Lấy đâu 30 tỷ USD xây các nhà máy điện trong 5 năm tới?
Trước áp lực tăng nguồn điện, Việt Nam cần một nguồn vốn khổng lồ để đầu tư. Mặc dù nguồn lực tài chính chủ yếu vẫn phải vay nước ngoài, nhưng nhu cầu huy động vốn trong nước để đầu tư phát triển nguồn điện vẫn rất lớn. Đây thực sự là bài toán rất khó.
Theo ước tính của Viện Năng lượng, số tiền đầu tư trong 5 năm của các nhà máy điện từ nay đến năm 2020 là gần 30 tỷ USD.
|
Vấn đề vốn đầu tư vào ngành điện đã được các chuyên gia nêu ra trong toạ đàm “Cung ứng điện giai đoạn 2016-2020: Nguy cơ thiếu điện và giải pháp” do Báo Dân trí tổ chức ngày 15/11.
Cần 30 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
Tại buổi tọa đàm, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, tổng công suất của các nhà máy điện năm 2020 phải đạt 60.000 MW, nghĩa là trong 5 năm 2016-2020, cần đưa vào thêm 21.650 MW. Tính ra phải có 1.800 MW là từ BOT, số còn lại phải giao cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước.
Theo ước tính của Viện Năng lượng, số tiền đầu tư trong 5 năm của các nhà máy điện từ nay đến năm 2020 là gần 30 tỷ USD. Đó là chưa kể việc xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải. Tổng số tiền cần đầu tư trong giai đoạn này là 40 tỷ USD, tức mỗi năm gần 7,9 tỷ USD.
Với số tiền này khi làm Quy hoạch điện VII, các chuyên gia đã tính toán đủ để cung ứng điện trên toàn quốc.
Trong khi đó, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng ngành điện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề gay gắt như cần đầu tư lớn nhưng khả năng cung ứng vốn ít.
“Chúng ta duy trì một nền kinh tế tiêu tốn năng lượng quá nhiều khiến ngành năng lượng phải gồng mình lên cung ứng, do đó cần phải tái cơ cấu. Cần phải thay đổi tiếp cận chứ cứ làm xi măng, làm thép, tốn năng lượng vậy thì sao chịu được”, ông Thiên nói và khẳng định để tăng trưởng GDP 1% thì năng lượng phải tăng trưởng 0,8%. Vì vậy, điều này tạo sức ép đầu tư rất lớn cho ngành công nghiệp năng lượng.
Theo đó, để có vốn đầu tư vào điện cho giai đoạn tới, Nhà nước có thể tính đến phương án cổ phần hoá, bán bớt vốn tại một số nhà máy có kết quả tổt để có vốn đầu tư vào các dự án điện mới phục vụ cho giai đoạn tới.
Ông Thiên cho rằng, cần phải tư duy lại về giá điện, về cơ chế định giá. Cơ chế hiện tại đang có vấn đề, cứ tăng, tăng mãi. Câu chuyện là tiếp cận thị trường, cơ chế giá điện theo thị trường. Giá cả là hệ thống tương đối đồng bộ. Tiếp cận về giá phải theo giá bậc thang.
“Thời đại hội nhập thì không thiếu cái gì, kể cả vốn chỉ có thiếu chính sách tốt. Tiếp cận về vốn chính là câu chuyện về giá. Quan trọng là cơ chế chứ không phải lo chuyện giá điện tăng giảm, cần có cơ chế thị trường tự điều chỉnh giá, trừ trường hợp lạm dụng tăng giá quá mức mới cần sự can thiệp của Nhà nước”, ông Thiên nói.
Ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng mỗi năm Việt Nam cần 5 tỷ USD cho riêng truyền tải và phát điện. Với giá điện hiện nay, để thu hút được các nguồn lực đầu tư vào ngành điện là khó khăn.
Trong quá khứ, nguồn đầu tư điện chủ yếu dựa vào vốn ODA. Với số lượng, mức độ phát triển năng lượng của Việt Nam, ông Franz cho biết, đã đến lúc phải nghĩ đến sự hữu hạn của vốn tài trợ, nguồn đầu tư từ ODA cũng cần xem xét lại.
“Việt Nam đã rất thành công trong việc tạo nên các nguồn điện từ nhiệt điện than, mang đến nguồn điện giá rẻ. Tuy nhiên, những nguồn lực này giờ đã không còn khiến than phải nhập khẩu. Trong khi phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời lại đòi hỏi đầu tư lớn, giá điện cao”, ông Franz nói.
Nguy cơ thiếu điện ở miền Nam
Theo ông Franz, giá điện ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới, kể cả so với nước cùng trình độ phát triển trong khu vực. Đó là thành quả từ nỗ lực phát triển điện than, thuỷ điện và điện khí.
Còn theo ông Thiên, việc giá điện thấp sẽ dẫn đến không có ai đầu tư và nguy cơ thiếu điện là tất yếu, nhất là miền Nam. “Giá thấp thì khó khiến nhà đầu tư tham gia cuộc chơi này. Giá thấp thu hút các công nghệ thấp, ô nhiễm môi trường khiến đất nước trong tương lai phải trả giá cho sự phát triển năng lượng”, ông Thiên nói.
Trong giai đoạn 2018-2019 có khả năng thiếu điện ở miền Nam do nhu cầu phát triển điện ở miền Nam vẫn tăng cao, trong khi một số dự án điện như là điện than thì chậm tiến độ.
Thực tế, ông Phúc cho biết, trong Quy hoạch điện VII, Bộ Công Thương đã tính đến việc bổ sung nguồn điện cho miền Nam như điện lực Phú Mỹ, Vĩnh Tân…
Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam rất cao thì đòi hỏi các dự án đầu tư phải đảm bảo đúng tiến độ. Ông Phúc cho biết, giai đoạn tới miền Bắc và miền Trung có dự trữ điện cao có thể chi viện cho miền Nam. Hiện đường dây 500KV có thể truyền tải khoảng 4.000 vào miền Nam, chưa kể đường dây 220 KW. Do đó, năm 2017, Bộ Công Thương sẽ không để thiếu điện.
Để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện, các chuyên gia đều cho rằng phải cân bằng cung cầu. Về cầu, cần đẩy mạnh tiết kiệm điện. Khi tiết kiệm điện trở thành phong trào trong cả nước sẽ giảm áp lực tăng nhu cầu dùng điện, đầu tư năng lượng cho giai đoạn tới.
Đồng thời, vấn đề tăng giá điện cũng được đặt ra trong bối cảnh cần tăng nguồn cung điện đảm bảo phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.
http://vneconomy.vn/doanh-nhan/lay-dau-30-ty-usd-xay-cac-nha-may-dien-trong-5-nam-toi-20161115041710218.htm
|