Giải quyết 3 điểm “nghẽn” lớn của nông nghiệp: Cần sức doanh nghiệp
“Doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị và có tiềm lực giải quyết 3 điểm "nghẽn" lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay.”
Vận chuyển gạo xuất khẩu tại công ty lương thực Long An. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
|
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp thường niên nhóm công tác PPP (hợp tác công tư) các ngành hàng nông nghiệp trong khuôn khổ chương trình Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững (PSAV) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay (30/11), ở Hà Nội.
Tiềm lực của doanh nghiệp
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, PPP là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư vào chế biến sâu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong giai đoạn phát triển này, bên cạnh vai trò điều hành của Chính phủ, vai trò chủ lực của người sản xuất, cần phải có sự đồng hành của doanh nghiệp.
“Thứ nhất, các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn có thể tăng cường đầu tư cho nông nghiệp quy mô lớn và hiệu quả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhanh nhạy nắm bắt thị trường giúp kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước và quốc tế. Mặt khác, doanh nghiệp có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất và chế biến giúp nâng cáo giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu rõ rằng, trong tầm nhìn nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho phát triển kinh tế và phát triển bền vững là ưu tiên chiến lược. Do đó, khoa học công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP sẽ là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.
Lập nhóm công tác PPP lúa gạo và chăn nuôi
Đánh giá cao các thành tựu mà 8 nhóm công tác PPP ngành hàng và các mô hình phát triển nông nghiệp đạt được, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng vừa đồng ý tán thành việc sẽ xúc tiến thành lập thêm các nhóm PPP mới bao gồm nhóm PPP ngành hàng chăn nuôi và lúa gạo.
Đề xuất việc thành lập nhóm công tác PPP ngành hàng chăn nuôi tại cuộc họp sáng nay, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia cho rằng, ngành chăn nuôi đang là một trong những lĩnh vực có nhiều thế mạnh của nền nông nghiệp của Việt Nam và cần có sự đầu tư, phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Còn riêng đối với nhóm ngành hàng gạo, Bộ trưởng cũng nhất trí việc thành lập nhóm công tác PPP ngành hàng gạo trong thời gian tới, tuy nhiên cần có lộ trình và kế hoạch cụ thể đối với ngành hàng này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành gạo hiện nay đang vướng một số vấn đề lớn về yếu tố thị trường và biến đổi khí hậu.
“Muốn phát triển một ngành hàng phải tính đến vấn đề thị trường tuy nhiên thị trường gạo thế giới hiện nay đang có những biến động và chúng ta cần những chủ trương chính sách điều chỉnh cho phù hợp.
Về nhu cầu gạo thế giới mỗi năm giao dịch khoảng 34-36 triệu tấn/năm, trong khi sức cung ứng của toàn cầu hiện nay là rất lớn. Do đó, trong tương lai gần sức cung cho thị trường lúa gạo sẽ lớn hơn so với nhu cầu, đây là một bài toán chúng ta phải tính đến,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng, ngành hàng lúa gạo sẽ là một ngành hàng khó thực hiện hơn so với các ngành hàng khác.
“Mặc dù đã có những mô hình sẵn rất thành công như nhóm công tác PPP càphê, chè để áp dụng, tuy nhiên ngành hàng lúa gạo có rất nhiều nông dân tham gia vào và đây không chỉ là ngành hàng kinh doanh lấy lãi mà còn có những nhiệm vụ khác về mặt xã hội, chính trị, môi trường nên bước đi của nhóm ngành hàng này chắc chắn sẽ phải cẩn thận hơn rất nhiều so với các ngành hàng khác,” Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói./.
http://www.vietnamplus.vn/giai-quyet-3-diem-nghen-lon-cua-nong-nghiep-can-suc-doanh-nghiep/418588.vnp
|