Hơn 10 TTCK thế giới đã bước vào “thị trường con bò”
Chứng khoán Mỹ không phải là thị trường duy nhất ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua, hãng tin CNNMoney cho hay.
Hàng loạt các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã nhảy vọt hơn 20% so với các mức thấp gần đây trong năm 2016, cũng có nghĩa là các thị trường này đã chính thức bước vào “thị trường con bò”.
Chưa hết, ở một số khu vực trên thế giới, nhiều chỉ số chứng khoán chủ chốt thậm chí còn leo dốc hơn 30%.
CNNMoney đã thống kê danh sách các thị trường chứng khoán (ngoại trừ Mỹ) đang nằm trong phạm vi “thị trường con bò”:
- Canada – TSX của Toronto nhảy vọt 31% kể từ tháng 1
- Anh - FTSE 100 tăng 23% kể từ tháng 2
- Đức - DAX tiến 22% kể từ tháng 2
- Hà Lan - AEX vọt 20% kể từ tháng 2
- Na Uy - All-share bứt phá 31% kể từ tháng 1
- Hy Lạp - Athex Composite bay cao 50% kể từ tháng 2
- Nga - Micex vọt 31% và RTX leo dốc 67% kể từ tháng 1
- Argentina - Merval bứt phá 87% kể từ giữa tháng 1
- Trung Quốc - Các chỉ số tại Thượng Hải và Hồng Kông tăng từ 23% đến 31% kể từ đầu năm 2016
- Nhật Bản - Nikkei 225 tiến 22% kể từ tháng 6
- Australia - ASX All Ordinaries vọt 43% kể từ tháng 2
- Ả-rập Xê-út - All Share leo dốc 28% kể từ tháng 10
Dưới đây, CNNMoney cũng sẽ nêu ra một số yếu tố quan trọng đã đóng góp vào đà tăng của các thị trường chứng khoán toàn cầu:
Giá dầu
Trong tháng 2/2016, giá dầu đã giảm chỉ còn 26 USD/thùng, qua đó khiến các chỉ số toàn cầu lao dốc trước nỗi lo sợ của nhà đầu tư. Đà trượt dốc của giá dầu còn tác động nặng nề tới các công ty dầu chủ chốt, đồng thời đẩy hàng loạt các nhà sản xuất dầu từ nguồn đá phiến tại Mỹ rơi vào tình trạng phá sản và khiến nhà đầu tư lo lắng về những ngân hàng đã cung cấp khoản vay cho ngành dầu mỏ.
Tuy nhiên, giờ đây, giá dầu đã nhảy vọt lên mức 48 USD/thùng, qua đó tác động tích cực đến các thị trường, đặc biệt là những quốc gia sản xuất dầu chủ chốt như Nga và Na Uy.
Trung Quốc
Mối quan ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo vào đầu năm 2016 và khiến các cổ phiếu của Trung Quốc rớt giá trầm trọng. Tuy nhiên, hiện tại, các chỉ số chứng khoán chính tại Trung Quốc đã hồi phục phần nào khi nhà đầu tư trong nước rút vốn ra khỏi thị trường bất động sản và chuyển sang thị trường chứng khoán.
Chi tiêu của Chính phủ Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng và hoạt động cho vay của các ngân hàng nhà nước cũng góp phần tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.
Đặc biệt, giá quặng sắt đã tăng gấp đôi kể từ thời điểm khởi đầu năm 2016, qua đó giúp thị trường Australia, vốn lệ thuộc khá nhiều vào các nguồn tài nguyên, đã nhảy vọt 43% so với tháng 2.
Tổng thống đắc cử Donald Trump
Thị trường chứng khoán Mỹ đã leo dốc mạnh mẽ nhờ kỳ vọng Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump sẽ thực hiện các lời cam kết cắt giảm thuế, giảm nhẹ quy định và gia tăng chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng.
Kế hoạch chi thêm 1 ngàn tỷ USD vào hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của ông Trump cũng góp phần hỗ trợ giá hàng hóa.
Naeem Aslam, Trưởng Bộ phận Phân tích thị trường tại Think Forex, cho biết: “Chính sự lạc quan về giá hàng hóa đã châm ngòi cho đà leo dốc của các thị trường như Australia, Brazil và Canada”./.
|