Công bố lộ trình bán 9% vốn Vinamilk của SCIC
Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của Tổng CTCP Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HOSE: VNM), đại diện SCIC cho biết theo lộ trình ngày 12/12/2016 dự kiến là thời điểm kết thúc đợt chào bán 9% vốn VNM do SCIC sở hữu.
Buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của Tổng CTCP Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HOSE: VNM)
|
Việc chào bán cổ phần Vinamilk do SCIC nắm giữ nằm trong kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư của Tổng CTCP Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước. Và việc chào bán này chỉ làm thay đổi cơ cấu cổ đông, không làm thay đổi vốn điều lệ doanh nghiệp.
Quá trình bán vốn VNM sẽ được thực hiện theo Quyết định số 06/QĐ-HĐTV về quy chế bán vốn tại SCIC. Theo đó, phương thức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện giao dịch trước tiên là chào bán cạnh tranh nếu có từ 2 nhà đầu tư đăng ký mua, sau đó sẽ thoả thuận trực tiếp nếu chỉ một nhà đầu tư tham gia. Phương thức giao dịch là khớp lệnh, thoả thuận qua Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) hay qua Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).
Đối với phương án chào bán cạnh tranh, SCIC dự kiến sẽ chào bán cạnh tranh 130.6 triệu cp Vinamilk vào ngày 02/12/2016 tại HOSE. Ngày giao dịch và chuyển nhượng từ 05/12 đến 08/12 và ngày hoàn tất giao dịch là 12/12.
Hiện tại SCIC chưa công bố giá khởi điểm, thời gian công bố sẽ dao động từ 23/11 đến 02/12. Giá đặt mua phải không thấp hơn giá khởi điểm và mức giá sàn của cổ phiếu Vinamilk tại ngày chào bán. Số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư cá nhân, pháp nhân được đăng ký mua tối đa là 130.6 triệu cp.
Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt câu hỏi về quy chế đấu giá, thời gian tổ chức và việc công bố thông tin cũng như liên doanh tư vấn hỗ trợ SCIC trong việc bán vốn VNM.
Đại diện SCIC cho biết trong đợt đấu giá này SCIC không tìm nhà đầu tư chiến lược cho VNM mà tạo cơ hội cho tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Hơn nữa, SCIC sẽ thực hiện công bố thông tin công khai minh bạch, thực hiện đúng quy chế, đúng quy định pháp luật và theo chuẩn mực quốc tế. Trong quá trình thực hiện, SCIC nhận được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và trở lại để đầu tư VNM. Song, SCIC cho đến giờ phút này chưa nhận được thông tin từ cổ đông lớn thứ hai về việc sẽ tham gia mua vốn VNM trong đợt đấu giá này.
Được biết, cơ cấu cổ đông VNM tính đến thời điểm 30/09/2016 là SCIC sở hữu 44.75% vốn, F&N Dairy Investments Pte Ltd giữ 10.95% vốn và cổ đông khác 44.32%.
Đồng thời, trong năm 2016, SCIC bán 9% sau đó dựa trên sự đón nhận của nhà đầu tư, chiến lược phát triển của VNM thì sẽ báo cáo Chính phủ để Chính phủ quyết định lộ trình tiếp theo, ngay khi có quyết định SCIC cũng sẽ công bố thông tin.
Một số chiến lược phát triển của VNM trong năm năm tới gồm tăng trưởng doanh thu với mức tăng trưởng trung bình hằng năm 8-9%, để đạt mức tăng trưởng này, Công ty sẽ ưu tiên việc gia tăng sản lượng tiêu thụ trên cơ sở giá bán hợp lý cũng như phát triển thêm dòng sản phẩm cao cấp để lấy thêm thị phần; tăng trưởng thị phần trung bình từ 1-1.5% hằng năm đối với từng nhóm sản phẩm; nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm mới; ưu tiên phát triển thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực nông thôn; triển vọng tăng trưởng tại thị trường nước ngoài tiếp tục tăng cao (thị trường Campuchia) mức tăng trưởng bình quân mỗi năm đến hết năm 2024 dự kiến đạt khoảng 15%; tiếp tục tìm kiếm cơ hội M&A các công ty sữa tại các quốc gia khác.
Với chiến lược như trên, VNM đặt kế hoạch doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017 và trở thành 1 trong 50 nhà máy sữa lớn nhất thế giới./.
|