường là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp FDI, các công ty đầu ngành và mảng bán lẻ ở khách hàng cá nhân. Thực tế trong những năm gần đây, các ngân hàng này đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng và quản trị tài sản, với mục tiêu là nhóm khách hàng giàu có và có thu nhập cao. Chiến lược của họ là không quá cạnh tranh về giá mà tập trung tăng cường chất lượng dịch vụ và phục vụ, đồng thời luôn cải tiến, phát triển mới sản phẩm để nâng cao trải nghiệm và tiện ích cho khách hàng.
Trong bối cảnh các ngân hàng nội đang khó khăn về mặt tăng vốn và bài toán xử lý nợ xấu dẫn đến khó đẩy mạnh phát triển kinh doanh, do đó năng lực cạnh tranh đang bị giảm sút càng tạo thuận lợi cho nhóm ngân hàng ngoại bứt phá và chiếm dần thị phần, vốn đang còn rất nhỏ. Tuy nhiên trong tương lai với việc càng có thêm nhiều ngân hàng vốn 100% nước ngoài được thành lập thì miếng bánh thị phần dự kiến sẽ có sự phân chia lại đáng kể giữa nhóm ngân hàng nội và ngân hàng ngoại.
Khó khăn của các ngân hàng ngoại hiện tại là mạng lưới phân bổ ít, chủ yếu chỉ mới có các điểm giao dịch tại 5 thành phố lớn trực thuộc trung ương, do đặc thù nhóm này như đã nói chỉ mới hướng đến mảng bán lẻ cho nhóm khách hàng giàu có và các doanh nghiệp lớn hoặc có hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, Việc Nam cũng đang có những hàng rào kỹ thuật như để thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài thì buộc các ngân hàng này phải có tổng tài sản tương đương 10 tỷ USD trong năm trước năm đăng ký giấy phép. Điều này phần nào giúp chọn lọc các ngân hàng nước ngoài muốn mở ngân hàng con tại Việt Nam.
Điều các ngân hàng ngoại cần cân nhắc hiện nay là nên thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài hay tham gia góp vốn, thâu tóm các ngân hàng trong nước vốn đang gặp nhiều khó khăn với giá rẻ. Để lựa chọn thì các ngân hàng sẽ phải xem xét đến lợi ích và chi phí giữa hai lựa chọn này. Tuy nhiên, cơ chế tham gia góp vốn vào các ngân hàng trong nước dự kiến thời gian tới sẽ được cởi trói nhiều hơn, cụ thể room cho khối ngoại tại các ngân hàng có thể nâng lên từ mức trần 20% như hiện nay.
Trong một diễn biến mới nhất, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã kêu gọi nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng Việt trong phiên họp hôm 11/11 tại Hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội ngân hàng Châu Á (ABA). Đây không phải là lần đầu thống đốc NHNN kêu gọi như thế, do đó dự kiến sắp tới Chính phủ sẽ có nhiều hành động hơn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào ngành tài chính ngân hàng Việt Nam./.
|