Kinh tế Mỹ sẽ hứng chịu những hậu quả nào dưới thời Tổng thống Donald Trump?
Đề xuất thuế của Donald Trump sẽ tạo ra lợi ích “khổng lồ” cho tầng lớp giàu có tại Mỹ.
Việc Donald Trump lên chức Tổng thống Mỹ có thể tác động đến nền kinh tế về nhiều mặt, chẳng hạn như có thể đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa, làm mất đi sự ổn định của hệ thống tài chính, khiến tài chính công suy yếu và đe dọa niềm tin của nhà đầu tư vào đồng USD.
Tiến trình toàn cầu hóa dưới sự dẫn dắt của Mỹ vốn đã rất mỏng manh và giờ lại càng mỏng manh hơn dưới thời của ông Trump. Sau chiến thắng đầy bất ngờ của Donald Trump, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) coi như chấm hết. Điều này có thể dẫn tới một phương án thay thế mới dưới sự dẫn dắt của Bắc Kinh: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tuy nhiên, không gì có thể thay thế được TPP. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) cũng dần đến hồi kết. Ngoài ra, Donald Trump cũng đề xuất loại bỏ hoặc thương lượng lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Đặc biệt, ông đã đề xuất áp đặt hàng rào thuế suất cao, đặc biệt là đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và Mexico, để ngăn chặn tình trạng các công ty sa thải nhân viên nhằm di chuyển tới các quốc gia khác và vận chuyển hàng hóa về lại nước Mỹ mà không bị đánh thuế. Những điều trên gần như hoàn toàn trái ngược với những nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời cũng tạo ra nguy cơ bị các nước khác trả đũa.
Một khía cạnh khác cũng rất đáng lo ngại là quy chế tài chính. Ông Trump đã ủng hộ việc bác bỏ Đạo luật Dodd-Frank, một quy định được ban hành năm 2010 nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính. Nhiều doanh nghiệp tài chính cực kỳ ghét đạo luật này. Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là đạo luật này có thể được thay thế bởi một đạo luật khác hiệu quả hơn hay sẽ trở lại giống thời kỳ trước khủng hoảng tài chính.
Nếu quay trở lại thời kỳ trước khủng hoảng tài chính, thì nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng khác lớn hơn sẽ chắc chắn gia tăng. Tuy nhiên, không giống như hoạt động thương mại, khi xét về quy chế tài chính, chủ nghĩa dân túy của ông Trump có thể bảo vệ nước Mỹ khỏi việc tháo gỡ các quy định của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội.
Ông Trump cũng muốn gia tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế. Việc tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng có vẻ khá hấp dẫn, đặc biệt là nếu kế hoạch đó hợp lý.
Trong khi đó, đề xuất về thuế có thể tạo ra lợi ích “khổng lồ” cho tầng lớp giàu có tại Mỹ như ông Trump. Theo Trung tâm Chính sách Thuế (TPC), kế hoạch mới nhất của ông Trump sẽ nâng thu nhập sau thuế của tầng lớp giàu có trong phân phối thu nhập thêm 1,010 USD (tương ứng 1.8%). Tuy nhiên, top 10% người giàu nhất sẽ được cắt giảm thuế gần 1.1 triệu USD, tương ứng hơn 14% thu nhập sau thuế. Sự gia tăng tích lũy của nợ công có thể lên đến 25% GDP vào thời điểm năm 2026. Những người thuộc Đảng Cộng hòa trong Quốc hội có thể mong muốn bù đắp cho nợ công, ít nhất là một phần, bằng cách giảm chi tiêu cho lĩnh vực an sinh xã hội và sức khỏe. Tuy nhiên, ông Trump lại phản đối đề xuất này.
Sau cùng, chính chủ nghĩa dân túy của Donald Trump và ham muốn cắt giảm thuế của Đảng Cộng hòa sẽ khiến thâm hụt tài khóa không ngừng gia tăng, qua đó mang lại một thử thách “khổng lồ” cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Động thái rõ ràng nhất sẽ là thắt chặt chính sách tiền tệ. Ông Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc này. Tuy nhiên, ông cũng cho biết nền kinh tế Mỹ cần phải tăng trưởng với tốc độ gần 4%/năm. Điều này có vẻ không thực tế cho lắm với một thị trường lao động đang tăng trưởng chậm chạp như hiện nay.
Tuy nhiên, khi lựa chọn người để thay thế Chủ tịch Fed, Janet Yellen, vào thời điểm năm 2018, Donald Trump sẽ tìm kiếm người có thể điều hành chính sách tiền tệ dựa trên giả định tốc độ tăng trưởng kinh tế gần 4% là khả thi. Kết quả có thể là một sự kết hợp cổ điển của việc nới rộng quá độ cả chính sách tiền tệ lẫn chính sách tài khóa. Rõ ràng, điều này có khả năng làm lạm phát leo dốc, lãi suất danh nghĩa dài hạn tăng cao, và đồng USD suy yếu, qua đó có thể đánh dấu sự chuyển mình trong cơ chế tiền tệ toàn cầu. Thậm chí, điều này còn có thể tạo ra một môi trường giống như năm 1970, khi Tổng thống Richard Nixon and Chủ tịch Fed Arthur Burns nắm quyền kiểm soát nền kinh tế./.
|